Tiếp tục đổi mới, sáng tạo tác phẩm văn học, nghệ thuật hay, góp phần chấn hưng và phát triển văn hóa, văn nghệ của đất nước

Đó là chủ đề của Hội thảo khoa học chuyên đề cấp Bộ do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tổ chức diễn ra sáng nay, 17/10, tại Hà Nội nhân kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam (nay là Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam)

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, PGS. TS Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học, Nghệ thuật Việt Nam cho biết, Hội thảo cần trả lời những câu hỏi “Vì sao văn học, nghệ thuật Việt Nam tuy đã có thành tựu rất đáng ghi nhận, biểu dương, nhưng cho đến nay, chúng ta vẫn còn ít tác phẩm đỉnh cao, ít văn nghệ sỹ lớn, có tầm cỡ như những giai đoạn trước kia?”. Chúng ta cần làm rõ những yếu tố cơ bản góp phần làm nên những tác phẩm hay, đáp ứng kỳ vọng của công chúng yêu VHNT…

Về yếu tố tài năng: Trước hết cần phát hiện, bồi dưỡng và tạo điều kiện tốt nhất cho tài năng phát triển (vì tài năng là vốn quý nhất, hiếm có của người nghệ sỹ). Kiên trì lý tưởng nghệ thuật vị nhân sinh cao cả; nuôi dưỡng bền bỉ những khát vọng lớn lao để tài năng cống hiến không mệt mỏi cho dân tộc và đất nước; rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất theo gương các bậc “nguyên khí quốc gia”; lao động nghệ thuật tận hiến để trở thành những văn nghệ sỹ lớn, những văn nghệ sỹ trí thức - chiến sỹ - công dân ưu tú có thêm được nhiều tác phẩm hay, để đời, có giá trị sâu sắc, cao đẹp về tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh chân thực, sâu sắc toàn diện hiện thực của đất nước, soi chiếu tâm hồn, tính cách tốt đẹp của con người Việt Nam, góp phần bồi đắp nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, củng cố niềm tin cao cả của dân tộc, niềm tin vững chắc vào sự nghiệp Cách mạng của Đảng, chấn hưng sự nghiệp văn hóa, văn nghệ, bởi “văn hóa còn thì dân tộc còn”.

 Các đại biểu tham dự hội thảo (Ảnh: TA)

Các đại biểu tham dự hội thảo (Ảnh: TA)

Tác phẩm hay là do con người - văn nghệ sỹ sáng tạo ra. Người nghệ sỹ với tài năng và lao động cùng với sự rung động trái tim trước cuộc sống, đi sâu vào đời sống nhân dân, thở cùng nhịp thở của nhân dân, tắm mình trong không khí dân tộc, nhận thức sâu sắc “cơ hội, vị thế, tiềm lực, uy tín quốc tế” như lời Tổng Bí thư đã chỉ rõ để vững tin vào trí lực và bút lực của mình.

Cần mạnh dạn thảo luận, đề xuất những giải pháp hữu hiệu về kiện toàn tổ chức Hội các cấp, đào tạo cán bộ quản lý Hội văn nghệ đáp ứng những đòi hỏi cao về phẩm chất và năng lực chuyên môn, năng lực quản lý; chăm lo phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng thế hệ văn nghệ sỹ trẻ thành nguồn cán bộ đủ sức đảm đương kế tục và phát triển sự nghiệp; hoàn thiện các chế độ, chính sách đãi ngộ văn nghệ sỹ, tôn vinh lao động nghệ thuật đích thực, đề cao những tác phẩm công phu, tâm huyết, tài năng; kiến tạo môi trường xã hội, văn hóa thuận lợi để văn nghệ sỹ khởi nghiệp, phát triển tài năng, tạo lập uy tín thương hiệu nghề nghiệp đẳng cấp quốc gia, vươn lên tầm khu vực quốc tế.

Song song với việc đổi mới sáng tạo văn học, nghệ thuật, đồng chí Đỗ Hồng Quân cũng chỉ rõ cần khắc phục kịp thời những mặt hạn chế, yếu kém trong sáng tác, lý luận phê bình văn học, nghệ thuật, hoàn thiện thống nhất tổ chức bộ máy và hoạt động đi vào nền nếp của Liên hiệp cùng với các tổ chức thành viên ở Trung ương và địa phương với tư cách là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp.

“Cuộc đời và sự nghiệp của các văn nghệ sỹ lớn với những tác phẩm kiệt tác để đời luôn khơi nguồn nguyên khí quốc gia, là bài học về sáng tạo cho lớp người đi sau. Các thế hệ văn nghệ sỹ nối tiếp nhau giữ trong mình ngọn lửa khát vọng sáng tạo. Sự nghiệp VHNT của đất nước mãi trường tồn – là niềm tự hào của bản sắc văn hóa dân tộc, văn hiến dân tộc, bắt rễ từ truyền thống lâu đời của Việt Nam.” – PGS. TS Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân khẳng định.

Hội thảo đã lắng nghe trên 10 ý kiến phát biểu tham luận của các văn nghệ sỹ lão thành, nhà quản lý về văn học, nghệ thuật về các vấn đề trong đổi mới sáng tạo văn học, nghệ thuật hiện nay; đào tạo nguồn nhân lực văn nghệ sỹ kế cận; các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao phù hợp với hơi thở của cuộc sống đổi mới hôm nay; các giải pháp nhằm chấn hưng sự nghiệp văn hóa, văn nghệ của đất nước; chính sách đầu tư tạo động lực cho văn hóa, văn nghệ thời kỳ mới; phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ “chiến sỹ - nghệ sỹ” trong đổi mới sáng tạo…

“Đội ngũ văn nghệ sỹ gắn bó mật thiết với đời sống của Nhân dân, say mê với nghề nghiệp, dồn hết tài năng, tâm huyết để sáng tạo nên nhiều tác phẩm mới. Sự cống hiến của anh chị em đã góp phần to lớn vào việc xây dựng, bồi dưỡng lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, sự tin tưởng vào thành tựu đổi mới; gìn giữ các giá trị, văn hóa góp phần ổn định xã hội, cổ vũ sự phát triển của đất nước. Trách nhiệm xã hội của văn nghệ sỹ đã được khẳng định và đánh giá cao. Tài năng và nhiệt huyết của anh chị em đóng góp xứng đáng vào việc hình thành hệ giá trị mới, xây dựng nền văn hóa, văn học nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người Việt Nam mới - yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương và sáng tạo. Đó là tự lực, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương và sáng tạo. Đó là gắn bó với các giá trị truyền thống yêu nước và cách mạng, khẳng định các giá trị đạo đức, nhân văn của dân tộc. Chính tình hình tư tưởng, tình cảm của đội ngũ trí thức nghệ sỹ hiện nay đã góp phần quan trọng vào sự ổn định chính trị của xã hội, sự phát triển của đất nước”.

- Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam (nay là Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam) ngày 25/7/2023

Tin, ảnh: Nhật Minh

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/thoi-su/tiep-tuc-doi-moi-sang-tao-tac-pham-van-hoc-nghe-thuat-hay-gop-phan-chan-hung-va-phat-trien-van-hoa-van-nghe-cua-146843