Tiếp tục hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp

Hàng năm, UBND tỉnh đều ban hành kế hoạch chuyên đề thống nhất quản lý chung về công tác khởi nghiệp trên địa bàn và lồng ghép công tác hỗ trợ khởi nghiệp vào các chương trình, kế hoạch, đề án chung của tỉnh. Đồng thời các cấp, ngành, đơn vị, địa phương thường xuyên thông tin, tuyên truyền về các tấm gương khởi nghiệp tiêu biểu, mô hình khởi nghiệp hay, sáng tạo đến cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và người dân đồng thuận cùng tham gia khởi nghiệp.

Tỉnh đoàn phối hợp với đơn vị hữu quan tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn năm 2023

Tỉnh đoàn phối hợp với đơn vị hữu quan tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn năm 2023

Tỉnh thành lập các tổ chức tác động và hỗ trợ khởi nghiệp như Hội đồng Tư vấn khởi nghiệp, Phòng Hỗ trợ khởi nghiệp tại Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi, Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu tỉnh, Hội Nữ doanh nhân tỉnh, Câu lạc bộ Tư vấn khởi nghiệp, Hợp tác xã Đặc sản Đồng Tháp. Trong đó, nhiều mô hình liên kết đi vào hoạt động, giúp kết nối, chia sẻ các hoạt động khởi nghiệp, tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp mang lại nhiều kết quả thiết thực.

Tiếp tục khơi dậy phong trào thi đua lập thân lập nghiệp và làm giàu chính đáng trong đoàn viên, thanh niên, Tỉnh đoàn phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức các cuộc thi như: khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tỉnh; khởi nghiệp đồng bằng sông Cửu Long, dự án khởi nghiệp của Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp... thu hút hơn 1.950 ý tưởng, dự án, mô hình, sản phẩm tham dự. Tỉnh duy trì hoạt động có hiệu quả 178 Câu lạc bộ khởi nghiệp, Câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế trong thanh niên; 216 tổ hợp tác, 2 hợp tác xã thanh niên, 1 trang trại thanh niên thu hút hàng ngàn đoàn viên, hội viên, thanh niên tham gia.

Ngành, đơn vị và địa phương hỗ trợ các dự án khởi nghiệp tham gia vào Chương trình OCOP gắn kết vùng nguyên liệu, phát huy tối đa giá trị gia tăng nguồn tài nguyên bản địa, nhất là cung cấp kiến thức xây dựng, triển khai phương án sản xuất cho các chủ thể OCOP và các chủ thể tiềm năng tham gia chương trình. Nhiều sản phẩm OCOP được hình thành từ sản phẩm khởi nghiệp và là lực lượng tiềm năng để phát triển thành doanh nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có 356 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 4 sao (81 sản phẩm đạt 4 sao, 275 sản phẩm đạt 3 sao) và 1 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 5 sao (hạt sen sấy của Công ty Nam Huy Đồng Tháp), có 3 sản phẩm OCOP tiềm năng đã hoàn thiện thủ tục, hồ sơ đề nghị Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Quốc gia xét công nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao.

Bên cạnh đó, tỉnh triển khai các chính sách hỗ trợ, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02 ngày 30/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Cụ thể, UBND tỉnh ban hành các kế hoạch, chương trình cải thiện môi trường đầu tư bám sát các Nghị quyết của Chính phủ; kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh hàng năm; kế hoạch khảo sát năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương; Chỉ thị về việc đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn. Đặc biệt, triển khai hiệu quả kế hoạch thực hiện các mô hình cải cách hành chính với mục tiêu xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ Nhân dân như: “Cà phê Doanh nhân - Doanh nghiệp”, “Hẹn giờ hướng dẫn kê khai, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại nhà”; Đề án chuyển giao nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công”; “Tổng đài thông tin Dịch vụ công 1022”; “Kết hợp dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ bưu chính công ích trong giải quyết thủ tục hành chính”... được doanh nghiệp, người dân tích cực tham gia.

Song song đó, các Chi nhánh Ngân hàng thương mại trên địa bàn đã tích cực tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lãi suất cho vay để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Dư nợ tín dụng giai đoạn 2021 đến nay tiếp tục tăng trưởng. Sau ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, bước sang năm 2022, dư nợ tín dụng tăng trưởng 17,35% so với cuối năm 2021 (đây là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trong vòng 10 năm); 8 tháng đầu năm 2023, tín dụng từng thời điểm có diễn biến khác nhau, nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng tương đối 6,78%, cao hơn mức tăng trưởng cả nước (5,56%) nhưng thấp hơn mức tăng trưởng cùng kỳ năm trước (11,09%). Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp 8 tháng đầu năm 2023 tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và khởi nghiệp của Trung ương, tỉnh cũng chủ động ban hành các cơ chế, chính sách theo thẩm quyền và thực tế địa phương, nhằm tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động. Qua đó, góp phần duy trì và phát triển doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân Đất Sen hồng.

NGỌC TÂM

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/newsdetail2017.aspx?cate=kinh-te&title=tiep-tuc-ho-tro-phat-trien-doanh-nghiep-khoi-nghiep&newsid=118037