Tiếp tục đầu tư, nâng cấp Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng
ĐTO - Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng (tên gọi khác Bia lưu niệm Bác Tôn) là nơi ghi lại sự kiện 3 lần Bác Tôn về công tác tại xã Mỹ An Hưng (nay là xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò) vào cuối năm 1945. Đặc biệt, vào dịp kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng vào ngày 20/8 hàng năm, nhiều Đoàn của cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội trong và ngoài địa phương đến viếng, tổ chức sinh hoạt ôn lại truyền thống và học tập gương sáng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Cuộc đời của Chủ tịch Tôn Đức Thắng là một tấm gương luôn phấn đấu cho sự nghiệp độc lập dân tộc, sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản và Nhân dân lao động. Xuất thân từ hàng ngũ giai cấp công nhân, từ lúc còn trẻ, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã giác ngộ cách mạng và tham gia lãnh đạo phong trào yêu nước của Nhân dân Việt Nam chống đế quốc, phong kiến. Đồng thời tham gia cuộc khởi nghĩa Hắc Hải, chống sự can thiệp vũ trang của đế quốc để bảo vệ nước Cộng hòa Xô Viết, nêu cao tinh thần quốc tế cao cả của giai cấp công nhân Việt Nam.
Đế quốc Pháp đã bắt giam, đày đọa ông suốt 17 năm, trong đó 15 năm ở nhà ngục Côn Đảo với chế độ khổ sai, khi thì nhốt vào hầm xay lúa, khi thì nhốt vào hầm tối, tay chân bị xiềng xích, nhưng tinh thần cách mạng kiên cường của Chủ tịch Tôn Đức Thắng trước sau vẫn không chút lay chuyển. Trong nhà tù, Chủ tịch Tôn Đức Thắng luôn nêu cao tấm lòng yêu nước, tin tưởng ở tương lai tươi sáng của dân tộc và của giai cấp và không bao giờ xao lãng công tác cách mạng.
Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Tôn Đức Thắng ra khỏi nhà tù. Vừa bước chân lên đất liền, cuộc kháng chiến bùng nổ, Chủ tịch Tôn Đức Thắng tham gia ngay vào cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Với nhiều cương vị quan trọng trong Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, Chủ tịch Tôn Đức Thắng luôn nỗ lực làm đầy đủ trách nhiệm của mình, cùng với Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc lãnh đạo Nhân dân, góp phần quan trọng vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc. Tại kỳ họp thứ V, Quốc hội khóa III, ngày 23/9/1969, đồng chí Tôn Đức Thắng được bầu giữ chức Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến khi đồng chí qua đời vào ngày 30/3/1980.
Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã nêu cao tấm gương của người cộng sản về tính tổ chức, tính nguyên tắc của Đảng, nhất là chăm lo cho đồng chí, đồng bào, đoàn kết cả nước trong cuộc chiến đấu chung vì độc lập, thống nhất của Tổ quốc. Khiêm tốn, giản dị là đức tính suốt đời của Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Để ghi nhớ sự kiện 3 lần Chủ tịch Tôn Đức Thắng về chỉ đạo kháng chiến thời điểm cuối 1945 và đầu năm 1946, tỉnh Đồng Tháp quyết định đầu tư xây dựng Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng bên bờ rạch Đất Sét thuộc xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò. Công trình tọa lạc trên khuôn viên 5.400m2 nằm cạnh đường liên tỉnh 848 nối từ phà Cao Lãnh đi TP Long Xuyên (tỉnh An Giang - quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng) nên rất thuận tiện cho mọi người trong và ngoài tỉnh thăm viếng. Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng có 4 hạng mục chính: nhà lưu niệm, sân lễ, nhà đón khách và khu vườn hoa cây cảnh.
Để đáp ứng nhu cầu ông lại truyền thống của đông đảo Nhân dân mọi miền đất nước, tỉnh chấp thuận chủ trương tu bổ di tích Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng với tổng kinh phí gần 15 tỷ đồng. Theo đó, tỉnh đầu tư cải tạo, mở rộng nhà đón khách và phục vụ hiện hữu thành phòng chiếu phim về “Cuộc đời, sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng” và phòng tiếp đón các đoàn khách về nguồn, thăm viếng (quy mô sức chứa khoảng 50 người/lượt với diện tích 40m2); đầu tư tôn tạo công trình Nhà trưng bày một số tư liệu, hiện vật về “Cuộc đời, sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng” có diện tích khoảng 150m2. Bên cạnh đó, tiếp tục tu bổ cổng Tam quan, hàng rào kiên cố; nâng cấp nền hạ và chỉnh trang khuôn viên, cây xanh, thảm cỏ, hệ thống đèn chiếu sáng, vỉa hè đảm bảo hài hòa với không gian, cảnh quan khu di tích...
Dự kiến công trình khởi công và hoàn thành trong năm 2024. Hiện, các đơn vị chuyên môn tỉnh Đồng Tháp, huyện Lấp Vò đang khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị. Đây được xem như bước chuẩn bị để nâng cấp Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng từ Di tích cấp tỉnh lên Di tích cấp Quốc gia trong thời gian tới.