Tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý thị trường
Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 100/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội, về công tác chống hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả của lực lượng quản lý thị trường (QLTT), tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 14 đang diễn ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Trần Tuấn Anh - cho biết, lực lượng QLTT đã thực hiện nhiều giải pháp, biện pháp để đấu tranh, ngăn chặn..., Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo Tổng cục QLTT chú trọng nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động.
Cơ bản kiểm soát tốt tình hình
Để giữ ổn định thị trường, đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân, đấu tranh ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ..., cuối năm 2019, Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương) đã chỉ đạo lực lượng QLTT toàn quốc mở đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp cuối năm 2019, trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020; tập trung triển khai đề án phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm đến năm 2020...
Trong bối cảnh nguồn cung lợn hơi khan hiếm do tác động của dịch tả lợn châu Phi, giá thịt lợn tăng, để góp phần ổn định thị trường và nguồn cung, Tổng cục QLTT đã chỉ đạo QLTT các địa phương, nhất là các địa phương có cửa khẩu biên giới tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn nhập lậu cũng như xuất khẩu lậu mặt hàng lợn qua biên giới.
Bước sang năm 2020, những tháng đầu năm dịch Covid-19 bùng phát, tác động tiêu cực đến tình hình thị trường, thực hiện chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, Tổng cục QLTT đã chỉ đạo lực lượng QLTT cả nước bên cạnh thực hiện công tác thường xuyên, đã tăng cường và quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, kiểm tra, kiểm soát xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến buôn bán, kinh doanh trái phép các mặt hàng vật tư, y tế phục vụ chống dịch (khẩu trang, dung dịch rửa tay sát khuẩn...).
Thông qua triển khai các biện pháp chuyên môn, nghiệp vụ, lực lượng QLTT đã làm tốt khâu quản lý địa bàn, kiểm tra, phát hiện và đã xử lý một số cơ sở sản xuất, các kho, cửa hàng bán hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng thế giới, thay đổi tem nhãn thành “Made in Việt Nam”…, nhất là các vụ việc hàng giả, hàng nhái... nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Trong năm 2019, lực lượng QLTT đã tổ chức kiểm tra, xử lý một số các điểm nóng kinh doanh hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tại chợ Bến Thành và Trung tâm thương mại Sài Gòn Square… ở TP. Hồ Chí Minh... Nhiều vụ việc vi phạm về hàng lậu, gian lận thương mại, vi phạm sở hữu trí tuệ tại các tỉnh, thành phố khác như Hà Nội, Lạng Sơn, An Giang, Bình Dương, Thanh Hóa… cũng đã bị lực lượng QLTT phát hiện, xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật.
Trong năm 2019 và quý I/2020, lực lượng QLTT cả nước đã phát hiện, xử lý khoảng 120.000 vụ vi phạm pháp luật liên quan đến hàng lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ và các vi phạm pháp luật về kinh doanh, thương mại khác, thu nộp vào ngân sách nhà nước khoảng 790 tỷ đồng.
Trước diễn biến hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng Internet phức tạp, có dấu hiệu gian lận, lừa đảo, vi phạm pháp luật, Tổng cục QLTT đã thành lập Tổ công tác về thương mại điện tử chỉ đạo kiểm tra hàng loạt cơ sở của hệ thống kinh doanh mỹ phẩm Ansan Cosmetics tại TP. Hồ Chí Minh, phát hiện những dấu hiệu vi phạm về kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ... và đã kịp thời chấn chỉnh, xử lý.
Song song với hoạt động kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, lực lượng QLTT đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hạn chế sai phạm của các đối tượng hoạt động kinh doanh, thương mại. Đồng thời, tập trung thực hiện công tác xây dựng cơ chế chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật, chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ nghiệp vụ cũng như đạo đức, tác phong công chức trong thực thi nhiệm vụ.
Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 tại các địa phương, lực lượng QLTT cũng đã tích cực tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; triển khai có hiệu quả Quy chế phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong thực thi công vụ. Những vấn đề nổi cộm, phát sinh trên thị trường nội địa đã được QLTT các tỉnh, thành phố chủ trì, hoặc phối hợp với các lực lượng chức năng khác kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm về gian lận trong kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng, thực phẩm chức năng, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Hoạt động của lực lượng QLTT đã góp phần quan trọng giữ cho thị trường hàng hóa, giá cả trên địa bàn cả nước cơ bản vẫn ổn định, không có những biến động bất thường lớn xảy ra ngay cả khi tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhất, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, xây dựng môi trường kinh doanh công bằng, lành mạnh...
Tăng cường các giải pháp
Mặc dù công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả… đã được các lực lượng chức năng, trong đó có QLTT thực hiện quyết liệt, song diễn biến tình hình vẫn phức tạp, đòi hỏi các lực lượng chức năng nói chung và lực lượng QLTT nói riêng, cần phải tăng cường các giải pháp, biện pháp để đấu tranh quyết liệt, hiệu quả hơn. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo Tổng cục QLTT chú trọng nâng cao năng lực, hiệu quả công tác. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả hơn các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, gian lận xuất xứ... Chủ động nắm tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả... theo các lĩnh vực, địa bàn, các mặt hàng trọng điểm để kịp thời phát hiện các vấn đề phát sinh, nổi cộm, ngăn chặn và xử lý.
Tổng cục QLTT tiếp tục xây dựng, chỉ đạo lực lượng QLTT cả nước triển khai đồng bộ các phương án, chuyên đề, kế hoạch tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; tăng cường phối hợp với bộ đội biên phòng, hải quan để kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng ngay từ biên giới; kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm việc sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường nội địa, nhất là tại các địa bàn trọng điểm như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh..., xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành; kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các chương trình, kế hoạch để rút kinh nghiệm, đề ra các giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn.
Rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo hướng bảo đảm tính khả thi, phù hợp thực tế, thuận lợi cho thực thi nhiệm vụ. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, khen thưởng, nêu gương kịp thời tập thể, cá nhân có thành tích, xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi bao che, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức, tác phong công chức QLTT. Đặc biệt, đề cao vai trò, trách nhiệm, xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu, lãnh đạo cơ quan cũng như công chức được phân công quản lý địa bàn nếu để xảy ra tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ phức tạp, nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận mà không có giải pháp khắc phục hiệu quả.
Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả tuyên truyền về tác hại của hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; kêu gọi người dân tố giác và không bao che, tiếp tay cho buôn lậu và hàng giả. Tăng cường tuyên truyền về hoạt động của lực lượng QLTT cũng như phổ biến kiến thức, pháp luật cho người dân. Hợp tác với các hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong chia sẻ, cung cấp thông tin nhằm hỗ trợ việc kiểm tra, xử lý vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.