Tiếp tục đổi mới trong chỉ đạo, điều hành
Năm 2021 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, với nhiều sự kiện quan trọng diễn ra.
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Cùng với sự quan tâm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, UBND tỉnh sẽ nỗ lực cao nhất trong chỉ đạo, điều hành thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trước mắt khẩn trương chỉ đạo xây dựng, triển khai các đề án, chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII ngay từ đầu năm, nhất là các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm; tập trung phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực, công nghệ thông tin, triển khai ngay dự án xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đề án xây dựng 200 cây cầu và trên 1.000 km đường giao thông nông thôn; thúc đẩy các dự án phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng du lịch, dịch vụ; chú trọng nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản bảo đảm chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu, cụm công nghiệp để thu hút, phát triển một số ngành công nghiệp có lợi thế, hiệu quả cao như: Công nghiệp chế biến nông lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, điện tử, may mặc, nhằm thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh tiếp tục chú trọng chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực; đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh để nâng cao năng suất lao động, thu nhập; quan tâm chăm lo lĩnh vực y tế, văn hóa, xây dựng con người đáp ứng yêu cầu phát triển; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đồng thời nắm chắc tình hình để chỉ đạo các giải pháp giữ vững quốc phòng, an ninh; mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.
Để phát huy tính chủ động, tinh thần trách nhiệm của cán bộ chủ chốt, UBND tỉnh sẽ mở rộng thực hiện giao nhiệm vụ đổi mới, đột phá cho người đứng đầu không chỉ ở các sở, ngành, huyện, thành phố mà cả cấp phòng; trên cơ sở đó làm căn cứ để đánh giá, xếp loại cán bộ. Về cải cách hành chính, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số; thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin đem lại hiệu quả thiết thực trong quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, các dịch vụ công trực tuyến cơ bản phải được thực hiện ở mức độ 3, 4; phấn đấu đến năm 2025, trên 50% hồ sơ được giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên các phương tiện truy cập khác nhau. Có như vậy, cải cách hành chính mới chuyển biến tích cực và tạo thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
Để thực hiện có hiệu quả các giải pháp trên, UBND tỉnh mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng thuận của các cấp, các ngành, của cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tạo thành sức mạnh tổng hợp vượt qua khó khăn, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đã đề ra, tạo đà để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong các tỉnh miền núi phía Bắc.