Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa
Thời gian qua, phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa luôn được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quan tâm.
Qua triển khai, phong trào từng bước tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các cấp chính quyền, các ngành chức năng và người dân, góp phần thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.
Những năm qua, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, việc xây dựng và nâng cao chất lượng xây dựng các danh hiệu văn hóa luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng đời sống văn hóa và là nội dung chính của Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" nhằm hướng đến xây dựng gia đình, cộng đồng dân cư văn minh, có đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, góp phần gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc.
Thực hiện các phong trào, hiện nay, tại nhiều vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh dễ dàng nhận thấy sự đổi thay mạnh mẽ trong việc xây dựng nếp sống văn hóa tại cơ sở. Tại các thôn, xóm, tổ dân phố, việc xây dựng gia đình văn hóa được đưa vào hương ước, quy ước; việc thực hiện hương ước trở thành một trong những tiêu chí quan trọng để bình xét danh hiệu gia đình văn hóa.
Mỗi công dân biết chọn lọc tiếp thu những giá trị văn hóa mới của gia đình hiện đại, kế thừa, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa gia đình truyền thống, tập quán tốt đẹp trong cộng đồng dân cư; bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan trong việc cưới, việc tang, lễ hội và các sinh hoạt tín ngưỡng.
Thông qua việc thực hiện các tiêu chí của phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và giữa gia đình với cộng đồng xã hội ngày càng gắn kết chặt chẽ hơn. Từ đó xuất hiện ngày càng nhiều hộ gia đình văn hóa tiêu biểu, điển hình trên các lĩnh vực sản xuất, xây dựng gia đình hạnh phúc, gia đình hiếu học, ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo, nhiều tấm gương người tốt việc tốt được lan tỏa, nêu cao ý thức tự giác chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân về bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở cơ sở, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, đô thị, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân.
Việc xét công nhận các danh hiệu văn hóa trong thời gian qua đã được thực hiện đúng nguyên tắc, khách quan, công bằng, dân chủ và công khai. Từ đó, đưa phong trào xây dựng "Gia đình văn hóa", "Khu dân cư văn hóa" đi vào đời sống, trở thành phong trào thi đua yêu nước rộng lớn thu hút sự tham gia của các cấp ủy Đảng, Chính quyền và Nhân dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Tính đến cuối năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 275.891/298.887 (đạt 92,31%) hộ gia đình đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa"; có 1.638/1.679 (đạt 97,56%) thôn, xóm, bản, phố, tổ dân phố và tương đương đạt danh hiệu "Khu dân cư văn hóa".
Bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa ở một số nơi vẫn còn chạy theo thành tích do liên quan đến tiêu chí xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao nên thực hiện bình xét còn có biểu hiện dễ dãi. Tình trạng bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội ở một số nơi tuy đã giảm nhưng vẫn chưa được phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời...
Để đảm bảo tính liên tục, kế thừa và phát huy những kết quả đạt được trong phong trào xây dựng các danh hiệu văn hóa, thời gian tới, cần tiếp tục phổ biến, triển khai thực hiện Nghị định số 86/2023/NĐ-CP và Quyết định số 38/2024/QĐ-UBND tới các cơ quan, đơn vị, địa phương trên toàn tỉnh. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai xây dựng các danh hiệu "Gia đình văn hóa", "Thôn, tổ dân phố văn hóa", "Xã, phường, thị trấn tiêu biểu" thiết thực, hiệu quả.
Thực hiện tốt công tác gia đình gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, đảm bảo thực chất và ngày càng bền vững. Tổ chức thực hiện xây dựng các danh hiệu thi đua về văn hóa gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" và các phong trào, cuộc vận động thi đua yêu nước khác trên địa bàn toàn tỉnh.
Xây dựng nội dung tuyên truyền phong phú, gần gũi, cụ thể để người dân dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện cùng với đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền để người dân dễ tiếp cận nội dung xây dựng các danh hiệu thi đua về văn hóa. Nêu cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đoàn thể, đơn vị và địa phương trong đánh giá, xét tặng các danh hiệu thi đua về văn hóa đảm bảo thống nhất, minh bạch, thực chất, khách quan.
Thường xuyên thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét công nhận các danh hiệu văn hóa. Kịp thời đánh giá, điều chỉnh, khắc phục những hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai; kiên quyết loại bỏ bệnh hình thức, chạy theo thành tích.
Tăng cường sự giám sát của tổ trưởng các tổ liên gia với các hộ dân thuộc tổ để có thông tin sát, đúng thực hiện các tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Khen thưởng kịp thời để động viên, khuyến khích các gai đình văn hóa, nhất là các gia đình văn hóa tiêu biểu 3 năm, 5 năm liên tiếp có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh...