Tiếp tục nâng cao chất lượng thực hiện dân chủ ở cơ sở
Chiều 31/7, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tổ chức Hội nghị sơ kết công tác thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.
Đồng chí Dương Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội dự.
Hội nghị đánh giá, 6 tháng đầu năm nay, công tác xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tiếp tục được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện đồng bộ, đạt nhiều kết quả rõ nét.
Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế được chỉ đạo triển khai đồng bộ, kịp thời theo hướng tôn trọng và phát huy quyền làm chủ trực tiếp của người dân.
Việc thực hiện dân chủ trong các loại hình cơ sở có nhiều chuyển biến thực chất, hiệu quả hơn. Việc thực hiện quy chế dân chủ theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” đã tạo điều kiện, khuyến khích nhân dân tham gia bàn bạc, giám sát những công việc của địa phương, góp ý xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Hội nghị cũng tập trung làm rõ những tồn tại, phân tích sâu các nguyên nhân của những hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở thời gian qua; dân chủ bàn thảo và thống nhất phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Trước hết, Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ các cấp, các ngành cần tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh việc quán triệt, tuyên truyền và tổ chức thực hiện các văn bản của Đảng và Nhà nước về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ, trọng tâm là Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI “Về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở"; Kết luận số 54-KL/TW, ngày 9/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Quyết định số 99-QĐ/TW, ngày 3/10/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến, “tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Cùng với đó, Ban Chỉ đạo tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu cụ thể hóa, thể chế hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”; thực hiện tốt chế độ công khai trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan hành chính Nhà nước; tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện pháp luật về đất đai, về khiếu nại, tố cáo của công dân; các quy định về công tác tiếp dân, xử lý, trả lời đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Ban Chỉ đạo phát huy tốt vai trò làm chủ, khơi dậy sức sáng tạo, hiến kế và nguồn lực trong nhân dân; đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, kinh tế số, xã hội số, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; xử lý nghiêm các biểu hiện vi phạm, gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, xây dựng bộ máy cơ quan các cấp trong sạch, vững mạnh.
Thực hiện nghiêm việc tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đúng quy định. Tăng cường gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân; hoạt động hòa giải ở cơ sở và giải quyết kịp thời những phản ánh, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội. Vận động nhân dân thực hiện dân chủ ở cơ sở, thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng, các phong trào thi đua yêu nước; biểu dương, nhân rộng các điển hình tiêu biểu về thực hiện dân chủ ở cơ sở.