Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phi Chính phủ nước ngoài
Ngày 17-3, Ủy ban Công tác về các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài (PCPNN) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá công tác PCPNN năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021. Đồng chí Phan Anh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác về các tổ chức PCPNN chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Ngày 17-3, Ủy ban Công tác về các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài (PCPNN) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá công tác PCPNN năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021. Đồng chí Phan Anh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác về các tổ chức PCPNN chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Theo báo cáo của Ủy ban Công tác về các tổ chức PCPNN, năm 2020 do tác động của đại dịch COVID-19 nên hoạt động PCPNN gặp nhiều khó khăn, nguồn kinh phí viện trợ bị sụt giảm, vướng mắc trong nhập cảnh, giải ngân nguồn vốn viện trợ... Hiện, Việt Nam có 500 tổ chức PCPNN thuộc 33 quốc gia hoạt động trên địa bàn. Đa số các tổ chức PCPNN đều tuân thủ các quy định liên quan cũng như phối hợp tốt với các cơ quan của Việt Nam trong quá trình triển khai dự án. Đặc biệt các tổ chức PCPNN đã góp phần nâng cao giá trị, năng lực hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế thông qua hoạt động tuyên truyền về công tác chỉ đạo, điều hành và kết quả phòng chống dịch bệnh COVID-19 của chính quyền, người dân nước ta. Năm 2020, các tổ chức PCPNN viện trợ 220 triệu USD (giảm 15% so với năm 2019), tập trung hỗ trợ ở 2 lĩnh vực: phòng chống dịch bệnh COVID-19, cứu trợ người dân miền Trung chịu ảnh hưởng của lũ lụt. Tỷ lệ giải ngân nguồn vốn viện trợ đạt 71% so với đăng ký. Các bất cập tồn tại trong công tác PCPNN năm 2020 bao gồm: Một số tổ chức PCPNN quan tâm đến các vấn đề gây tác động đến chính sách pháp luật Việt Nam; một số tổ chức còn vi phạm hành chính với các lỗi hoạt động ngoài địa bàn đăng ký, có đăng ký nhưng không tổ chức hoạt động; một số bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện nghiêm chế độ báo cáo hoặc có thực hiện nhưng chất lượng đánh giá công tác PCPNN không cao; tiến độ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật còn chậm; Cổng thông tin trực tuyến của Ủy ban và cơ sở dữ liệu về công tác PCPNN chưa được hoàn thiện.
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã phát biểu tham luận về những kinh nghiệm hay trong công tác quản lý, vận động viện trợ PCPNN và đề xuất những kiến nghị cụ thể nhằm thực hiện tốt hơn công tác này trong thời gian tới.
Dự báo công tác PCPNN vẫn chịu nhiều tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, kinh tế thế giới suy thoái, số đơn vị và nguồn kinh phí viện trợ PCPNN tiếp tục giảm sâu so với năm 2020. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả của công tác PCPNN, Ủy ban Công tác về các tổ chức PCPNN đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm cần quan tâm thực hiện trong năm 2021: Nâng cao hiệu quả quản lý với các biện pháp: Hoàn thiện các văn bản pháp quy, theo dõi xu hướng chuyển đổi mục tiêu viện trợ của các tổ chức PCPNN, tăng cường kiểm tra, giám sát, phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động vi phạm. Nâng cao chất lượng công tác vận động với các biện pháp: Đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương thực hiện Chương trình quốc gia PCPNN; đa dạng hóa nguồn viện trợ, mở rộng đối tượng và phương thức vận động; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; vận động chính trị; thúc đẩy quan hệ đối ngoại Nhà nước và đối ngoại nhân dân./.