Tiếp tục hoàn thiện thị trường điện cạnh tranh theo hướng minh bạch, công bằng
Hiện thị trường điện cạnh tranh (cấp độ 3) đã được phê duyệt, tuy nhiên cần hoàn thiện một số chính sách để thị trường bán lẻ điện cạnh tranh có thể vận hành.
Xây dựng và phát triển thị trường điện là một trong các chính sách quan trọng để phát triển ngành điện. Theo quy định tại Luật Điện lực và Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ, thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam được hình thành và phát triển theo các cấp độ: Thị trường phát điện cạnh tranh (cấp độ 1); Thị trường bán buôn điện cạnh tranh (cấp độ 2); Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (cấp độ 3).
Tạo sự minh bạch, cạnh tranh giữa các bên tham gia thị trường
Theo đó, Bộ Công Thương đưa thị trường phát điện cạnh tranh vào vận hành chính thức từ ngày 01/7/2012 đến hết năm 2018 và thị trường bán buôn điện cạnh tranh vào vận hành chính thức từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.
Đối với Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, Bộ Công Thương đã phê duyệt Đề án Thiết kế thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tại Quyết định số 2093/QĐ-ĐTĐL ngày 07 tháng 8 năm 2020, sau khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ, theo đó định hướng là cho phép các khách hàng tiêu thụ điện có thể lựa chọn đơn vị cung cấp điện. Hiện tại, Bộ Công Thương đang phối hợp với các đơn vị liên quan để chuẩn bị các điều kiện tiên quyết cho việc triển khai cấp độ này.
Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 03/10/2017 của Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng Đề án Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt, trong đó bao gồm các nội dung: Lộ trình phát triển ngành năng lượng; cơ chế đầu tư, kinh doanh phát triển thị trường năng lượng, giá cả thị trường năng lượng, cơ chế dự trữ, dự phòng năng lượng... và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2233/QĐ-TTg ngày 28/12/202.
Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết: "Sau 11 năm thị trường điện cạnh tranh vận hành, đã đã mang lại một số kết quả tích cực. Cụ thể, quá trình huy động các nhà máy điện tham gia thị trường được đảm bảo công khai, minh bạch, các đơn vị phát điện thuộc nhiều hình thức sở hữu khác nhau tham gia chào giá cạnh tranh cũng như không phân biệt đối xử, tạo sự cạnh tranh lớn trong khâu phát điện đồng thời góp phần tối ưu hóa chi phí toàn hệ thống."
“Cùng với đó, các đơn vị phát điện đã chủ động trong công tác vận hành, tối ưu kế hoạch sửa chữa, chủ động xây dựng chiến lược chào giá nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của đơn vị, góp phần nâng cao độ tin cậy, độ sẵn sàng và hiệu quả chung của toàn hệ thống điện. Đồng thời, từng bước giảm dần vị thế độc quyền của EVN trong khâu mua buôn điện từ các nhà máy điện.”- Cục Điều tiết Điện lực đánh giá.
Ngoài ra, Cục Điều tiết Điện lực cũng nhấn mạnh, đối với thị trường bán buôn điện cạnh tranh, được đưa vào vận hành chính thức từ ngày 01/01/2019, thị trường đã kế thừa các kết quả của thị trường phát điện cạnh tranh, thị trường bán buôn điện hướng tới việc mở rộng số lượng đơn vị mua điện trên thị trường điện, xóa bỏ vị thế độc quyền của EVN trong khâu mua buôn điện.
Tiếp tục hoàn thiện các chính sách cho thị trường
Trong quá trình triển khai thực hiện, nhiều khó khăn, vướng mắc đã nảy sinh, theo đó, thị trường bán buôn điện cạnh tranh hiện đang vận hành ở mức đơn giản hóa do cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ vận hành thị trường điện còn đang trong quá trình đầu tư, nâng cấp.
Bên cạnh đó, công tác tái cơ cấu ngành điện còn chậm so với Quyết định 168/QĐ-TTg ngày 07 tháng 02 năm 2017 của Thủ tướng Chính Phủ (Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia chưa chuyển thành đơn vị độc lập, tỷ lệ cổ phần hóa các Tổng công ty Phát điện còn thấp).
Tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo tăng cao trong các năm gần đây gây ra nhiều khó khăn cho công tác điều độ, vận hành hệ thống điện và thị trường điện.
Ngoài ra, cơ chế giá bán lẻ điện hiện nay chưa đồng bộ với thực tế phát triển thị trường điện, giá bán lẻ điện chưa được điều chỉnh kịp thời theo các biến động đầu vào của giá nhiên liệu trong khâu phát điện do cần đảm bảo các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô; việc xóa bỏ được bù chéo giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng, miền chưa được thực hiện.
Trước những vướng mắc nêu trên, để tiếp tục xây dựng và phát triển thị trường điện, bên cạnh việc tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai, Bộ Công Thương cũng đã đưa ra các giải pháp cụ thể.
Trước hết, về hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ thị trường điện, nhiệm vụ này đã được Thủ tướng Chính phủ giao trực tiếp cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện tại Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2013, hiện tại Bộ Công Thương đang phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLV) để chỉ đạo EVN đẩy nhanh công tác đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng Công nghệ thông tin phục vụ vận hành thị trường điện.
Liên quan đến công tác tái cơ cấu ngành điện, hiện Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang chủ trì thực hiện các công tác này, Bộ Công Thương đang tích cực phối hợp với UBQLV trong công tác chuyển A0 thành Công ty TNHH MTV trực thuộc UBQLV và chuyển về Bộ Công Thương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đối với các nội dung khác về cơ cấu ngành điện tại Quyết định 168/QĐ-TTg ngày 07 tháng 02 năm 2017 của Thủ tướng Chính Phủ, Bộ Công Thương cũng đã có nhiều văn bản gửi ý kiến góp ý cho UBQLV trong quá trình triển khai thực hiện.
Để giải quyết các khó khăn trong vận hành do tỷ trọng tăng cao của các nguồn năng lượng tái tạo, hiện Bộ Công Thương đang triển khai nghiên cứu, xây dựng Luật năng lượng tái tạo để bổ sung các chính sách về phát triển năng lượng tái tạo và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy trình, quy định kỹ thuật liên quan để để đảm bảo an toàn vận hành hệ thống điện khi tỷ trọng các nguồn năng lượng ngày càng tăng.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đang đề xuất sửa đổi Luật điện lực và các văn bản pháp luật có liên quan để hoàn thiện cơ chế giá điện phục vụ vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.