Tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội
Đa số người dân đều mong muốn được hưởng các chế độ bảo hiểm khi còn tuổi lao động, có lương hưu lúc tuổi già. Đây cũng là đích đến của các cơ quan chức năng trong quá trình vận hành hệ thống an sinh xã hội. Bởi thế, việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, nhất là với nhóm tham gia theo diện bắt buộc là yêu cầu, đòi hỏi tất yếu khách quan.
Nhằm bảo đảm an sinh cho số đông người dân, tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), các cơ quan chức năng đề xuất mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc với 5 nhóm lao động. Đó là chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Nhóm thứ ba là người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương. Nhóm thứ tư là người lao động làm việc không trọn thời gian (người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt).
Ngoài ra, chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc được đề xuất bao phủ đến những trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác, nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên, phù hợp với Bộ luật Lao động hiện hành.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, những đề xuất nêu trên vừa là yêu cầu, đòi hỏi cấp bách xuất phát thực tiễn, vừa phù hợp với sự phát triển của hệ thống an sinh trong bối cảnh hội nhập. Dẫn chứng là, qua thẩm tra, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận về kết quả, những năm gần đây, số người có phát sinh thu nhập tiền lương, tiền công ở nước ta đạt từ hơn 20 đến hơn 21 triệu người/năm (tùy từng năm), nhưng mới có khoảng 13-14 triệu người, tương ứng với hơn 60% số người có tiền lương, tiền công nộp bảo hiểm xã hội.
Như vậy, hiện cả nước còn hàng triệu người có tiền lương, tiền công chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Hơn nữa, Nghị quyết số 28-NQ/TƯ, ngày 23-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội nêu rõ, đến năm 2030, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, tỷ lệ người dân sau độ tuổi nghỉ hưu có lương hưu cùng đạt 60%. Nhìn rộng hơn, chính sách an sinh của các quốc gia được thiết kế khá đa dạng, cơ bản bao phủ đến tất cả các nhóm đối tượng người lao động…
Nếu đề xuất mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được thông qua, ước tính, cả nước có thêm ít nhất 3 triệu người có tên trên hệ thống an sinh. Góp ý về nội dung này, đại đa số ý kiến đồng tình, đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ hơn với từng nhóm đối tượng.
Chẳng hạn, với đối tượng chủ hộ kinh doanh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, trong xu thế bảo hiểm xã hội toàn dân, thì chính sách nên mở rộng đến tất cả hộ kinh doanh, không nên “khoanh vùng” riêng các hộ có đăng ký kinh doanh. Cách thức khuyến khích họ tham gia có thể giống với bảo hiểm y tế hộ gia đình, nghĩa là mức đóng của thành viên thứ 2 trở đi sẽ giảm dần, giúp họ thấy rõ càng đông người tham gia càng hưởng lợi.
Tương tự, GS.TS Đinh Dũng Sỹ, chuyên gia uy tín về đánh giá các chính sách pháp luật lưu ý, với các nhóm đối tượng mới, cơ quan soạn thảo có thể thiết kế chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc linh hoạt cho họ. Mức đóng và hưởng các chế độ gồm nhiều nấc khác nhau, giúp người lao động dễ dàng lựa chọn...
Dưới góc nhìn thực tế, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Phan Văn Mến cho biết, cách tốt nhất để đạt mục tiêu gia tăng tỷ lệ người dân có lương hưu sau độ tuổi nghỉ hưu là mở rộng diện bao phủ, mở rộng đối tượng và phát triển số tham gia bảo hiểm xã hội. Bằng cách này, đến nay, 51,5% dân số sau độ tuổi nghỉ hưu trên địa bàn Hà Nội được hưởng lương hưu và các khoản trợ cấp, vượt chỉ tiêu năm 2023, cao hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước.
Những dẫn chứng nêu trên càng thấy, việc mở rộng số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là cần thiết, tạo điều kiện, cơ hội rộng mở cho người dân có điểm tựa an sinh khi còn tuổi lao động cũng như lúc về già.