Tiếp tục báo động an ninh nước sạch
9.000 người tử vong mỗi năm do nguồn nước và vệ sinh kém và con số người mắc những căn bệnh hiểm nghèo liên quan đến nguồn nước cũng lên đến mức báo động mỗi năm... cho thấy, an ninh nguồn nước sạch thực sự là vấn đề đáng báo động hiện nay của nước ta.
Những con số đáng báo động
Thời gian qua, chất lượng nguồn nước là một trong những vấn đề nổi cộm của Việt Nam. An ninh nguồn nước sinh hoạt của cả nước đang ở mức báo động. Theo thống kê của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên - Môi trường, hiện mỗi năm, có khoảng 9.000 người tử vong do nguồn nước và vệ sinh kém, gần 250 ngàn người nhập viện vì bị tiêu chảy cấp bởi nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, khoảng 200.000 người mắc bệnh ung thư mỗi năm mà một trong những nguyên nhân chính là do ô nhiễm nguồn nước.
Trong khi đó, WHO cũng từng cảnh báo về tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam, khi tổ chức này đưa ra thông tin có tới 44% trẻ em Việt Nam bị nhiễm giun và 27% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng mà nguyên nhân chính là do thiếu nước sạch và chất lượng nước kém, thiếu vệ sinh. Bên cạnh đó, có khoảng 21% dân số đang sử dụng nguồn nước bị nhiễm Asen.
Đáng quan ngại, không ít người dân vẫn khá thờ ơ với những cảnh báo này khi vẫn tiếp tục sử dụng những nguồn nước thiếu an toàn, đồng thời có những hành động không có ý thức bảo vệ nguồn nước cũng như môi trường nói chung. Người dân vẫn tự do xả rác xuống những con sông, biến màu xanh của nước sông thành những màu đen ngòm, bức tử sự sống của các dòng sông.
Khảo sát của Trung tâm Quan trắc môi trường Quốc gia – Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho thấy hiện trạng môi trường nước mặt lục địa nhiều nơi bị ô nhiễm nghiêm trọng. Miền Bắc tập trung đông dân cư (đặc biệt là Đồng bằng sông Hồng) lượng nước thải đô thị lớn hầu hết của các thành phố đều chưa được xử lý và xả trực tiếp vào các kênh mương và chảy thẳng ra sông. Ngoài ra một lượng lớn nước thải công nghiệp, làng nghề cũng là áp lực lớn đối với môi trường nước.
Kỳ vọng vào Chỉ thị 34
Giới chuyên gia trong ngành nêu lên thực trạng, chỉ nói đến việc xử lý nước thải sinh hoạt đã là là cả một vấn đề bất cập tồn tại trên cả nước. Ước tính trung bình có khoảng 80% lượng nước cấp cho sinh hoạt trở thành nước thải sinh hoạt, nhưng tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý chỉ mới đạt khoảng 10% - 11% trên tổng số lượng nước thải đô thị.
Mặc dù không ít dự án, nhà máy xử lý nước thải đã đi vào hoạt động như nhà máy xử lý nước thải tại Yên Sở của Hà Nội hay Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng của TP.Hồ Chí Minh song vẫn không đủ lực để giải bài toán này, do áp lực khối lượng nước thải sinh hoạt hiện nay.
Thủ tướng Chính phủ mới đây đã ban hành Chỉ thị 34/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh nước sạch, bảo đảm cấp nước an toàn, liên tục. Chỉ thị nêu rõ, để bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh nước sạch an toàn, liên tục cho người dân và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; chủ động ứng phó với điều kiện biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đô thị hóa và nâng cao chất lượng sống của người dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân cần quán triệt và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nước sạch đối với đời sống con người và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; có hành động thiết thực để bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, công trình cấp nước và sử dụng nước sạch tiết kiệm, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
“Mọi hành vi xâm hại hành lang bảo vệ nguồn nước, vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, công trình cấp nước, gây ô nhiễm nguồn nước, mất an toàn trong sản xuất, truyền tải, cung cấp nước sạch phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật” - Chỉ thị nhấn mạnh.
Con số 9.000 người tử vong mỗi năm do nguồn nước kém chất lượng được Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên - Môi trường đưa ra cùng với hàng trăm người mắc bệnh hiểm nghèo cũng liên quan đến nguồn nước thực sự là một con số nhức nhối, đáng báo động đối với thực trạng nguồn nước của Việt Nam hiện nay. Chính bởi vậy, Chỉ thị 34 của Thủ tướng Chính phủ được kỳ vọng sẽ đẩy lùi các nguy cơ, hành vi xâm hại nguồn nước, góp phần bảo vệ an ninh nguồn nước sạch của Việt Nam.
Nước chiếm 70% trọng lượng cơ thể và có một vai trò hết sức quan trọng đối với cuộc sống, sức khỏe (chuyển hóa, thải độc, vận chuyển dinh dưỡng và dưỡng khí, điều hòa thân nhiệt…). Nước đồng thời cũng là yếu tố gây nên các bệnh lây nhiễm và các bệnh không lây nhiễm nếu việc cấp nước không tuân thủ đảm bảo an toàn - nước bị nhiễm bẩn.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tiep-tuc-bao-dong-an-ninh-nuoc-sach-507284.html