Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
Sáng 27/10, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật.
Đồng chí Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và đồng chí Lê Ngọc Quỳnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đồng chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; HĐND, UBND, phòng tư pháp các huyện, thành phố, thị xã và UBND một số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật là cơ sở pháp lý quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo nền tảng vững chắc cho việc triển khai thực hiện hoạt động này. Luật được thông qua đã góp phần củng cố, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện công tác.
Các cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã coi công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Cơ quan tư pháp các cấp đã phát huy vai trò thường trực Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; tham mưu, đề xuất để HĐND, UBND cùng cấp kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện các kế hoạch, chương trình về phổ biến, giáo dục pháp luật. Việc xây dựng thể chế, chính sách về phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh được quan tâm, hoàn thiện cùng với việc đảm bảo nguồn lực cho triển khai thực hiện. Cán bộ, đảng viên đã tự xác định việc tìm hiểu, học tập pháp luật là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Các tầng lớp Nhân dân cũng đã nhận thức được việc tìm hiểu, tuân thủ pháp luật là trách nhiệm và quyền lợi của mỗi công dân.
Trong 10 năm qua, nhiều cách làm hay, mô hình điểm về giữ gìn an ninh trật tự trong cộng đồng dân cư tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự được các cấp, ngành xây dựng và duy trì hiệu quả. Qua đó đã nâng cao nhận thức pháp luật của người dân, huy động người dân tham gia giữ gìn an ninh trật tự địa bàn, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Cụ thể, thông qua các hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật, toàn tỉnh đã tổ chức được 25.887 buổi tuyên truyền, hội nghị, thảo luận, lồng ghép tuyên truyền pháp luật theo đợt cho hơn 2,3 triệu lượt người. Các nội dung tuyên truyền pháp luật được lựa chọn trên cơ sở dễ hiểu, dễ tiếp thu, tạo điểm nhấn gắn với từng nhóm đối tượng cụ thể. Toàn tỉnh tổ chức 112.846 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật; biên soạn, cấp phát 976.281 tài liệu các loại phổ biến, giáo dục pháp luật. Các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật với 10.322 người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật...
Đại biểu dự hội nghị đã tham luận về cách làm hiệu quả trong phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ sở; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân vùng dân tộc thiểu số, miền núi, đoàn viên, hội viên phụ nữ, đồng thời đề xuất, kiến nghị một số nội dung, góp phần nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Giàng Thị Dung khẳng định: Sau 10 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển biến tích cực. Các cơ quan, đơn vị đã tổ chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đồng bộ, thường xuyên, rộng khắp, hướng mạnh về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn trọng tâm, trọng điểm, nòng cốt để tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Giàng Thị Dung đề nghị: Tiếp tục nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp về vị trí, vai trò của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong tình hình mới. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện; tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân. Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật phải có trọng tâm, trọng điểm, lấy người dân làm trung tâm, phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội trong từng giai đoạn, thời điểm, địa bàn, tối tượng cụ thể, bảo đảm 100% người dân được phổ biến, giáo dục pháp luật. Việc thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục cần được gắn kết chặt chẽ với công tác kiểm tra, giám sát, điều tra, truy tố xét xử, công tác dân vận, bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và đơn vị cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, ngành chặt chẽ, thường xuyên, kịp thời trong việc vận động, giáo dục quần chúng Nhân dân tích cực, chủ động tự nghiên cứu tìm hiểu pháp luật và tham gia, hưởng ứng các hoạt động tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật do các cơ quan có thẩm quyền tổ chức...
Tại hội nghị, 13 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 10 năm triển khai thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đã được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai.