Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát triển kinh tế nhanh và bền vững
Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa; phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử, khát vọng thịnh vượng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; phát triển kinh tế nhanh và bền vững, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh là mục tiêu của Tỉnh ủy Thanh Hóa nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Kinh tế phát triển ổn định
Đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Nhiệm kỳ vừa qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự hỗ trợ, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; sự phối hợp, cổ vũ, động viên của các địa phương trong cả nước; vượt lên những khó khăn, thách thức do tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp; thiên tai, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, nhất là đại dịch COVID-19, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã đoàn kết một lòng, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, phát huy hiệu quả những tiềm năng, lợi thế; khơi dậy mạnh mẽ các nguồn lực, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đã kết thúc nhiệm kỳ với rất nhiều thành công và thắng lợi.
Kinh tế liên tục tăng trưởng ở mức cao, tốc độ tăng trưởng GRDP hàng năm luôn đạt hai con số, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 12,1%, gấp 1,5 lần giai đoạn 2011 - 2015. Đến nay, quy mô kinh tế của tỉnh đã đứng thứ 8 cả nước và cao nhất trong các tỉnh Trung bộ. Thu ngân sách nhà nước luôn vượt dự toán và tăng cao so với đầu nhiệm kỳ; tốc độ tăng thu bình quân hằng năm đạt 18,1%, trong nhóm các tỉnh có tốc độ tăng thu ngân sách cao nhất cả nước; đến nay kết quả thu ngân sách của tỉnh đã đứng thứ 11 cả nước. Các lĩnh vực văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến, tiến bộ.
Nhiệm kỳ 2015 - 2020 là một nhiệm kỳ đầy ắp những sự kiện trọng đại và đã xác lập được nhiều dấu mốc quan trọng mà từ trước đến nay chưa bao giờ có được, trong 6 dấu ấn nổi bật, có 2 dấu ấn được coi là “dấu mốc lịch sử” của Thanh Hóa, đó là: Việc xác định được năm đầu tiên xuất hiện danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương và việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 58 về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
“Những sự kiện ấy đã tạo động lực mạnh mẽ cả về nguồn lực vật chất và tinh thần, mở ra những thời cơ, vận hội mới rất nổi trội và khác biệt để Thanh Hóa tiếp tục cất cánh, đột phá trở thành cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh trở thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc và sớm trở thành tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn” – đồng chí Trịnh Văn Chiến nhấn mạnh.
Phát triển Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn và các Khu công nghiệp (KCN) được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII xác định là một trong năm chương trình trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2015 - 2020. Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, Ban quản lý khu kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp và các đơn vị có liên quan đã tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư; chú trọng đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội...
Nhờ đó, lĩnh vực này đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội toàn tỉnh. Giai đoạn 2015 – 2020, tổng giá trị sản xuất công nghiệp - thương mại dịch vụ ước đạt 577.034/441.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch 30,8%. Trong đó, KKT Nghi Sơn đạt 390.413/414.600 tỷ đồng (đạt 94,2% kế hoạch); Các KCN khác đạt 186.622/26.400 tỷ đồng (đạt 706,9% so kế hoạch).
Tổng giá trị xuất khẩu ước đạt: 8.576/6.170 triệu USD, vượt kế hoạch 39,0%. Trong đó KKT Nghi Sơn: 3.713/3.620 triệu USD (vượt kế hoạch 2,6%); Các KCN: 4.863/2.550 triệu USD (vượt kế hoạch 90,7%). Thu ngân sách ước đạt: 56.379/82.000 tỷ đồng, đạt 68,8% kế hoạch. Trong đó: KKT Nghi Sơn: 51.863/79.000 tỷ đồng (đạt 65,6% kế hoạch); Các KCN 4.516/3.000 tỷ đồng (vượt kế hoạch 50,5%).
Các KCN, KKT đóng góp rất lớn vào việc giải quyết việc làm cho người lao động địa phương. Theo đó, con số đến thời điểm năm 2020 ước đạt 104.000 người, đạt 62,3% kế hoạch. Trong đó: KKT Nghi Sơn: 37.000/67.000 người (đạt 55,2% kế hoạch); Các KCN: 67.000/100.000 người (đạt 67,0% kế hoạch). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt: 196.993/295.000 tỷ đồng, đạt 66,8% kế hoạch. Trong đó: KKT Nghi Sơn: 188.252/273.800 tỷ đồng (đạt 68,8% kế hoạch); Các KCN: 8.741/21.200 tỷ đồng (đạt 41,2%).
Hiện đầu tư hạ tầng các KCN 3, 4, 5, 6 thuộc KKT Nghi Sơn ước đạt khoảng 100 ha, bằng 10% kế hoạch. Đầu tư hạ tầng các KCN ngoài KKT Nghi Sơn ước đạt khoảng 400 ha, đạt 25% kế hoạch. Tỷ lệ lấp đầy đất công nghiệp trong KKT Nghi Sơn (giai đoạn 18.611ha) ước đạt 55% (kế hoạch là 85%); đối với KKT Nghi Sơn mở rộng ước đạt 15% (kế hoạch là 30%). Tỷ lệ lấp đầy các KCN Lam Sơn - Sao Vàng ước đạt 5%; Bỉm Sơn ước đạt 60%.
Sớm đưa Thanh Hóa vào nhóm những tỉnh dẫn đầu cả nước
Bước sang giai đoạn phát triển mới, tỉnh Thanh Hóa đang đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi, nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo tư tưởng và các quan điểm chỉ đạo theo tinh thần các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; căn cứ tình hình, đặc điểm, bối cảnh của đất nước và thực tiễn của tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII đề ra định hướng xây dựng và phát triển trong 5 năm tới, trình Đại hội đó là: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử, khát vọng thịnh vượng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; phát triển kinh tế nhanh và bền vững; nâng cao đời sống nhân dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh; phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Cụ thể, phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 11% trở lên. Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP năm 2025: Nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 5,9%; công nghiệp - xây dựng chiếm 53,8%, dịch vụ chiếm 30,5%, thuế sản phẩm chiếm 9,8%. GRDP bình quân đầu người năm 2025 đạt 5.200 USD trở lên. Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt 750 nghìn tỷ đồng trở lên…
Để đạt mục tiêu này, Thanh Hóa xác định tập trung phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, 5 trụ cột tăng trưởng và 6 hành lang kinh tế. Cùng với việc mở rộng liên kết vùng, tỉnh Thanh Hóa xác định, sẽ ưu tiên, bố trí vốn ngân sách và tập trung huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp theo hướng hiện đại.
Tại đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa khóa XIX đã tiến hành bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy. Kết quả, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy khóa XVIII, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy khóa XIX.