Tiếp tục giữ vững thương hiệu xi măng Bỉm Sơn

Năm 2020, thị trường xi măng trong nước tiếp tục cạnh tranh quyết liệt do cung vượt cao so với cầu. Bên cạnh đó, dịch bệnh COVID-19 khiến xuất khẩu xi măng gặp khó khăn và giá vận chuyển tăng cao do lưu thông hàng hóa 2 chiều giảm mạnh. Để tiếp tục giữ ưu thế trên thương trường, Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn (Vicem Bỉm Sơn) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm ổn định chất lượng và thương hiệu sản phẩm.

Vận chuyển xi măng Bỉm Sơn đi tiêu thụ.

Đơn vị đã triển khai đồng bộ các giải pháp vừa phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm an toàn cho sức khỏe người lao động vừa thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tập trung các giải pháp, sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, hạ giá thành và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Đồng thời, quan tâm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nguyên liệu; thực hiện cấu trúc lại tổ chức, bộ máy, nhân sự, ứng dụng các mô hình quản trị tối ưu để nâng cao giá trị thương hiệu và năng lực cạnh tranh của đơn vị. Trong bối cảnh nhiều khó khăn, tổng sản lượng clinker sản xuất tại Vicem Bỉm Sơn năm 2020 vẫn đạt gần 3,78 triệu tấn, tăng 10,8%, sản lượng xi măng đạt hơn 3,2 triệu tấn, đạt 100% kế hoạch.

Tuy nhiên, tác động từ dịch bệnh COVID-19 và tình hình thời tiết mưa bão ảnh hưởng nặng nề tại khu vực miền Trung đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình tiêu thụ xi măng trong nước. Bên cạnh đó, hoạt động tiêu thụ còn chịu áp lực cạnh tranh bởi các dòng xi măng giá thấp với nguồn cung tiếp tục dư thừa. Hơn nữa, sự dịch chuyển mạnh mẽ từ xi măng bao sang xi măng rời, xi măng thương phẩm khiến lợi thế thương hiệu bị giảm. Nhưng, với các giải pháp chiến lược đã triển khai, năm 2020 tổng sản phẩm tiêu thụ xi măng và clinker của Vicem Bỉm Sơn vẫn đạt hơn 5 triệu tấn, tăng 7,5% cùng kỳ. Doanh thu thuần của Vicem Bỉm Sơn đạt 4.293 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ.

Đại diện Phòng Kế hoạch chiến lược, Vicem Bỉm Sơn, cho biết: Để tiếp tục nâng cao chất lượng, tối ưu hóa sản xuất, đơn vị sẽ thường xuyên cập nhật công nghệ, tìm hiểu nhu cầu của thị trường để cho ra đời những chủng loại xi măng mới đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của khách hàng. Xây dựng kho nguyên liệu mới thực hiện tiếp nhận, phối trộn, định lượng, kiểm soát sản phẩm chính xác hơn. Thực hiện triển khai đầu tư dự án nhiệt điện khí thải để sản xuất điện phục vụ nhu cầu sản xuất trong đơn vị, chú trọng đầu tư công nghệ bảo vệ môi trường để phát triển bền vững...

Bên cạnh đó, để cải thiện tình hình tiêu thụ, công ty cũng đã xây dựng định hướng chiến lược tiêu thụ tầm nhìn đến năm 2030 đối với từng thị trường cụ thể trong nước. Đồng thời, tìm kiếm khách hàng mới để gia tăng sản lượng xi măng xuất khẩu. Thực hiện tái cấu trúc lại mô hình xí nghiệp tiêu thụ nhằm đáp ứng tình hình thực tế của thị trường. Xây dựng đội ngũ tư vấn kỹ thuật về bê tông cho các trạm trộn, công trình để thích ứng với xu thế tiêu thụ xi măng thương phẩm. Triển khai các chương trình bán hàng nhằm gia tăng lợi ích cho hệ thống. Đánh giá so sánh lợi thế cạnh tranh của sản phẩm xi măng Bỉm Sơn với các nhãn hiệu khác để xác định rõ phân khúc. Tập trung đổi mới phương pháp quản trị, nâng cao năng lực điều hành doanh nghiệp. Tập trung đào tạo cán bộ kỹ thuật chuyên sâu để tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm. Đó là yếu tố cốt lõi trong cạnh tranh và tạo nên sức bền của thương hiệu xi măng Bỉm Sơn.

Bài và ảnh: Tùng Lâm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doanh-nghiep/tiep-tuc-giu-vung-thuong-hieu-xi-mang-bim-son/131417.htm