Tiếp tục bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông
Chuỗi hoạt động của AIPA 41 hôm nay bàn tới hòa bình và phát triển bền vững, mà Biển Đông là một vấn đề được nghị viện các nước ASEAN quan tâm.
Trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên Nghị viện ASEAN lần thứ 41 (AIPA 41) mà Việc Nam là Chủ tịch luân phiên, ngày 9-9, cuộc họp của các Ủy ban Chính trị, Kinh tế đã diễn ra dưới hình thức trực tuyến.
Với chủ đề “ngoại giao nghị viện vì hòa bình và an ninh bên vững”, các thành viên Ủy ban Chính trị đã trao đổi về vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống; về tăng cường tuân thủ những nguyên tắc, luật lệ quốc tế, các cam kết bảo đảm hòa bình, an ninh khu vực và thế giới.
Các Nghị viện thành viên đồng tình tiếp tục bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, đẩy mạnh hợp tác xây dựng lòng tin. Tiếp tục khẳng định quan điểm sử dụng các biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và hướng tới Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
Đại diện các Nghị viện khẳng định tiếp tục ủng hộ, tăng cường năng lực của ASEAN trong giải quyết các thách thức an ninh, lấy người dân làm trung tâm, đặc biệt là ứng phó với dịch COVID-19…
Còn tại cuộc họp của Ủy ban Kinh tế, chủ đề được lựa chọn là “vai trò của nghị viện trong thúc đẩy gắn kết và phục hồi kinh tế ASEAN sau dịch COVID-19”. Đại diện Campuchia giới thiệu sơ bộ các giải pháp phòng chống đại dịch của nước này, kèm theo là hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cần nguồn tài chính, phát triển kinh tế số, triển khai các dự án hạ tầng để thúc đẩy kinh tế…
Đại diện Việt Nam bày tỏ mong muốn Cộng đồng ASEAN thống nhất thực hiện chuỗi giải pháp đột phá, có tính khả thi để vực dậy nền kinh tế khu vực. Chẳng hạn thúc đẩy trao đổi thông tin du lịch, sức khỏe và các biện pháp cần thiết kiểm soát lây lan đại dịch, hình thành các khu vực di chuyển an toàn trong ASEAN.
Việt Nam cũng đề xuất rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, bảo đảm lưu thông hàng hóa và các chuỗi cung ứng trong khu vực không bị gián đoạn; xây dựng chính sách đầu tư thông thoáng, bền vững, có trách nhiệm trong khu vực; bảo đảm an ninh lương thực và chuỗi giá trị nông nghiệp; tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo; tiến tới xây dựng kinh tế tuần hoàn…
Cũng trong ngày, Ủy ban Xã hội và Ủy ban Tổ chức của AIPA tổ chức các phiên họp về các vấn đề khu vực và thế giới mà nghị viện các nước ASEAN quan tâm.