Tiếp tục bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ làm công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới
Ngày 24/1, Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ đối ngoại, Học viện Ngoại giao (FOSET) đã tổ chức Hội thảo đánh giá giữa kỳ thực hiện đề án 'Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ làm công tác đối ngoại nhân dân giai đoạn 2021-2025'.
Đề án được phê duyệt ngày 4/11/2020 và do Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao chỉ trì, phối hợp với Ban Đối ngoại Trung ương và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam triển khai.
Tham dự Hội thảo có đại diện của các ban, ngành, tổ chức, hiệp hội cũng như các giảng viên tham gia giảng dạy trực tiếp các khóa đào tạo, bồi dưỡng trong khuôn khổ Đề án, như: nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh, Đại sứ Luận Thùy Dương, Đại sứ Nguyễn Quang Khai, Đại sứ Nguyễn Anh Tuấn.
Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sỹ Tôn Thị Ngọc Hương, Giám đốc Trung tâm FOSET, Học viện Ngoại giao đánh giá, các khóa đào tạo, bồi dưỡng trong giai đoạn đầu đã đạt hiệu quả tích cực và cơ bản đáp ứng nhu cầu đào tạo cán bộ của các ban, ngành, tổ chức đối ngoại nhân dân cấp Trung ương.
Đến nay, đã triển khai được 37 khóa đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng đối ngoại và ngoại ngữ chuyên ngành dành cho hơn 2.500 lượt học viên làm công tác đối ngoại của các tổ chức, đoàn thể nhân dân cấp Trung ương.
Nội dung bồi dưỡng bám sát các yêu cầu Chỉ thị số 12-CT/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân trong hình hình mới”.
Đại diện Học viện Ngoại giao đánh giá, hai năm vừa qua là thời gian vừa làm vừa tìm hiểu và rút kinh nghiệm cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác đối ngoại nhân dân.
Thành công bước đầu của các khóa đào tạo, bồi dưỡng của Đề án là nỗ lực của các cơ quan tham gia triển khai Đề án cũng như sự tham gia, ủng hộ của các tổ chức, hiệp hội cấp Trung ương.
Quá trình triển khai Đề án cũng gặp một số khó khăn, thách thức, do đó, cần tiếp tục hoàn thiện, đổi mới các chương trình đào tạo, bồi dưỡng.
Một là, chuẩn hóa nội dung chương trình sát hơn với nhu cầu thực tiễn; Hai là, phân loại cụ thể đối tượng bồi dưỡng để xây dựng chương trình phù hợp;
Ba là, chuẩn hóa tài liệu tham khảo và biên soạn tài liệu giảng dạy phù hợp với công tác đối ngoại nhân dân; Bốn là, tăng cường sự phối hợp định kỳ giữa các bên nhằm đôn đốc quá trình tổ chức cũng như tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng.
Hội thảo đã diễn ra hết sức hiệu quả với nhiều ý kiến đánh giá tích cực từ các đại biểu là các giảng viên là các Đại sứ và chuyên gia, đại diện các đơn vị thụ hưởng Đề án và học viên trực tiếp tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng trong khuôn khổ Đề án.
Các đại biểu chia sẻ, đây là lần đầu tiên các cơ quan, đơn vị làm công tác đối ngoại nhân dân được quan tâm và dành nguồn lực để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ một cách bài bản, thiết thực để thực hiện nhiệm vụ được giao.
Các chương trình đào tạo bổ sung những kiến thức và kỹ năng cần thiết mà trước đây các cán bộ làm công tác đối ngoại nhân dân chưa có điều kiện tiếp cận.
Đặc biệt, kinh nghiệm và kiến thức từ các Đại sứ, chuyên gia dày dặn kinh nghiệm đối ngoại trong và ngoài nước đã để lại những ấn tượng sâu sắc đối với các học viên và mang lại cho các học viên những thông tin, kiến thức và kỹ năng quý báu.
Về phương hướng triển khai các khóa đào tạo, bồi dưỡng giai đoạn tới, đại diện các cơ quan, đơn vị thụ hưởng Đề án cho rằng, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh, phức tạp, hoạt động đối ngoại của ta ngày càng được mở rộng và đi vào chiều sâu, Đề án đào tạo bồi dưỡng cần được triển khai lâu dài, với các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cập nhật thường xuyên, định kỳ và không chỉ giới hạn trong các hội đoàn, tổ chức đối ngoại nhân dân cấp Trung ương mà còn mở rộng ra các địa phương.
Việc xây dựng khung tổng thể các khóa học trong năm, các đơn vị có thể hình dung được bức tranh tổng thể và xác định các khóa đào tạo kiến thức và kỹ năng cần thiết cho cán bộ tổ chức/hiệp hội của mình để đăng ký tham dự phù hợp.
Đại diện các cơ quan, đơn vị cũng cho rằng, cần tăng cường các hoạt động thực tế bên cạnh các khóa học kiến thức và xây dựng bộ cơ sở dữ liệu tài liệu học, tài liệu tham khảo, cũng như giáo trình để học viên tự nghiên cứu kết hợp với học trên lớp.
Đề án tiếp tục được triển khai trong các năm 2024 và 2025, góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng đối ngoại, trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, cùng các trụ cột đối ngoại tăng cường vị thế quốc tế, thúc đẩy hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.