Tiếp tục lan tỏa thông điệp bình đẳng giới

Cuộc thi 'Sáng kiến thúc đẩy bình đẳng giới' năm 2024 đã được tổ chức thành công tốt đẹp với việc truyền đi thông điệp là cần sự chung tay của toàn xã hội trong việc xóa bỏ định kiến giới, bất bình đẳng giới.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chương trình, chính sách thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Các chương trình, chính sách này đã có những tác động đáng kể trong việc cải thiện cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số.

 Cuộc thi “Sáng kiến thúc đẩy bình đẳng giới” năm 2024 thu hút nhiều dự án tham gia.

Cuộc thi “Sáng kiến thúc đẩy bình đẳng giới” năm 2024 thu hút nhiều dự án tham gia.

Tuy nhiên phụ nữ dân tộc thiểu số vẫn chịu nhiều thiệt thòi, vẫn phải đối mặt với các rào cản trong tiếp cận và thụ hưởng thành quả của sự phát triển.

Để tiếp tục lan tỏa thông điệp bình đẳng giới, Hội Phụ nữ tỉnh phối hợp với Tổ chức Aide et Action (AEA/Pháp), Hội Phụ nữ huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình) tổ chức Cuộc thi “Sáng kiến thúc đẩy bình đẳng giới” năm 2024.

Mục tiêu cuộc thi là khuyến khích các thành viên hội phụ nữ và đoàn thanh niên huyện/xã trên địa bàn thị xã Sa Pa, huyện Bắc Hà, thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai) và huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình) thiết kế, xây dựng các sáng kiến thúc đẩy bình đẳng giới một cách bền vững tại địa phương. Những sáng kiến có chủ đề liên quan đến bình đẳng giới, như: xóa bỏ các định kiến giới về phân công lao động việc nhà; xóa bỏ các phân biệt đối xử về giới liên quan đến lao động việc làm; nâng cao năng lực kinh tế cho phụ nữ; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; phòng, chống bạo lực, quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Cuộc thi được tổ chức với hình thức thi 2 vòng: vòng sơ khảo được chấm từ ngày 2 - 5/7/2024; vòng chung kết diễn ra vào ngày 27/7/2024. Tại vòng chung kết đã có 11 dự án xuất sắc được trực tiếp thuyết trình trước Ban Giám khảo.

 Cuộc thi truyền đi thông điệp cần sự chung tay của toàn xã hội trong việc xóa bỏ định kiến giới, bất bình đẳng giới.

Cuộc thi truyền đi thông điệp cần sự chung tay của toàn xã hội trong việc xóa bỏ định kiến giới, bất bình đẳng giới.

Tổ dân phố số 5, phường Phan Si Păng (thị xã Sa Pa) có 87 hộ, đồng bào dân tộc Mông chiếm hơn 98%. Trước đây, trong cộng đồng người dân tộc thiểu số, đặc biệt là người Mông vẫn luôn quan niệm việc nhà là của phụ nữ, họ bị ảnh hưởng nặng nề của định kiến và khuôn mẫu giới về phân công công việc trong gia đình, áp đặt công việc nội trợ, chăm sóc trẻ em, người già, người ốm trong gia đình. Vì vậy, cuộc sống của nhiều chị em chịu nhiều thiệt thòi, không có thời gian chăm sóc bản thân và tham gia các hoạt động sinh hoạt tập thể tại cộng đồng.

 Dự án của Hội Phụ nữ phường Phan Si Păng được Ban Tổ chức lựa chọn hỗ trợ sau vòng chung kết.

Dự án của Hội Phụ nữ phường Phan Si Păng được Ban Tổ chức lựa chọn hỗ trợ sau vòng chung kết.

Nhằm đẩy mạnh phong trào bình đẳng giới, Hội Phụ nữ phường Phan Si Păng đã lựa chọn 20 hộ (20 cặp vợ chồng) tham gia dự án “Xóa bỏ các định kiến giới về phân công lao động việc nhà”. Mục tiêu của dự án là thay đổi được tư duy, nhận thức của các thành viên trong gia đình, xóa bỏ được các định kiến trong phân công việc nhà; hiểu biết thế nào là công việc gia đình, sự chia sẻ hỗ trợ công việc nhà giữa các thành viên trong gia đình. Qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các thành viên để họ thấy được sự tôn trọng, giúp gia đình luôn hòa thuận, vui vẻ, hạnh phúc, tránh được nguy cơ đổ vỡ gia đình.

Chị Đào Thị Thúy, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Phan Si Păng cho biết: Khi tham gia dự án, mỗi hộ sẽ thực hiện quay 2 clip mỗi tuần, ghi lại các hoạt động thực tế chứng minh cho việc tham gia phân công lao động việc nhà giữa các thành viên trong gia đình; tham gia hội thảo, thi nấu ăn… Các hoạt động này giúp nam giới trong gia đình từ việc làm quen với công việc nhà đến việc chủ động làm việc nhà, qua đó phụ nữ có thêm thời gian cho bản thân. Đặc biệt, tính hiệu quả của dự án sẽ được kéo dài ngay cả khi dự án kết thúc.

 Chị Lương Thúy Nga, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Sa Pa đại diện tổ dự án trả lời câu hỏi của Ban Giám khảo.

Chị Lương Thúy Nga, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Sa Pa đại diện tổ dự án trả lời câu hỏi của Ban Giám khảo.

Theo thống kê của Hội Phụ nữ phường Sa Pa, từ năm 2020 đến nay, trung bình mỗi năm trên địa bàn xảy ra từ 2 đến 3 vụ bạo lực gia đình. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, mà còn để lại vết thương về mặt tinh thần đối với người bị bạo hành.

Nhằm xóa bỏ tình trạng trên, Hội Phụ nữ phường Sa Pa đã thực hiện dự án “Phòng chống bạo lực gia đình góp phần thúc đẩy bình đẳng giới” nhằm thu hút sự tham gia của nam giới; nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình; tạo chuyển biến mạnh về nhận thức, hành động để từng bước xóa bỏ bạo lực gia đình.

Chị Lương Thúy Nga, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Sa Pa cho biết: Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bạo lực gia đình nhưng phải kể đến việc trọng nam khinh nữ, tính gia trưởng của một bộ phận nam giới. Để thực hiện dự án này, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền, trang bị kiến thức về phòng, chống bạo lực gia đình cho các gia đình trên địa bàn, chú trọng vào nam giới; phổ biến tới 100% hộ dân biết đến số đường dây nóng của hội phụ nữ xã; tổ chức cuộc thi ảnh "Bình đẳng giới"; hỗ trợ những người có nguy cơ bị bạo lực gia đình có thêm kiến thức, kỹ năng ứng phó khi bị bạo lực.

Trên đây chỉ là 2 trong 11 dự án xuất sắc được trực tiếp thuyết trình trước Ban Giám khảo. Các dự án có nội dung xoay quanh kiến thức về bình đẳng giới, như: xóa bỏ các định kiến giới về phân công lao động việc nhà; xóa bỏ các phân biệt đối xử về giới liên quan đến lao động việc làm; nâng cao năng lực kinh tế cho phụ nữ; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; phòng, chống bạo lực, quấy rối tình dục tại nơi làm việc…

 Đại diện các dự án của tỉnh Lào Cai chụp ảnh lưu niệm tại cuộc thi.

Đại diện các dự án của tỉnh Lào Cai chụp ảnh lưu niệm tại cuộc thi.

Bà Nguyễn Kim Thúy, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Giới, Gia đình và Môi trường trong phát triển, Trưởng ban Giám khảo cuộc thi cho biết: Từ 11 dự án, Ban Giám khảo đã lựa chọn ra 7 dự án xuất sắc nhất (5 dự án của tỉnh Lào Cai và 2 dự án của tỉnh Hòa Bình) để hỗ trợ và thực hiện từ tháng 8 – 12/2024. Các dự án được lựa chọn có ý tưởng sáng tạo tốt, giải quyết được các vấn đề giới trong cộng đồng, có kế hoạch hoạt động khả thi. Bên cạnh đó, các sáng kiến này có khả năng lan tỏa và nhân rộng trong cộng đồng.

Cũng theo bà Thúy, cuộc thi là hoạt động thiết thực góp phần đổi mới cách thức tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ sở; nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ và Nhân dân trong thực hiện chiến lược bình đẳng giới. Thông qua cuộc thi, các cấp hội tiếp tục nhân rộng, lan tỏa những cách làm sáng tạo, hiệu quả, từ đó góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và giải quyết hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số, miền núi.

Kiều Thu

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/tiep-tuc-lan-toa-thong-diep-binh-dang-gioi-post387846.html