Tiếp tục làm tốt vai trò tham gia xây dựng chính sách

Ngày 27/3, tại Hà Nội, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức Hội nghị thường niên lần thứ V, nhiệm kỳ VII. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị.

Hội nghị thường niên lần thứ V, nhiệm kỳ VII Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam được tổ chức nhằm tổng kết, đánh giá kết quả qua một năm triển khai thực hiện nhiệm vụ, đồng thời đề ra các nhiệm vụ cho năm 2025.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Phạm Toàn Vượng chia sẻ, năm 2024 đã qua với nhiều thời cơ và thách thức đối với hoạt động ngân hàng nói chung và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nói riêng.

Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, nhiệm vụ của ngành và Hiệp hội, Hiệp hội đã tích cực tổ chức triển khai các Nghị quyết, kế hoạch, chương trình công tác đề ra, thực hiện một cách toàn diện và đóng góp tích cực vào thành công chung của ngành trên tất cả 12 nhiệm vụ trọng tâm đã được Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam thông qua tại Nghị quyết số 260 ngày 22/5/2024 Hội nghị thường niên kỳ họp thứ IV, nhiệm kỳ VII.

Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Phạm Toàn Vượng phát biểu khai mạc Hội nghị Thường niên lần thứ V, Nhiệm kỳ VII.

Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Phạm Toàn Vượng phát biểu khai mạc Hội nghị Thường niên lần thứ V, Nhiệm kỳ VII.

Cụ thể, Hiệp hội đã tham gia đóng góp xây dựng 90 cơ chế chính sách, góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động ngân hàng; tăng cường và phát huy vai trò cầu nối giữa các tổ chức hội viên với các cơ quan quản lý nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức hội viên.

Đồng thời, tích cực triển khai đồng bộ công tác truyền thông; quan tâm và chú trọng đến công tác hội viên; chủ động và linh hoạt trong công tác đào tạo, tập huấn đội ngũ cán bộ nhân viên ngân hàng.

Các mảng công tác khác như công tác hợp tác quốc tế, công tác triển khai thực hiện Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp; công tác nội bộ... được quan tâm, chú trọng.

"Đạt được những kết quả trên là nhờ sự đóng góp tích cực và trách nhiệm của các tổ chức hội viên, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Hội đồng Hiệp hội, tinh thần trách nhiệm cao của Cơ quan Thường trực và các đơn vị trực thuộc.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Ngân hàng thường xuyên nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, của Bộ Nội vụ cũng như sự phối hợp của các bộ, ngành, đơn vị liên quan. Các hoạt động của Hiệp hội thời gian qua đã giúp nâng cao vai trò, vị thế của Hiệp hội Ngân hàng, qua đó nhận được sự tín nhiệm và ủng hộ của các cấp, các ngành và các tổ chức hội viên", Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Phạm Toàn Vượng khẳng định.

Theo Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, tình hình thế giới năm 2025 dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế trong nước tiếp tục chịu “tác động tiêu cực kép” từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập bên trong; thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức có thể nhiều hơn.

“Bối cảnh đó đòi hỏi ngành Ngân hàng nói chung và Hiệp hội Ngân hàng nói riêng chủ động thích ứng, đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả hoạt động và đồng hành cùng các cơ quan quản lý trong việc thực hiện các chủ trương lớn về cải cách thể chế và hoàn thiện hệ thống pháp luật", Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Phạm Toàn Vượng lưu ý.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Thay mặt Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng ghi nhận và đánh giá cao những thành tích Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã đạt được trong năm 2024 và định hướng, kế hoạch hoạt động năm 2025 của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

“Những nội dung này cho thấy sự quyết liệt của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam trong công tác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức hội viên, phản ánh rõ vai trò quan trọng trong việc đồng hành cùng hệ thống ngân hàng của Hiệp hội”, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng nêu rõ.

Ngoài ra, Phó Thống đốc cũng nhấn mạnh những kết quả mà Hiệp hội đã đạt được thời gian qua khi Hiệp hội đã đồng hành cùng các cơ quan quản lý để xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật.

“Những ý kiến đóng góp của Hiệp hội Ngân hàng có giá trị thực tiễn và được các cơ quan quản lý ghi nhận, sửa đổi, bổ sung các chính sách phù hợp hơn với thực tiễn. Tại một số nước phát triển về tài chính ngân hàng của châu Âu, pháp luật và nguồn nhân lực là những khía cạnh mà họ rất quan tâm và chú trọng. Hiệp hội Ngân hàng đã, đang đóng góp rất tích cực ở cả hai khía cạnh này”, ông Phạm Tiến Dũng nhận định.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Ngân hàng đã luôn rất quyết liệt, lời nói luôn song hành với hành động. Không chỉ làm tốt vai trò đồng hành cùng cơ quan quản lý trong quá trình xây dựng các chính sách, văn bản pháp luật, Hiệp hội Ngân hàng còn tạo niềm tin cho cơ quan quản lý trong quá trình ban hành văn bản liên quan đến hoạt động của ngành.

“Có thể kể đến như, để đạt được những thành công lớn trong việc ban hành đúng thời gian dự kiến và triển khai hiệu quả Quyết định 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024) có vai trò to lớn của Hiệp hội Ngân hàng.

Nếu Hiệp hội Ngân hàng không quyết liệt, Quyết định 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng có thể đã không thể ban hành vào ngày 1/7/2024 và việc triển khai thực hiện sinh trắc học trên toàn hệ thống Ngân hàng có thể chưa đạt được những thành công như hiện tại”, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng nhìn nhận.

Định hướng hoạt động trong thời gian tới, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cũng đề nghị Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và các tổ chức thành viên phát huy kết quả đã đạt được của năm 2024 để xây dựng chương trình hoạt động năm 2025. Trong đó, tiếp tục làm tốt vai trò tham gia xây dựng chính sách.

"Thời gian tới, có rất nhiều chính sách đang hoàn thiện có tác động đến hoạt động của ngành Ngân hàng như: Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, một số nghị định về hướng dẫn Luật Giao dịch điện tử, Nghị quyết về sàn giao dịch tiền ảo, Trung tâm tài chính,... Đây đều là những vấn đề mới và khó, cần sự đồng hành, đóng góp tích cực của Hiệp hội Ngân hàng trong việc đồng hành cùng cơ quan quản lý và các tổ chức hội viên", Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết thêm.

Tính đến ngày 31/12/2024, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có tổng số 76 tổ chức hội viên, bao gồm: 63 hội viên chính thức, 11 hội viên liên kết và hai hội viên danh dự, trong đó năm 2024 đã tổ chức lễ kết nạp hội viên đối với hai chi nhánh Ngân hàng nước ngoài (MUFG và ICBC) làm hội viên liên kết; liên hệ trao đổi thông tin và hướng dẫn 5 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài (HSBC, SMBC, WorriBank, Siam Commercial Bank và Bank of India) về thủ tục gia nhập hội viên.

Quy mô và chất lượng hoạt động của các tổ chức hội viên cũng ngày càng tăng lên, chiếm thị phần chủ chốt trên thị trường tiền tệ, tín dụng, quản lý khối tài sản rất lớn.

Tin và ảnh: HỒNG ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tiep-tuc-lam-tot-vai-tro-tham-gia-xay-dung-chinh-sach-post868111.html