Tiếp tục làm cho phong trào ''Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa'' lan tỏa

20 năm thực hiện phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa' đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết, tạo nên ý thức tự lực, tự giác, tự nguyện, tự quản của mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Từ đó, chất lượng cuộc sống được nâng cao, đời sống tinh thần thêm phong phú, các quy tắc ứng xử văn hóa, giá trị đạo đức được quan tâm gìn giữ, từng bước đẩy lùi các tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã góp phần bảo tồn, gìn giữ và làm an tỏa các di sản văn hóa dân tộc

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã góp phần bảo tồn, gìn giữ và làm an tỏa các di sản văn hóa dân tộc

Kết quả đạt được 20 năm qua là nền tảng vững chắc để ngành Văn hóa Lâm Đồng tiếp tục đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây đựng đời sống văn hóa” không ngừng lan tỏa trong đời sống bằng từng phong trào cụ thể thiết thực. Phong trào xây dựng “người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến” tiếp tục tạo ra những hạt nhân tích cực, các điểm sáng văn hóa, các điển hình tiên tiến góp phần xây dựng con người về tư tưởng, đạo đức, lối sống lành mạnh như: mô hình Giáo xứ bình yên không tội phạm của Giáo xứ Lạc Viên (thị trấn Thạnh Mỹ - Đơn Dương), mô hình 1 đảng viên giúp đỡ 10 gia đình (Bảo Lộc); mô hình Camera an ninh (Đà Lạt), mô hình Tiếng kẻng an ninh (xã Ninh Loan - Đức Trọng) với 33 thành viên tham gia tổ trực kẻng, tổ tuần tra an ninh, giúp các ngành chức năng quản lý tốt tình hình an ninh, trật tự, hạn chế tình trạng trộm cắp, vi phạm pháp luật. Tấm gương bà Cil Múp K’Say (Lạc Dương) không ngần ngại hiến 1.500 m2 đất để làm đường cho bà con đi lại thuận tiện và bà cũng là gương sáng trong việc nuôi dạy con thành đạt. Anh Vũ Trung Hiếu (Phường 5 - Đà Lạt) với lòng nhiệt huyết đã đến tâm dịch Bắc Giang khi làn sóng COVID - 19 lần thứ 4 bùng phát, hỗ trợ 100 triệu đồng và tình nguyện tham gia nhiều hoạt động chống dịch với tinh thần khi nào Bắc Giang hết dịch mới trở về…

Phong trào “Xây dựng gia đình văn hóa” góp phần xây dựng gia đình hòa thuận, không có bạo lực gia đình, gìn giữ truyền thống ứng xử tốt đẹp trong gia đình Việt Nam. Việc vận động đăng ký xây dựng danh hiệu Gia đình văn hóa (GĐVH) được thực hiện trên tinh thần công khai, dân chủ, đảm bảo đúng tiêu chuẩn. 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh có 307.058/315.065 hộ gia đình đăng ký xây dựng GĐVH, đạt tỷ lệ 97,45%. Bên cạnh đó, phong trào “Xây dựng thôn, buôn, tổ dân phố văn hóa” được xác định là nền tảng cho việc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể các cấp đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động làm cho người dân, cộng đồng dân cư hiểu rõ vai trò, trách nhiệm tham gia thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, duy trì và phát triển phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 1.376/1.376 thôn, buôn, tổ dân phố đăng ký xây dựng danh hiệu văn hóa, đạt tỷ lệ 100%. Từ đó, phong trào xây dựng “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”; “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị” đã huy động nội lực trong cộng đồng đóng góp tiền, công sức, hiến đất theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” xây dựng các công trình phúc lợi; thi đua phát triển kinh tế, giúp nhau thoát nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ môi trường và tham gia giám sát việc triển khai thực hiện ở cộng đồng dân cư… Toàn tỉnh có 142/142 xã, phường, thị trấn phát động xây dựng danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”; “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”. Trong đó có 107/111 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 96,4% và 27/31 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, chiếm tỷ lệ 87%.

Phong trào “Xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” đã thực sự gắn liền với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xây dựng tổ chức cơ sở đảng, chính quyền, đoàn thể trong sạch, vững mạnh. Qua đó, đã góp phần phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong thời kỳ mới. Nhiều cơ quan, đơn vị đã cụ thể hóa nội dung xây dựng cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa thành các chương trình, mục tiêu riêng, gắn với công tác cải cách hành chính; nâng cao ý thức trách nhiệm, xây dựng tinh thần làm việc khoa học, văn minh cho cán bộ, viên chức, người lao động; thực hành tiết kiệm… thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ chính trị, chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. 6 tháng đầu năm, ngành văn hóa đã tiến hành kiểm tra, thẩm định, công nhận lại 329 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa 5 năm giai đoạn 2016 - 2020; toàn tỉnh có 1.520/1.573 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký xây dựng danh hiệu “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” năm 2021, đạt tỷ lệ 96,6%.

Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” đã chuyển dần từ tự phát sang tự giác, hình thành thói quen tập luyện TDTT nâng cao sức khỏe, xây dựng nếp sống lành mạnh. Tỷ lệ người tập luyện TDTT thường xuyên đạt khoảng 35% trên tổng số dân; số gia đình thể thao ước đạt 28% /tổng số hộ gia đình trên toàn tỉnh. Phong trào “Học tập, lao động, sáng tạo” trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân ngày càng phát triển. Các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở đã mở nhiều lớp hướng nghiệp, đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tập huấn truyền đạt kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh cho người dân. Trong mỗi gia đình hiếu học, gia đình văn hóa, các thành viên ý thức được việc học tập thường xuyên, học tập suốt đời, nêu cao ý thức thi đua lao động, sáng tạo vươn lên, ổn định cuộc sống và từng bước khá giả, làm giàu chính đáng.

Ông Nguyễn Viết Vân - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Phó ban Chỉ đạo Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh Lâm Đồng cho biết: Để phong trào ngày càng đi vào chiều sâu, phát triển cả về chất và lượng, trong thời gian tới, việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, tạo sức lan tỏa mới sẽ được chú trọng. Phấn đấu đến hết năm 2021, toàn tỉnh có: 90,3% số hộ đạt danh hiệu GĐVH; 95% số thôn, buôn, tổ dân phố được công nhận, giữ vững danh hiệu văn hóa; 96,4% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 88% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 98% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 100% xã, phường, thị trấn, thôn, buôn, tổ dân phố có thiết chế văn hóa, thể thao, trong đó có từ 80 - 90% đạt chuẩn theo quy định.

QUỲNH UYỂN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202107/tiep-tuc-lam-cho-phong-trao-toan-dan-doan-ket-xay-dung-doi-song-van-hoa-lan-toa-3067861/