Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo

UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2025.

UBND tỉnh yêu cầu tăng cường quản lý nhà nước trên các lĩnh vực dễ phát sinh khiếu nại, tố cáo

UBND tỉnh yêu cầu tăng cường quản lý nhà nước trên các lĩnh vực dễ phát sinh khiếu nại, tố cáo

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan tập trung thực hiện qúan triệt, tuyên truyền rộng rãi các quy định của Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 16/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; các chỉ thị, nghị quyết, quy định, hướng dẫn, kế hoạch của cấp trên liên quan đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm mục tiêu bảo đảm nắm vữmg quan điểm chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để từ đó triển khai đồng bộ, thống nhất, tạo bước đột phá trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Nội dung tuyên truyền, phổ biển cần được đa dạng hóa về nội dung và hình thức (phát thanh, truyền hình, báo chí), đưa thông tin lên cổng/trang thông tin điện tử của từng cơ quan, đơn vị, kết hợp tổ chức các hội nghị, tập huấn nhằm bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cũng như nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân về quyền và nghĩa vụ trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Việc tổ chức công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo phải bám sát nội dung của Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành, cũng như các chỉ đạo, kết luận của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của tỉnh.

Công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo phải được xem là nội dung trọng tâm, là tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại cuối năm đối với người đứng đầu các cơ quan, địa phương, đơn vị, là cơ sở để xem xét trách nhiệm đối với từng cán bộ, công chức, viên chức có liên quan.

Trong quá trình giải quyết, khuyến khích việc hòa giải, đối thoại, nhất là với các vụ việc có đông người tham gia, mang tính chất phức tạp, kéo dài, tiềm ẩn nguy có phát sinh “điểm nóng” thì thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo, giám sát từng bước, kịp thời phát hiện và xử lý ngay khi vụ việc mới phát sinh từ cơ sở; không để xảy ra tình trạng chậm trễ, thiếu minh bạch hoặc đùn đẩy trách nhiệm, giải quyết qua loa, cho xong việc. Yêu cầu các vụ việc khiếu nại, tố cáo phải được giải quyết thấu tình, đạt lý, đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân.

Các ngành, các cấp phải chuẩn bị chu đáo, có các biện pháp hiệu quả để thực hiện tốt Kế hoạch số 1233/KH-TTCP ngày 13/6/2024 của Thanh tra Chính phủ về việc phối hợp tổ chức tiếp dân phục vụ Đại hội Đảng các cấp, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031 và Kế hoạch số 7772/KH-UBND ngày 17/9/2024 của UBND tỉnh.

Giải quyết các vụ việc phải bảo vệ tốt nhất lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân

Giải quyết các vụ việc phải bảo vệ tốt nhất lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân

Rà soát, sắp xếp, bổ sung, kiện toàn đội ngũ công chức, viên chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt tại Ban Tiếp công dân tỉnh và Ban Tiếp công dân cấp huyện và cơ quan thanh tra các cấp, đảm bảo đủ số lượng, có phẩm chất đạo đức tốt và đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, phù hợp với tinh thần đổi mới tổ chức, bộ máy.

Chú trọng rà soát, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất tại các Trụ sở Tiếp công dân. Thực hiện nghiêm việc niêm yết công khai, minh bạch các nội quy, lịch tiếp công dân, quy trình tiếp công dân, quy trình xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Ban hành quy chế và thực hiện thí điểm mô hình tiếp công dân trực tuyến.

Thực hiện nghiêm việc phân loại, xử lý đơn thư theo đúng quy định pháp luật; hướng dẫn công dân khiếu nại, tố cáo đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết; kịp thời thụ lý và giải quyết các khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, tuyệt đối không được chậm trễ, đùn đẩy hay bỏ sót. Kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo nhằm gây rối trật tự công cộng, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân; bảo đảm duy trì kỷ cương, kỷ luật hành chính.

Tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài, còn tồn đọng; quá trình kiểm tra, rà soát phải bảo đảm tuân thủ đầy đủ trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Những vụ việc pháp luật chưa quy định hoặc quy định chưa rõ thì có văn bản xin ý kiến cơ quan cấp trên, cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực để có chỉ đạo giải quyết. Phấn đấu giải quyết các vụ việc đạt tỷ lệ trên 85%; thực hiện tốt các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 90%.

Các ngành, các cấp thường xuyên nắm tình hình và theo dõi chặt chẽ việc phát sinh khiếu kiện ngay từ cấp cơ sở, chủ động đối thoại, giải thích, lường trước các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn phát sinh phức tạp để kịp thời có phương án và xử lý triệt để, dứt điểm ngay từ khi mới phát sinh. Nâng cao chất lượng giải quyết, bảo đảm việc giải quyết đúng pháp luật và củng cố đầy đủ, chặt chẽ chứng cứ, hồ sơ, tuân thủ quy trình, thủ tục giải quyết, chú trọng công tác đối thoại, hòa giải vụ việc.

Kịp thời phát hiện, xử lý, chấn chỉnh các trường hợp chậm trễ, không giải quyết hoặc giải quyết không đúng thẩm quyền, không đúng quy định, không tổ chức thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm túc các quyết định, kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực.

Tăng cường quản lý nhà nước trên các lĩnh vực dễ phát sinh khiếu nại, tố cáo như lĩnh vực đất đai, môi trường, trật tự xây dựng, thực hiện quy hoạch nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế làm phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo. Quan tâm, xử lý kịp thời ý kiến của cử tri, Nhân dân.

Đẩy mạnh vai trò giám sát của HĐND, Ủy ban MTTQ, các đoàn thể và tổ chức chính trị - xã hội, cũng như các cơ quan báo chí trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thường xuyên tổ chức các hoạt động giám sát, phản biện xã hội đối với chính sách, pháp luật và hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Các sở, ngành, UBND các cấp phối hợp chặt chẽ để phát hiện, xử lý sớm các mâu thuẫn, tranh chấp từ cơ sở, hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo vuợt cấp, kéo dài. Công tác hòa giải ở cơ sở và công tác dân vận chính quyền phải luôn được quan tâm, bám sát phương châm “gần dân, trọng dân, lắng nghe dân”, xem đây là “chốt chặn” quan trọng để giải quyết dứt điểm các xung đột nhỏ trước khi trở thành những vụ việc phức tạp, gây mất an ninh, trật tự xã hội.

H.THẮM

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/chinh-tri/202502/tiep-tuc-nang-cao-hieu-qua-cong-tac-tiep-cong-dan-va-giai-quyet-khieu-nai-to-cao-f45332f/