Tiếp tục đề xuất tăng hình phạt với 'ma men sau tay lái'
Đây là ý kiến chung của nhiều đại biểu trong Hội thảo 'Công bố kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của việc lạm dụng đồ uống có cồn đến hành vi điều khiển mô tô, xe máy tại Việt Nam' vừa diễn ra.
Hội thảo do Ủy ban ATGT Quốc gia, Hội An toàn giao thông Việt Nam, Hiệp hội Các doanh nghiệp rượu Châu Á - Thái Bình Dương (APIWSA) và Diễn đàn Uống có trách nhiệm Việt Nam (VARD) tổ chức.
Tại hội thảo đã công bố nhiều số liệu liên quan đến tình trạng tài xế vi phạm nồng độ cồn ở Việt Nam. Cụ thể, theo theo báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia trong năm 2016, gần 40% các vụ tai nạn giao thông xảy ra do người điều khiển phương tiện giao thông có uống rượu, bia.
Trong khi đó, theo tổ chức Y tế thế giới, năm 2012 ở Việt Nam có khoảng 36% người điều khiển xe máy bị phát hiện có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép.
Các đại biểu cho rằng, dù công tác tuần tra xử phạt, tuyên truyền, khuyến khích các dịch vụ lái xe đưa người uống bia, rượu về nhà đã và đang được thực hiện nhưng tình hình uống rượu, bia lái xe vẫn phổ biến, khiến tình hình tai nạn giao thông do hành vi này gây ra vẫn còn diễn biến phức tạp.
Trước tình trạng đó, nhiều đại biểu đồng thời là những thành viên trong một nhóm cứu ảnh hưởng của việc lạm dụng đồ uống có cồn đến hành vi điều khiển mô tô, xe máy tại Việt Nam đưa ra những đề xuất mới để kiềm chế “ma men sau tay lái”.
Cụ thể, đối với người điều khiển xe máy, các đại biểu đề xuất áp dụng mức 0 nồng độ cồn trong máu. Đặc biệt, các đại biểu cho rằng cần ăng cường công tác kiểm tra nồng độ cồn ngẫu nhiên cũng như tăng mức phạt tiền và bổ sung các hình phạt mới.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân đối với hành vi sử dụng rượu bia khi lái xe vẫn tiếp tục được đẩy mạnh. Đó có thể là phương pháp tuyên truyền qua các nạn nhân từng bị tai nạn giao thông do uống rượu, bia; dán poster cảnh báo tại các sơ sở phục vụ rượu, bia; tăng cường cảnh báo tới người thân và gia đình.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn đề nghị tăng cường dịch vụ taxi đưa người uống rượu, bia về nhà an toàn; khuyến khích sản xuất và tiêu thụ đồ uống có nồng độ cồn thấp hoặc không cồn; ứng dụng các phần mềm cảnh báo nồng độ cồn trên điện thoại thông minh. Đay được cho là những giải pháp kèm theo với chế tài xử phạt để từng bước đẩy lùi “ma men sau tay lái”.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tiep-tuc-de-xuat-tang-hinh-phat-voi-ma-men-sau-tay-lai-359496.html