Tiếp tục loại bỏ rào cản, tạo động lực cho kinh tế tư nhân

Theo đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh và Đối ngoại của Quốc hội, tư duy lập pháp đã chuyển dần từ nặng về quản lý sang kiến tạo phát triển, song vẫn cần tiếp tục được rà soát để thực sự tạo động lực mới cho khu vực kinh tế tư nhân.

Đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh và Đối ngoại của Quốc hội.

Đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh và Đối ngoại của Quốc hội.

Trong bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng” mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, cần tiếp tục có những cải cách đột phá về thể chế, chính sách và môi trường kinh doanh để kinh tế tư nhân có thể phát huy tối đa tiềm năng, trở thành động lực dẫn dắt nền kinh tế vươn ra thị trường quốc tế. Tại Kỳ họp thứ chín, Quốc hội phải dồn ưu tiên cho việc sửa Hiến pháp và nhiều luật phục vụ sắp xếp tổ chức bộ máy. Vậy yêu cầu đột phá thể chế nói trên sẽ được quan tâm thế nào, thưa ông?

Việc Quốc hội ưu tiên sửa đổi các luật phục vụ sắp xếp lại bộ máy nhà nước, sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện và sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã về bản chất vẫn là để tạo không gian, động lực đầu tư và phát triển mới. Xây dựng bộ máy tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả thì sẽ làm tốt hơn công tác quản lý, cũng chính là tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp phát triển và cuối cùng là đất nước phát triển.

Về kinh tế tư nhân, cần nhìn nhận là, vai trò của khu vực này không phải đến giờ mới được xác định, mà đã được thể hiện trong nhiều nghị quyết của Đảng. Nhưng thời điểm này, trong bối cảnh tình hình mới, hơn lúc nào hết, cần tạo động lực mới, tạo cú hích mạnh mẽ cho kinh tế tư nhân bứt phá, trở thành đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng như thông điệp từ bài viết của Tổng Bí thư.

Kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 51% GDP, con số này sẽ phải tăng cao hơn nữa, nhưng quan trọng hơn là khu vực này len lỏi vào từng nhà, tạo ra nhiều việc làm, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng, an sinh xã hội. Kinh tế có phát triển bền vững, có trở nên thịnh vượng hay không phụ thuộc rất nhiều vào khu vực này.

Thời điểm này, hoàn toàn có đủ tự tin để nói rằng, kinh tế tư nhân có thể làm được những việc mà các khu vực kinh tế khác làm được, các doanh nghiệp tư nhân lớn có thể tham gia được mọi ngành, mọi lĩnh vực. Trước đây, ta vẫn nói là, kinh tế nhà nước làm những gì mà tư nhân không làm được hoặc không muốn làm, thì bây giờ, quan điểm đó cũng phải tính lại. Có những thứ mà doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân cùng làm được thì phải xem ai hiệu quả hơn thì giao cho người đó.

Như thế, cần trở lại vấn đề quản trị nền kinh tế giống như điều hành doanh nghiệp, tức là hướng tới hiệu quả, ai đạt hiệu quả hơn thì người đó làm, chứ không nên phân biệt kinh tế tư nhân muốn làm hay không.

Đã nhiều lần ông bày tỏ quan điểm về trách nhiệm của chính quyền, của cán bộ công chức là phụng sự doanh nghiệp. Song nền tảng của việc này phải là hệ thống pháp luật đồng bộ, dễ hiểu, dễ thực hiện, xóa bỏ cơ chế xin - cho, không quản được thì cấm?

Công tác lập pháp đã có thay đổi mang tính cách mạng theo hướng dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm, thiên về kiến tạo phát triển. Chẳng hạn, ở Kỳ họp thứ tám, khi thông qua những quy định sửa đổi, bổ sung của 5 luật trong lĩnh vực đầu tư, Quốc hội chấp thuận nhiều thay đổi lớn nhằm cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Các thủ tục đầu tư đặc biệt đối với dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế được quy định theo hướng chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”.

Trước đó, ở các luật mới về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, tư duy chuyển từ quản lý sang kiến tạo cũng khá rõ. Tuy nhiên, vẫn phải thừa nhận, bóng dáng nặng về quản lý vẫn còn. Điều này đòi hỏi phải tiếp tục rà soát để tiếp tục loại bỏ rào cản, tạo được sự bình đẳng, khả năng cạnh tranh cho kinh tế tư nhân để họ có điểm tựa, yên tâm phát triển.

Lâu nay, một số doanh nghiệp nhà nước nói là mong được như doanh nghiệp tư nhân về quyền tự quyết, khu vực tư nhân lại bảo ước gì được như doanh nghiệp nhà nước về tiếp cận đất đai, vốn… Vậy hoàn thiện thể chế phải hướng tới sự hài hòa giữa các khu vực để hai bên không phải “tị” nhau nữa.

Cốt lõi là nhìn vào các chính sách không thấy sự phân biệt nữa, cùng hoạt động sản xuất - kinh doanh thì cùng được làm những gì tốt nhất mà pháp luật không cấm, cơ hội tiếp cận các nguồn lực là như nhau. Tất nhiên, doanh nghiệp nhà nước có các quy định buộc phải tuân thủ vì dùng tiền nhà nước để đầu tư sản xuất - kinh doanh.

Vấn đề cần quan tâm nữa là, làm thế nào để kinh tế tư nhân có thể tiếp cận được vốn. Lâu nay, doanh nghiệp tư nhân vẫn dựa vào tín dụng thuần túy, tức vay ngân hàng, trong khi sản phẩm tín dụng chưa đa dạng, thị trường trái phiếu thiếu minh bạch và bị lợi dụng.

Nhìn vào diễn biến thị trường bất động sản và thị trường vàng thời gian qua, thì rõ ràng là, người dân chưa yên tâm đầu tư vốn vào sản xuất, kinh doanh. Vậy nên, cần phải có cơ chế để làm sao người dân đừng mang tiền “trú ẩn” vào đất hoặc vàng, kể cả dân gửi quá nhiều tiền vào ngân hàng cũng không phải là tốt, phải khơi thông để đưa vốn vào sản xuất.

Như vậy, có rất nhiều vấn đề cần quan tâm tháo gỡ, nhưng thời gian và khả năng của cơ quan lập pháp có hạn. Vậy theo ông, đâu là những lựa chọn cần ưu tiên sớm nhất?

Vốn và đơn giản thủ tục hành chính là hai thứ cần nhất, tiền cũng không quan trọng bằng thủ tục thông thoáng, cơ chế công bằng, công khai minh bạch. Tôi vẫn muốn nhắc lại quan điểm là, nên quản lý theo hiệu quả đầu ra, chứ không nên can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp.

Chính quyền và cán bộ công chức phải nói đi đôi với làm, rút ngắn khoảng cách giữa quy định và thực thi. Hệ thống pháp luật đầy đủ và minh bạch, con người thực thi công vụ có tâm, có tinh thần trách nhiệm thì sẽ dẹp bỏ được nạn xin - cho, tham nhũng vặt, tức là gạt bỏ những thứ khiến doanh nghiệp sợ. Doanh nghiệp và người dân yên tâm làm ăn thì sẽ tạo động lực mới cho nền kinh tế và cho khu vực kinh tế tư nhân.

An Nguyên

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tiep-tuc-loai-bo-rao-can-tao-dong-luc-cho-kinh-te-tu-nhan-d267142.html