TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, KHÔNG NGỪNG NÂNG CAO HƠN NỮA HIỆU QUẢ CÔNG TÁC DÂN NGUYỆN CỦA QUỐC HỘI
Công tác dân nguyện là cầu nối giữa cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước với cử tri và Nhân dân. Từ đó, giúp giải quyết nhiều vấn đề tầm chính sách, pháp luật cũng như các vấn đề cụ thể trong đời sống xã hội. Do đó, việc tiếp tục đổi mới, không ngừng nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác dân nguyện của Quốc hội là yêu cầu tất yếu, khách quan,...
Công tác dân nguyện có vai trò đặc biệt quan trọng
Trước yêu cầu khách quan và định hướng phát triển đất nước giai đoạn mới đặt ra nhiệm vụ tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, trong đó đổi mới về tổ chức và hoạt động công tác dân nguyện của Quốc hội cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm theo chuyên đề của Đảng đoàn Quốc hội về "Đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam"
Để Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, ngoài việc Quốc hội thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ đã được quy định trong Hiến pháp, gồm: lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, công tác kết nối với cử tri, tiếp công dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, giám sát việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo, phản ánh kiến nghị của người dân, giám sát việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo, phản ánh kiến nghị của người dân (công tác dân nguyện) cũng phải ngày càng được quan tâm, chú trọng. Đây cũng chính là căn cứ, cơ sở để đánh giá và nâng cao chất lượng công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát; qua việc giải quyết tốt các vấn đề mà cử tri và Nhân dân quan tâm, kiến nghị nhiều lần, đặc biệt là giám sát việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm thực hiện tốt Chỉ thị số 35 CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Căn cứ vào các quy định của pháp luật và hoạt động thực tiễn, công tác dân nguyện của Quốc hội bao gồm các hoạt động: Tiếp công dân, tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, nghiên cứu, chuyển đơn thư đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, theo dõi, đôn đốc và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; Tiếp xúc cử tri, tiếp nhận, tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri báo cáo với Quốc hội, chuyển ý kiến, kiến nghị của cử tri đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, theo dõi, đôn đốc và giám sát việc giải quyết; Tiếp nhận, tổng hợp ý kiến đóng góp của Nhân dân về các dự án luật, Nghị quyết của Quốc hội; Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) do UBTVQH trình, các dự án Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết do ĐBQH trình;….
Công tác dân nguyện hiện nay được thực hiện thông qua: Hoạt động của Quốc hội; hoạt động của UBTVQH; hoạt động công tác dân nguyện của Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH; hoạt động công tác dân nguyện của Đoàn ĐBQH, các ĐBQH.
Công tác dân nguyện trở thành chương trình nghị sự hằng tháng của UBTVQH; được thảo luận riêng tại kỳ họp Quốc hội
Công tác dân nguyện của Quốc hội ngày càng đổi mới và đạt được nhiều thành tựu, thực sự là cầu nối giữa cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước với cử tri và Nhân dân, được cử tri và Nhân dân cả nước ngày càng ghi nhận, tin tưởng. Đặc biệt, từ Phiên họp thứ 2 của UBTVQH khóa XV, công tác dân nguyện được UBTVQH thảo luận báo cáo hằng tháng, giúp UBTVQH chỉ đạo, điều hành, làm tốt vai trò cơ quan dân cử; đồng thời tăng cường trách nhiệm đầu mối của Ban Dân nguyện trong công tác phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Với những đổi mới trong công tác dân nguyện thời gian vừa qua, công tác dân nguyện đã trở thành chương trình nghị sự hằng tháng của UBTVQH.
Đánh giá cao những kết quả và đổi mới trong công tác dân nguyện, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, công tác dân nguyện có vai trò rất lớn. Việc thực hiện tốt công tác dân nguyện đặc biệt trong lĩnh vực tiếp công dân, tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; nghiên cứu, chuyển đơn thư đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết; theo dõi, đôn đốc và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo sẽ giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tế đời sống người dân. Cụ thể: Thông qua công tác này, nhiều vấn đề đã được nghiên cứu, đề xuất với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp thu để hoàn thiện chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Từ đó, góp phần khẳng định vị trí, vai trò, uy tín của Quốc hội, cùng các cơ quan của Quốc hội tạo được sự gần gũi, yêu mến và tin tưởng của cử tri và Nhân dân cả nước.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho biết, tại kỳ họp thứ 5, lần đầu tiên Quốc hội khóa XV đã tiến hành thảo luận riêng về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, qua đó, tiếp tục thể hiện tinh thần đổi mới về công tác dân nguyện của Quốc hội, nâng cao vai trò giám sát của Quốc hội trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri, Nhân dân.
Như vậy, cùng với việc không ngừng đổi mới hình thức, phương thức thực hiện công tác dân nguyện, việc thường xuyên đôn đốc, theo dõi và giám sát các cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết và trả lời các kiến nghị của cử tri dưới nhiều hình thức mới, quyết liệt như phối hợp với các Đoàn đại biểu Quốc hội để cùng giám sát, đánh giá chất lượng, công khai nội dung trả lời kiến nghị cử tri của các Bộ, ngành để Nhân dân cùng giám sát đã mang lại hiệu quả, thúc đẩy trách nhiệm giải quyết của các cơ quan.
Đồng thời, chất lượng các Báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri trình bày trước Quốc hội đã đưa ra các dẫn chứng cụ thể về việc giải quyết kiến nghị cử tri của các Bộ, ngành; khắc phục được hiện tượng nể nang, né tránh, kiến nghị chung chung, đồng thời thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, sai sót cũng như chất lượng của việc trả lời cử tri của từng Bộ, ngành cụ thể.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân nguyện của Quốc hội
Cùng với những kết quả đạt được, công tác dân nguyện vẫn còn một số hạn chế như: một số trường hợp cơ quan chức năng có thẩm quyền chưa có biện pháp hữu hiệu để giải quyết các trường hợp khiếu nại dai dẳng, kéo dài; hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH, ĐBQH còn chưa thường xuyên; … Do đó, cần có giải pháp phù hợp để tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác dân nguyện.
Liên quan tới đổi mới về cơ cấu tổ chức, bộ máy thực hiện công tác dân nguyện, theo đại biểu Trần Đức Thuận – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, hiện nay, các ủy ban cũng thực hiện việc tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, các đại biểu Quốc hội cũng thực hiện nhiệm vụ này. Tuy nhiên, việc tổng hợp ý kiến Nhân dân ở các cơ quan hiện nay chưa có kết nối chặt chẽ. Do đó, “Cần đặt Ban Dân nguyện vào đúng vai trò, vị trí là cơ quan của Quốc hội, giúp việc cho Quốc hội trong vấn đề tiếp nhận, xử lý ý chí, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân”, đại biểu Trần Đức Thuận đề nghị.
Cùng quan điểm, đại biểu Cao Mạnh Linh – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, cần giải quyết mối quan hệ đang phân tán trong việc tổ chức giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cử tri hiện nay. Theo đó, cần phải nghiên cứu có cơ quan đầu mối chủ trì, phối hợp; tạo sự gắn kết trong việc thực hiện công tác dân nguyện được kịp thời, hiệu quả là phù hợp và cần thiết.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến đại biểu bày tỏ băn khoăn và đề nghị cần làm rõ một số vấn đề về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy; đặc biệt là các cơ sở pháp lý, thực tiễn để có cơ sở thành lập Ủy ban Dân nguyện của Quốc hội. “Cần làm rõ sự gắn kết giữa hoạt động dân nguyện với 3 hoạt động, chức năng cơ bản của Quốc hội về lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước …. ”, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đề xuất.
Ở góc độ khác, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, cần tiếp tục tăng cường giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH về giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân gửi đến Quốc hội và kết quả trả lời giải quyết kiến nghị của cử tri. Tăng cường, chú trọng khâu "hậu giám sát" và đổi mới công tác đôn đốc việc giải quyết kiến nghị giám sát chưa được thực hiện; định kỳ xem xét việc giải quyết kiến nghị giám sát, tái giám sát tại các kỳ họp Quốc hội, phiên họp của UBTVQH.
Cũng quan tâm tới nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đề nghị, cần thiết phải có nghị quyết chuyên đề sau khi Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri để nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới. Trong đó, nghị quyết phải thể hiện rõ về giải pháp, trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri. Trên cơ sở ban hành nghị quyết chuyên đề sẽ giúp cho việc thực hiện được thuận lợi, rõ ràng hơn và giúp ĐBQH giám sát có chất lượng hơn trong quá trình triển khai.
Bên cạnh đó, đại biểu tỉnh Bình Dương cũng kiến nghị sau mỗi kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn một số ý kiến, kiến nghị chưa được giải quyết để giám sát, tạo sự chuyển biến rõ nét trên thực tế. Đồng thời, về lâu dài kiến nghị Quốc hội nghiên cứu, đề xuất các cấp có thẩm quyền trong việc nâng tầm chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Dân nguyện là cơ quan trực thuộc Quốc hội để nâng cao chất lượng hoạt động, nhất là tổ chức các hoạt động giám sát, các phiên giải trình đối với các kiến nghị có tác động lớn đối với người dân và xã hội nhằm đáp ứng tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri.
Ngoài ra, đại biểu cũng kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành nghị quyết hướng dẫn về công tác dân nguyện đối với cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn ĐBQH chuẩn hóa về nội dung, hình thức; thống nhất về báo cáo; số hóa dữ liệu về kiến nghị cử tri; quy định chặt chẽ về chủ thể có thẩm quyền trong tiếp nhận, giải quyết và trả lời ý kiến cho cử tri. Đồng thời, tổ chức tập huấn về kiến thức, kỹ năng, phương pháp liên quan đến công tác dân nguyện cho mỗi đại biểu và các địa phương để thực hiện công tác này ngày càng thống nhất, chất lượng và hiệu quả hơn.
Cũng theo các đại biểu, cần sớm xem xét, hoàn thiện cơ chế phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức có liên quan để nắm bắt tình hình, tư tưởng, tâm nguyện chính đáng của rộng rãi các tầng lớp Nhân dân trong xã hội; chuẩn hóa chế độ thông tin, báo cáo thường xuyên các ý kiến, kiến nghị của cử tri cho Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Triển khai có hiệu quả việc xây dựng, quản lý, sử dụng dữ liệu số về tiếp nhận, tổng hợp, giải quyết các kiến nghị của cử tri trên toàn quốc; công khai nội dung trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri, của các cơ quan có thẩm quyền để cử tri và Nhân dân được biết, gắn với phân quyền tiếp nhận dữ liệu thông tin một cách phù hợp cho các cơ quan có liên quan…/.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=87931