Tiếp tục 'bêu tên' Asanzo nợ thuế 40 tỷ... Cục Thuế TP HCM đòi CEO Tam kiểu gì?
Tập đoàn Asanzo của CEO Tam là một trong những doanh nghiệp bị 'bêu tên' trong danh sách 586 đơn vị nợ thuế mà Cục Thuế TP.HCM vừa thông báo. Đây không phải lần đầu tiên Asanzo nợ thuế.
Mới đây, Cục Thuế TP.HCM đã có thông báo về việc công khai thông tin người nộp thuế nợ thuế kỳ 2/2020. Trong kỳ nợ thuế này có 586 doanh nghiệp nợ thuếvới tổng số tiền thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp là hơn 4.656 tỷ đồng.
Danh sách nợ thuế "bêu tên" cả Công ty CP Tập đoàn Asanzo của Chủ tịch Phạm Văn Tam nợ thuế gần 40 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trên đây không phải lần đầu tiên Asanzo bị “bêu tên” nợ thuế. Trước đó, Asanzo cũng là doanh nghiệp góp mặt ở danh sách 535 đơn vị nợ thuế kỳ 1/2020 của Cục Thuế TP.HCM, với số tiền nợ thuế hơn 34 tỷ đồng.
Trước đó nữa, năm 2019 Cục Thuế TP.HCM đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Asanzo với các hành vi vi phạm về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, về giao dịch liên kết, về bán hàng không xuất hóa đơn, sử dụng bất hợp pháp hóa đơn (hóa đơn nội dung không có thực), mua linh kiện rồi thuê gia công lắp ráp nhưng không kê khai, nộp thuế tiêu thụ đặc biệt… Tổng số tiền phạt, truy thu, chậm nộp của Asanzo gần 68 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của PV, năm 2018, doanh thu của Asanzo đạt hơn 1.141 tỷ đồng, thuế TNDN kê khai gần 57 triệu đồng. Từ tháng 1-7/2019, doanh thu Công ty hơn 248 tỷ đồng, chưa khai thuế TNDN. Nhưng, trong suốt hai năm rưỡi với doanh thu hàng ngàn tỷ đồng, toàn bộ số thuế GTGT được Asanzo kê khai là 0 đồng.
Trước việc Asanzo tiếp tục bị “bêu tên” nợ thuế 40 tỷ đồng, dư luận đã đặt câu hỏi: Nếu thời điểm này tài khoản của Asanzo vẫn “rỗng”, Cục Thuế TP.HCM đòi nợ CEO Tam kiểu gì?
Đánh giá về vấn đề trên, luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, việc các doanh nghiệp như Asanzo nợ thuế không còn là điều đáng lạ. Tuy nhiên, doanh nghiệp nợ thuế số tiền lớn và trong thời gian dài như vậy là điều cần phải xử lý. Bởi lẽ, sau khi trừ các chi phí trong hoạt động kinh doanh của mình, thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ được đánh vào thu nhập chịu thuế với mức là 20%/năm.
Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, việc nợ thuế của Asanzo có thể sẽ bị Cục Thuế TP.HCM áp dụng biện pháp cưỡng chế sử dụng hóa đơn. “Trường hợp doanh nghiệp này có dấu hiệu trốn thuế thì có thể bị xử lý về tội trốn thuế”, - luật sư Tùng nhấn mạnh.
Luật sư Hoàng Tùng chia sẻ thêm, nếu Asanzo không đồng ý với số tiền thuế, tiền phạt mà cơ quan thuế thông báo, cho rằng số tiền mà cơ quan thuế thông báo là không phù hợp, không đúng quy định và thực tế tính trên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có thể khiếu nại lên Chi cục thuế hoặc Tổng cục thuế.