Tiếp tục giám sát chặt chẽ nhóm tàu nguy cơ cao
Thời gian qua, các ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thủy sản, chống khai thác IUU, trọng tâm là các biện pháp xử phạt vi phạm trong lĩnh vực thủy sản theo Nghị định số 38/2024/NĐ-CP, Nghị quyết số 04/NQ-HĐTA ngày 12/6/2024 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao.
Đặc biệt, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục tăng cường quản lý, theo dõi giám sát chặt chẽ đối với tàu cá có nguy cơ cao, cập nhật hiện trạng hoạt động, vị trí neo đậu hàng tuần của từng tàu cá. Chi cục Thủy sản tổ chức trực ban 24/7 tại Trung tâm Giám sát tàu cá tỉnh để theo dõi, giám sát chặt chẽ tàu cá hoạt động trên biển, nhất là tàu cá hoạt động tại các vùng giáp ranh để kịp thời cảnh báo, ngăn chặn, không để tàu cá vượt ranh giới vi phạm trái phép vùng biển nước ngoài. Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh duy trì nghiêm túc 6 điểm trực giám sát tàu cá, phối hợp với các lực lượng chức năng, thông qua hệ thống giám sát hành trình và công tác nắm tình hình giám sát chặt chẽ các phương tiện hoạt động trên biển, kịp thời phát hiện các tàu cá đang hoạt động ở khu vực giáp ranh, chồng lấn, chưa phân định. Qua đó, phối hợp với địa phương và gia đình chủ phương tiện thông báo cho thuyền trưởng về lại vùng biển Việt Nam, không để lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ. Đến nay, chưa phát hiện tàu cá của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài.
Song song đó, Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng công an địa phương tiếp tục nắm thông tin, giám sát hoạt động các thuyền trưởng, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, thả về (gồm 19 vụ/24 tàu/172 ngư dân), kết quả đến nay không có hoạt động tái phạm. Trong tháng 12/2024, Công an huyện Tuy Phong đã xác minh, điều tra đối với 8 ngư dân Bình Thuận bị Camphuchia bắt giữ tháng 11/2023 đã được trả về địa phương vào ngày 20/11/2024. Qua xác minh, việc các ngư dân đánh bắt vi phạm vùng biển Campuchia là do thuyền trưởng chỉ đạo, các ngư dân không được thông báo. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo công an định phương chủ động nắm tình hình, phát hiện, xác minh, điều tra, củng cố hồ sơ, xử lý hình sự nghiêm trước pháp luật theo thẩm quyền và các hành vi hướng dẫn tại Nghị Quyết 04 Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao. Đến nay, chưa phát hiện vụ việc liên quan đến tháo gỡ, vận chuyển thiết bị VMS hoặc các tàu cá khai thác xâm phạm vùng biển nước ngoài, các hành vi phạm tội trên lĩnh vực thủy sản.
Từ đầu năm đến nay, tàu cá vượt ranh giới: Có 1 lượt/1 tàu (đã kêu gọi kịp thời quay lại vùng biển Việt Nam). Tàu mất kết nối trên 10 ngày có 163 lượt/163, phát hành 21 thông báo, xử phạt 24 tàu, đã xác minh 103 lượt/103 tàu, chưa xác minh 36 lượt/36 tàu. Qua xác minh tàu mất kết nối trên biển nhưng tàu đã về neo đậu tại cảng, sau đó tắt thiết bị VMS, nhưng trên hệ thống vẫn báo tàu cá mất kết nối trên biển do vị trí cập nhật cuối cùng trước khi tắt máy tàu đang ở trên biển nên không có căn cứ xử phạt. Tàu mất kết nối trên 6 giờ là 1.150 lượt/640 tàu, phát hành 329 thông báo, đã xác minh 828 lượt/511 tàu, chưa xác minh 322 lượt/129 tàu. Qua xác minh lỗi không phải do chủ tàu, thuyền trưởng hầu hết các loại thiết bị VMS khi mất kết nối không có thiết bị cảnh báo cũng như màn hình hiển thị để thuyền trưởng nhận diện và có giải pháp xử lý kịp thời.