Tiếp tục hành trình xây dựng thương hiệu Đà Lạt

'Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành' là thương hiệu 'độc' của vùng cao nguyên đang trong hành trình định hình và phát triển. Lâm Đồng đang nhìn lại kết quả để tiếp tục giữ gìn và phát huy thương hiệu, xứng đáng với những ưu thế đặc biệt của vùng đất lạnh trong tương lai.

Kiến Huy Farm, mô hình du lịch canh nông tại huyện Lạc Dương. Ảnh: Diệp Quỳnh

Kiến Huy Farm, mô hình du lịch canh nông tại huyện Lạc Dương. Ảnh: Diệp Quỳnh

Chắp cánh từ thương hiệu

Nhiều nhà làm vườn, thu mua chuối Laba, thứ trái cây đặc sản vùng Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà luôn sử dụng thương hiệu Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành trên sản phẩm cũng như trong những đợt xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường và đối tác mới. Là nhãn hiệu tập thể gắn với tên địa danh được giao cho Chi hội sản xuất và kinh doanh Chuối La Ba thuộc Hội làm vườn huyện Đức Trọng quản lý, hiện nay Chi hội có gần 20 thành viên tham gia sử dụng nhãn hiệu và phục vụ tốt cho sản xuất, kinh doanh sản phẩm.

Không chỉ có chuối, sầu riêng Đạ Huoai, rau hoa, cà phê Đà Lạt, trà Bảo Lộc cũng là những nhãn hiệu được đánh giá cao, thị trường ưa chuộng và người sản xuất, kinh doanh vinh dự được gắn trên sản phẩm. Có thương hiệu Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành trên sản phẩm, người tiêu dùng cũng yên tâm về sự lựa chọn của mình, vào uy tín của sản phẩm đích thực từ vùng cao nguyên nắng gió.

Thông tin từ Phòng Kinh tế thành phố Đà Lạt cho biết, UBND thành phố Đà Lạt đã cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cho 237 đơn vị, tổ chức, cá nhân trồng, sản xuất, chế biến và kinh doanh rau, hoa, cà phê arabica và du lịch canh nông trên địa bàn thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận. Đây cũng là nhóm nhãn hiệu được sử dụng rộng rãi nhất, đồng thời giữ uy tín tốt, góp phần tăng trưởng sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp cũng như xây dựng uy tín cho thương hiệu Đà Lạt. Thông tin từ Sở Ngoại vụ Lâm Đồng cho biết thêm, ở Hàn Quốc, Đà Lạt là một trong những thương hiệu được yêu mến, đặc biệt là nông sản và hoa.

Hiện toàn tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng được 24 thương hiệu và xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc trưng thế mạnh của tỉnh với 21 nhãn hiệu đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận độc quyền. Có ba nhãn hiệu đã nộp đơn đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ, trong thời gian xem xét cấp giấy chứng nhận là Dâu tây Đà Lạt, Hồng Đà Lạt và nhãn hiệu tập thể Rượu Cát quế Bảo Lâm.

Các ngành, cơ quan chức năng, hiệp hội ngành hàng và bản thân người dân Lâm Đồng đã hết sức hỗ trợ thương hiệu phát triển bền vững. Từ việc hỗ trợ kinh phí, khoa học kỹ thuật để đảm bảo chất lượng hàng hóa, tuyên truyền, đăng ký, quản lý và khai thác quyền sở hữu trí tuệ của các sản phẩm đặc trưng thế mạnh, tất cả đều cố gắng thực hiện để đạt kết quả tốt nhất. Mục tiêu chủ yếu của Lâm Đồng là xây dựng thương hiệu Đà Lạt- Kết tinh kỳ diệu từ đất lành một cách bền vững, với nền tảng nền sản xuất xanh, sạch, cung cấp sản phẩm chất lượng cao cho người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố carbon thấp cũng góp phần xây dựng thương hiệu Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành. Với sự giúp đỡ của APEC, Đà Lạt đang triển khai các hoạt động đảm bảo giảm lượng phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường xanh, sạch, bền vững.

Hành trình còn dài

Xây dựng thương hiệu, định hình thương hiệu là chuyện lâu dài, không phải là chuyện sớm chiều. Lâm Đồng cũng xác định, đây là hành trình liên tục, kết hợp với tiến trình phát triển của toàn tỉnh.

Trên thực tế, hiện tại vẫn còn nhiều điểm còn cần khắc phục trong xây dựng thương hiệu Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành. Đó là việc cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các tổ chức, cá nhân rất ít, thậm chí có nhãn hiệu chưa cấp cho một tổ chức, cá nhân nào sử dụng như nhãn hiệu chứng nhận “Dứa cayenne Đơn Dương”, “Cà phê Arabica Langbian“, “Cà phê Di Linh; 3 nhãn hiệu chứng nhận “Mác mác Đơn Dương”, “Gạo nếp quýt Đạ Tẻh” và “Diệp hạ châu Cát Tiên” chưa cấp cho một tổ chức, cá nhân nào sử dụng. Nhiều thương hiệu chưa nhận được sự quan tâm của cả người sản xuất và người tiêu dùng.

Vùng sản xuất nhỏ, công nghệ sau thu hoạch chưa cao, doanh nghiệp nhỏ yếu là khả năng đầu tư và công nghệ khiến hàng hóa Lâm Đồng chưa có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Đây cũng là nhược điểm khiến Lâm Đồng chưa xây dựng được nhiều chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Hoạt động tuyên truyền, quảng bá cũng chưa chuyên nghiệp, nguồn kinh phí hạn chế khiến công tác quảng bá ra nước ngoài rất khó khăn. Và để thay đổi, Lâm Đồng - Đà Lạt còn hành trình dài, rất dài để định hình được dáng vóc trong lòng người tiêu dùng trong và ngoài nước.

DIỆP QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202002/tiep-tuc-hanh-trinh-xay-dung-thuong-hieu-da-lat-2987917/