Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động Quốc hội - Bài 3: Nâng tính chuyên nghiệp, đề cao vai trò trung tâm của đại biểu Quốc hội

Đề cao vai trò của ĐBQH là định hướng chính sách hết sức đúng đắn. Theo định hướng này, thì quan trọng là phải nâng cao tính chuyên nghiệp, năng lực và động lực đại diện cho quốc gia của các ĐBQH

Nghị quyết 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới đã đề ra nhiệm vụ “Tiếp tục đổi mới tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, xây dựng Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân”. Để triển khai đạt kết quả nhiệm vụ trên, nghị quyết cũng nhấn mạnh đến việc đề cao vai trò trung tâm của đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

Chuyên trách và chuyên nghiệp

Việc Quốc hội đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân như thế nào, nâng cao hiệu quả hoạt động ra sao phụ thuộc trước hết vào các ĐBQH. Có thể nói, làm ĐBQH là một nghề rất khó. Mà đã là một nghề rất khó thì càng phải rất chuyên nghiệp. Nghị quyết 27-NQ/TW đề ra chủ trương tăng hợp lý số lượng ĐBQH chuyên trách là rất đúng hướng. Cho dù chuyên trách thì chưa phải là chuyên nghiệp, thế nhưng, không chuyên trách thì rất khó có thể trở thành chuyên nghiệp. Đơn giản là vì các ĐBQH không chuyên trách sẽ không có thời gian để rèn giũa và phát triển các kỹ năng chuyên nghiệp của mình.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” làm việc với Trường Quốc tế TPHCM, ngày 17-3-2023 Ảnh: NHẬT TRƯỜNG

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” làm việc với Trường Quốc tế TPHCM, ngày 17-3-2023 Ảnh: NHẬT TRƯỜNG

3 yếu tố cấu thành tính chuyên nghiệp là: chuyên tâm làm một việc; yêu thích việc đang chuyên tâm làm; làm tốt việc đang chuyên tâm làm. Nói đến tính chuyên nghiệp của các ĐBQH, chúng ta cũng nói đến 3 yếu tố trên. Xét về yếu tố thứ nhất, Quốc hội đang được chuyên nghiệp hóa từng bước khá vững chắc. Số lượng ĐBQH chuyên trách đã tăng đều qua từng nhiệm kỳ gần đây: từ 30% lên 35%, rồi 40%, sắp tới theo tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW sẽ còn tăng lên. Việc tiến đến một Quốc hội với 100% ĐBQH hoạt động chuyên trách chắc vẫn còn xa nhưng so với thời kỳ trước đổi mới, đây vẫn là một bước tiến vượt bậc (khi đó không có ĐBQH hoạt động chuyên trách).

Việc tăng cường ĐBQH chuyên trách gặp khó khăn không hẳn vì chúng ta không có đủ tiền để chi trả cho các vị ĐBQH mà còn do quan điểm cho rằng, các ĐBQH phải gắn bó máu thịt với đời sống của tầng lớp dân cư mà họ đại diện. Mà phải cùng sống, cùng làm việc để gắn bó với tầng lớp cử tri của mình thì làm ĐBQH chuyên trách sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, gắn bó là một chuyện, có động lực đại diện lại là một chuyện khác. Ngoài ra, có động lực đại diện mà không có các kỹ năng chuyên nghiệp để đại diện thì cũng khó có thể giúp ích được nhiều cho cử tri.

Xét về yếu tố thứ hai, quả thực, chúng ta có thể biết chính xác có bao nhiêu phần trăm ĐBQH làm việc chuyên trách, nhưng rất khó biết có bao nhiêu phần trăm ĐBQH yêu thích, đam mê nghề làm ĐBQH. Như đã nói ở trên, làm ĐBQH là một nghề rất khó, không có đam mê chắc chắn sẽ khó có thể theo đuổi đến cùng. Vấn đề đặt ra là: Làm sao để trong 40% các ĐBQH chuyên trách, chúng ta lựa chọn được những người đam mê và có năng khiếu làm ĐBQH? Câu trả lời dễ đưa ra nhất là bảo đảm quyền lựa chọn tự do để làm ĐBQH. Tuy nhiên, tạm thời thì điều này mới chỉ chắc chắn đúng cho các ĐBQH tự ứng cử. Song, những ĐBQH tự ứng cử sẽ có rất ít cơ hội được lựa chọn làm ĐBQH chuyên trách. Vậy thì quan trọng là, trong quá trình hiệp thương lựa chọn các ứng cử viên, mong muốn làm ĐBQH phải được coi là một tiêu chí quan trọng để lựa chọn và giới thiệu.

Xét về yếu tố thứ ba, sự hiểu biết về quy trình, thủ tục của Quốc hội và kỹ năng sử dụng các quyền năng của ĐBQH để thúc đẩy chính sách, giám sát Chính phủ, giải quyết các yêu cầu của cử tri ở đơn vị bầu cử chính là nội dung cơ bản cấu thành năng lực làm ĐBQH. Có 2 cách để bảo đảm tính chuyên nghiệp ở đây. Một là bảo đảm cơ hội tái cử cho các ĐBQH chuyên trách. Các ĐBQH này đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và phát triển được các kỹ năng quan trọng. Trong quá trình hiệp thương, các ứng cử viên đã từng làm ĐBQH chuyên trách cần được ưu tiên giới thiệu. Cách thứ hai là tổ chức đào tạo cho các ĐBQH chuyên trách mới trúng cử lần đầu. Quốc hội đã có trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử để làm công việc này.

Lợi ích quốc gia là tối thượng

Sự phân bổ các ĐBQH chuyên trách có lẽ cũng là một vấn đề cần được quan tâm. Nếu hiện nay chỉ có 40% ĐBQH chuyên trách thì có phải chỉ có 40% cử tri được đại diện bởi những ĐBQH có thời gian hơn và có điều kiện hơn không? Việc phân bổ các ĐBQH chuyên trách cân đối giữa các đơn vị bầu cử, vì vậy, là rất quan trọng. Nếu cả nước có 184 đơn vị bầu cử, thì ít nhất mỗi đơn vị bầu cử cần phải có được một ĐBQH hoạt động chuyên trách.

Hiến pháp năm 2013 quy định: “ĐBQH là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của nhân dân cả nước”. Điều này có nghĩa, các ĐBQH vừa phải đại diện cho đơn vị bầu cử, vừa phải đại diện cho quốc gia. Trên thực tế, khi lợi ích của đơn vị bầu cử và lợi ích quốc gia trùng nhau, mọi việc sẽ rất dễ dàng. Thế nhưng, khi lợi ích đơn vị bầu cử và lợi ích quốc gia không trùng hợp, mọi việc sẽ không hề đơn giản. Tuy nhiên, là ĐBQH, lợi ích quốc gia bao giờ cũng phải được coi là tối thượng. Và, rất nhiều ĐBQH đã tuân thủ nguyên tắc đặt lợi ích quốc gia lên trên hết.

Hiến pháp năm 2013 không nói đến việc đại diện cho các tỉnh. Tuy nhiên, xét về nền tảng bầu cử, động lực đại diện cho các tỉnh lại rất lớn. Lý do là vì số lượng ĐBQH do Trung ương giới thiệu bao giờ cũng ít hơn số lượng ĐBQH do các tỉnh giới thiệu. Thông thường, số ĐBQH do Trung ương giới thiệu chỉ chiếm hơn 1/3 số ghế trong Quốc hội (167 ghế cho rất nhiều nhiệm kỳ). Trong nhiệm kỳ vừa qua, số ĐBQH do Trung ương giới thiệu đã tăng lên một chút nhưng cũng chỉ chiếm khoảng trên 35%-36%. Thực tế, số ứng cử viên do Trung ương giới thiệu là 197 trên tổng số 870 ứng cử viên, chỉ chiếm khoảng 23%. Nghĩa là ứng cử viên của các tỉnh và ĐBQH của các tỉnh bao giờ cũng vẫn áp đảo. Đây là lý do tại sao nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, Quốc hội nước ta mang tính đại diện cho các tỉnh lớn hơn. Trong khi đó, nếu các ĐBQH của địa phương giám sát quá mạnh, thì lợi ích của địa phương có thể bị ảnh hưởng. Từ những phân tích trên, chúng ta thấy, bảo đảm cho các ứng cử viên của Trung ương trúng cử là rất quan trọng.

Cách đây khoảng 20 năm, một cuộc điều tra về hành vi bầu cử của cử tri cho thấy, có tới 75% cử tri sẽ chọn bỏ phiếu cho các ứng cử viên là người của địa phương. Xu thế này có thay đổi hay không trong cuộc bầu cử sắp tới? Không có một cuộc điều tra tiếp thì chúng ta không thể nào biết được.

Ở nhiều nước Đông Âu, ứng cử viên ĐBQH của Trung ương được lập thành một danh sách riêng và của địa phương thành một danh sách riêng để cử tri lựa chọn. Cạnh tranh là giữa các ứng cử viên của Trung ương với nhau, các ứng cử viên của địa phương với nhau, chứ không phải giữa các ứng cử viên của Trung ương với các ứng cử viên của địa phương. Theo cách này, số lượng ĐBQH đại diện cho Trung ương ở Quốc hội bao giờ cũng được bảo đảm.

Tóm lại, đề cao vai trò của ĐBQH là định hướng chính sách hết sức đúng đắn. Theo định hướng này, thì quan trọng là phải nâng cao tính chuyên nghiệp, năng lực và động lực đại diện cho quốc gia của các ĐBQH.

TS NGUYỄN SĨ DŨNG, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tiep-tuc-nang-cao-chat-luong-hoat-dong-quoc-hoi-bai-3-nang-tinh-chuyen-nghiep-de-cao-vai-tro-trung-tam-cua-dai-bieu-quoc-hoi-post687199.html