TIẾP TỤC CÂN NHẮC KHI TÍCH HỢP CÁC LOẠI GIẤY PHÉP VỀ MÔI TRƯỜNG

Thảo luận tại phiên họp thứ 47 về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng nên tích hợp 7 loại giấy phép về môi trường trong 1 giấy do Bộ Tài nguyên – Môi trường cấp là cần thiết, nhằm cắt giảm thủ tục hành chính. Cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc đối với việc tích hợp giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi.

Báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ - Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết Chính phủ đề xuất chỉ dùng 1 loại giấy phép về môi trường thay thế cho 7 loại giấy tờ thủ tục hành chính về môi trường, gồm: Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường; giấy phép xả nước thải vào nguồn nước (quy định tại Luật Tài nguyên nước); Giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi (quy định tại Luật Thủy lợi); giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; giấy phép xử lý chất thải nguy hại; sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; Giấy phép xả khí thải công nghiệp.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ - Môi trường Phan Xuân Dũng báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ - Môi trường Phan Xuân Dũng báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ - Môi trường Phan Xuân Dũng cũng cho biết, một số ý kiến đề nghị làm rõ việc tích hợp giấy phép xả thải vào công trình thủy lợi hiện đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp quy định tại Luật Thủy lợi mới có hiệu lực từ 1/7/2018. Do đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ - Môi trường trình 2 phương án xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, Phương án 1 quy định theo hướng chỉ dùng 01 loại giấy phép môi trường trong đó bao gồm cả nội dung cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi, thay thế 07 loại giấy tờ thủ tục hành chính về môi trường. Phương án 2 quy định theo hướng vẫn có giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi đã được quy định trong Luật Thủy lợi mới được thông qua năm 2017 và đang được triển khai thực hiện một cách thuận lợi. Tuy nhiên, quy định về vấn đề này cần phải điều chỉnh cách thể hiện để không ảnh hưởng tới công tác quản lý nhà nước mà Chính phủ đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Liên quan đến việc tích hợp giấy phép xả vào công trình thủy lợi vào giấy phép môi trường, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết trong quá trình xây dựng dự thảo luật Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có ý kiến đề nghị không tích hợp giấy phép xả thải vào trong công trình thủy lợi vào giấy phép môi trường chung.

Lý giải cho đề nghị này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nêu rõ, tại Điều 41 của Luật Thủy lợi mới được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/7/2018 đã quy định việc cấp giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi thuộc thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các tỉnh. Theo đó, tại Điều 58 của Luật Thủy lợi mới đã sửa đổi khoản 1 Điều 73 của Luật Tài nguyên nước để đảm bảo tính thống nhất trong các bộ luật. Một trong những đổi mới quan trọng nhất của Luật Thủy lợi (sửa đổi), đó là chuyển từ cơ chế thủy lợi phí sang giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi, nên việc đảm bảo chất lượng nước cấp và vấn đề quyết định giá của sản phẩm dịch vụ thủy lợi. Do vậy, việc cấp phép xả thải vào công trình thủy lợi là hoạt động không chỉ riêng yếu tố môi trường mà còn liên quan tới nhiều yếu tố khác như yếu tố về sử dụng nước của các hộ dùng nước và vận hành cũng như khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh phát biểu tại phiên họp

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh phát biểu tại phiên họp

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh chia sẻ, sau gần 2 năm thực hiện Luật Thủy lợi mới thì công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các địa phương hết sức thuận lợi và chất lượng dịch vụ đã được cải thiện, đã đảm bảo cả về số lượng cũng như chất lượng nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Thảo luận tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết giấy phép môi trường là nội dung này rất quan trọng, liên quan đến việc thu hút đầu tư, nhất là FDI. Qua thực tế làm việc với một số doanh nghiệp ở Vũng Tàu, cho thấy hiện nay thủ tục cấp giấy phép xây dựng hết khoảng 240 đến 280 ngày. Doanh nghiệp rất kêu về vấn đề này. Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng nên có những quy định thống nhất, nước xả vào môi trường sống và nước xả vào thủy lợi mà giống nhau thì đương nhiên một giấy phép.

Cũng bày tỏ tán thành với phương án 1, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng quy định theo hướng này vừa đúng thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành vừa là đơn giản hóa được thủ tục hành chính, tích hợp các loại giấy phép.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết thêm, xả nước thải vào nguồn nước và xả nước thải vào công trình thủy lợi, bản chất là xả nước thải. Khi đó nước thải này có bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường hay không, chứ không phải là cơ quan nào quản lý về công trình dự án hay công trình thủy lợi. Mặc dù trong Luật Thủy lợi năm 2017 quy định cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy phép để cho phép xả nước thải vào công trình thủy lợi nhưng bây giờ cần nhìn lại tổng thể của vấn đề và nên giao cho một cơ quan cấp một giấy phép.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết do còn ý kiến khác nhau về nội dung này nên cần thận trọng và sẽ đưa ra hai phương án để Quốc hội phân tích kỹ thêm ở đây. Theo đó, loại ý kiến thứ nhất là tích hợp một giấy phép xả thảu do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp để cách thủ tục hành chính. Loại ý kiến thứ hai liên quan đến công trình thủy lợi theo quy định của Luật Thủy lợi đảm bảo về số lượng và chất lượng của nguồn nước và việc đưa nguồn nước này vào công trình thủy lợi thì phải có giấy phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bơỉCần lưu ý rằng công trình thủy lợi là công trình dùng cho sinh hoạt, sản xuất và phải có yêu cầu chất lượng cao hơn với mức độ khác, có tiêu chuẩn khác./.

Bảo Yến

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=47581