Tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật về hôn nhân gia đình
Sáng 30/7, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc với 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trên cả nước sơ kết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình (HNGĐ) năm 2014.
Báo cáo sơ kết 3 năm thi hành Luật, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Hải cho biết, thực tiễn thi hành Luật HNGĐ đã có những quy định đột phá về công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền nhân thân, quyền tài sản trong lĩnh vực HNGĐ. Đồng thời, tiếp tục phát huy các giá trị truyền thống, tiến bộ, văn minh của gia đình Việt Nam, dành được sự đồng thuận cao từ xã hội cả trong nhận thức, xây dựng và áp dụng pháp luật.
Tuy nhiên, một số nội dung của Luật vẫn còn thiếu tính khả thi, đặc biệt là trong áp dụng tập quán; hoàn thiện cơ chế đồng bộ, thống nhất, minh bạch trong đăng ký tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng… Một số quy định có tính tiến bộ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội nhưng do còn chịu ảnh hưởng bởi yếu tố tập quán, văn hóa truyền thống nên còn có nhận thức khác nhau trong triển khai thi hành.
Qua thực tiễn giải quyết các vụ việc về HNGĐ, ông Nguyễn Văn Vụ, đại diện TANDTC cho biết, các vụ việc về HNGĐ ngày càng tăng về số lượng cũng như mức độ phức tạp, gay gắt, đặc biệt diễn ra ở các cặp vợ chồng trẻ (độ tuổi từ 28-35). Tính chất gay gắt, phức tạp chủ yếu liên quan đến các tranh chấp về tài sản chung – riêng như bất động sản, cổ phần, cổ phiếu trong các công ty… hoặc về con chung, mức độ cấp dưỡng. Các tranh chấp về HNGĐ có nguyên nhân chủ yếu do bất đồng về quan điểm, lối sống, khó khăn về kinh tế…
Liên quan đến vấn đề giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài, đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam – Luật sư Hà Hải khẳng định đây là vấn đề xuất hiện rất nhiều khó khăn trong thực tiễn, nhất là theo quy định của Việt Nam thì những trường hợp ly hôn có yếu tố nước ngoài nếu muốn được công nhận tại Việt Nam phải làm thủ tục ghi chú ly hôn.
Một số trường hợp cô dâu Việt có giấy tờ ly hôn ở nước ngoài thì khi nộp hồ sơ xin ghi chú lại vướng yêu cầu bổ sung giấy tờ hộ tịch bên chồng. Đây là điều gặp phải nhiều khó khăn vì theo quy định, vụ việc ly hôn còn phải có ý kiến hoặc có mặt người chồng, mà người chồng nước ngoài (đã ly hôn hợp pháp ở nước họ) thì không trả lời hoặc không về Việt Nam tham dự phiên tòa theo yêu cầu của tòa.
Qua đó, ông Hải kiến nghị cần có chính sách giữa các cơ quan ngoại giao và cơ quan tư pháp để việc ghi chú hôn nhân của công dân Việt Nam tại nước ngoài được thực hiện thuận lợi hơn. Đồng thời trong các trường hợp ghi chú ly hôn, không cần thiết yêu cầu đương sự bổ sung các giấy tờ khác ngoài giấy thuận tình ly hôn hay bản án – quyết định của Tòa.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đánh giá, công tác tổ chức sơ kết 3 năm thi hành Luật HNGĐ được các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Hội nghị đã đánh giá Luật HNGĐ với nhiều quy định mới, tiến bộ đã đi vào cuộc sống; các quy định của Luật HNGĐ đã góp phần công nhận, bảo vệ tốt hơn các quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân trong quan hệ HNGĐ.
Qua báo cáo, tham luận của các bộ, ngành, địa phương, Thứ trưởng nhận thấy còn một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thi hành Luật và trân trọng ghi nhận nhiều đề xuất giải pháp có giá trị của các đại biểu. Đối với công việc cần tiến hành trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức tín dụng tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ. Theo đó, tiếp tục quán triệt, phổ biến, nâng cao nhận thức về Luật HNGĐ, đảm bảo các cơ quan từ Trung ương đến địa phương thống nhất cách hiểu, từ đó áp dụng thống nhất trong thực hiện; cần tiếp tục xem xét nội dung các chính sách, quy định đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa Luật HNGĐ với các văn bản pháp luật điều chỉnh các lĩnh vực kinh tế - xã hội cụ thể, góp phần đảm bảo tính khả thi của các quy định trong đời sống kinh tế - xã hội…
Thứ trưởng cũng đề nghị TANDTC nghiên cứu kịp thời ban hành những văn bản hướng dẫn áp dụng hoặc công bố án lệ đã được thống nhất xem xét áp dụng trong ngành Tòa án; các ban, bộ, ngành, địa phương cần tăng cường phối hợp hơn nữa nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực thi các quy định của Luật, để giúp những quy định của Luật phát huy hiệu quả trong thực tế.