Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng

Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ BĐBP lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, Đại tá Nguyễn Quốc Cường, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP đã phát biểu tham luận với chủ đề: 'Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng'. Tham luận thể hiện tinh thần dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể của đảng viên tham gia đóng góp vào dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Báo Biên phòng giới thiệu với bạn đọc những nội dung cơ bản của tham luận này.

Đại tá Nguyễn Quốc Cường phát biểu tham luận tại Đại hội đại biểu Đảng bộ BĐBP lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Kim Nhượng

Đại tá Nguyễn Quốc Cường phát biểu tham luận tại Đại hội đại biểu Đảng bộ BĐBP lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Kim Nhượng

Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được chuẩn bị công phu, kết cấu chặt chẽ và có sự đổi mới so với các kỳ đại hội trước kể cả về bố cục và nội dung, nhưng vẫn bảo đảm tính kế thừa và bám sát các vấn đề, các lĩnh vực cần tập trung lãnh đạo. Đồng thời sẽ giúp cho quá trình theo dõi, tiếp thu, tổ chức quán triệt, phổ biến và triển khai thực hiện Nghị quyết sau đại hội của các cấp ủy Đảng và các cơ quan chức năng được thuận lợi hơn.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng nhiệm kỳ 2015-2020 được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đặc biệt quan tâm trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu cơ quan, đơn vị, góp phần nâng cao vị thế cầm quyền, khẳng định vai trò lãnh đạo, đường lối đúng đắn của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Trong đánh giá công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng đã có nhiều chuyển biến tích cực, kiên định những nguyên tắc trong đường lối đổi mới và trong công tác xây dựng Đảng. Bản lĩnh chính trị, trình độ, trí tuệ, tính chiến đấu của toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp từng bước được nâng lên. Công tác xây dựng Đảng về tư tưởng được tăng cường; công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được chỉ đạo tập trung, thường xuyên, quyết liệt, hiệu quả; công tác nghiên cứu, giáo dục lý luận chính trị tiếp tục được chú trọng, đổi mới, góp phần tạo sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, đồng thuận trong xã hội.

Công tác xây dựng Đảng về tổ chức được thực hiện với quyết tâm chính trị cao, đạt được những kết quả quan trọng; kiện toàn, đổi mới, sắp xếp tổ chức được tập trung, coi trọng; năng lực, chất lượng lãnh đạo, hiệu quả hoạt động của các tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đảng viên được nâng cao.

Công tác xây dựng Đảng về đạo đức được đề cao, góp phần rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng “lợi ích nhóm”. Việc triển khai, thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đồng bộ với các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Tiếp tục đổi mới công tác dân vận gắn với công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, góp phần tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt của Đảng với nhân dân, phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng.

Công tác cán bộ được đổi mới mạnh mẽ theo phương châm “then chốt của then chốt”, việc chống chạy chức, chạy quyền được thực hiện quyết liệt, có nhiều chuyển biến. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ được quan tâm hơn. Công tác kiểm tra, giám sát, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được chỉ đạo quyết liệt, tập trung, có nhiều đổi mới, thực hiện toàn diện, đồng bộ, đi vào chiều sâu, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ.

Trên thực tế, cùng với việc chăm lo xây dựng Đảng về mọi mặt, Đảng ta đã kiên quyết xử lý những đảng viên vi phạm kỷ luật; theo số liệu được công bố, chỉ tính từ năm 2016 đến hết năm 2019, qua kiểm tra đã thi hành kỷ luật 1.063 tổ chức Đảng và 45.990 đảng viên, cho ra khỏi Đảng hàng nghìn trường hợp khác, trong đó có nhiều đảng viên bị truy tố trước pháp luật; góp phần làm trong sạch nội bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Kết quả đó đã củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh thúc đẩy đất nước vượt qua khó khăn; bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Dự thảo Báo cáo chính trị cũng đã chỉ ra những hạn chế của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhiệm kỳ qua. Trong thực tế, ở một số tổ chức Đảng, việc thực hiện các nguyên tắc xây dựng Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ còn chưa nghiêm, thậm chí vi phạm; công tác tư tưởng có nơi, có lúc chưa được cấp ủy coi trọng, chưa kịp thời, thiếu thuyết phục. Tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn xảy ra; tham nhũng, lãng phí trong nhiều lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội...

Hoàn toàn nhất trí với những định hướng nhiệm vụ, giải pháp công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng như dự thảo đã xác định, tham luận đề nghị, cần nghiên cứu, điều chỉnh và tập trung thực hiện tốt một số vấn đề, trong đó nhấn mạnh: Kết hợp chặt chẽ, đồng bộ, toàn diện, hiệu quả giữa xây dựng và chỉnh đốn Đảng, trong đó xây dựng Đảng là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài; chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng đồng bộ và thống nhất cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ; đồng thời xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh toàn diện, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, tính chiến đấu của các cấp ủy và tổ chức Đảng.

Chính quyền vững mạnh, trong sạch, các thành viên của hệ thống chính trị đảm đương tốt chức năng, nhiệm vụ của mình là thước đo sức mạnh và uy tín của Đảng. Phát huy tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu của người đứng đầu và cán bộ, đảng viên. Kiên trì giữ vững nguyên tắc; quyết liệt trong đổi mới tư duy, nội dung và phương thức lãnh đạo; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ bản lĩnh chính trị, năng lực, phẩm chất, uy tín để sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao...

Kết hợp chặt chẽ việc xây dựng đội ngũ cán bộ với sắp xếp, tinh giản biên chế, gắn với cải cách chế độ công vụ, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và đổi mới chính sách tiền lương; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, Hội nghị Trung ương 7 khóa XII...

B.P

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tiep-tuc-nang-cao-nang-luc-lanh-dao-suc-chien-dau-cua-dang-post435528.html