Tiếp tục nâng cao vai trò các cấp hội nông dân trong thời kỳ mới

Thực hiện Kết luận số 61 của Ban Bí thư về Đề án: 'Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020', Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 61 tỉnh nhằm tăng cường lãnh đạo để nông dân thích ứng và nhạy bén trong ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chủ động lập nghiệp, vươn lên làm giàu.

Nông dân biết ứng dụng công nghệ để tăng năng suất trên diện tích đất trồng màu. Ảnh: Phước Liêu

Nông dân biết ứng dụng công nghệ để tăng năng suất trên diện tích đất trồng màu. Ảnh: Phước Liêu

Cụ thể, trong 10 năm thực hiện Kết luận số 61, ban chỉ đạo đã phối hợp với các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân. Đến nay tổng nguồn quỹ trên 35 tỉ đồng và hỗ trợ xây dựng trên 500 dự án, phát vay cho trên 2.000 lượt hộ hội viên và nông dân, tạo việc làm ổn định cho trên 3.800 lao động. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nông dân được tham gia các chương trình, dự án, phát triển sản xuất. Điển hình là nông dân được chuyển giao khoa học kỹ thuật và thực hiện thành công mô hình trồng dưa dưới chân ruộng, nuôi artemia, trồng nông sản nghịch mùa, trồng rau sạch, nuôi lươn trong bể lót bạt không bùn, nuôi cá chim vây vàng trong ao… Hỗ trợ khoa học, công nghệ, giúp hội viên, nông dân tăng gia sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Trong thực hiện Kết luận số 61 được gắn với xây dựng nông thôn mới với những nội dung phù hợp. Đến nay, có 1.100 mô hình đi vào hoạt động với cách làm hiệu quả về thu gom, phân loại, vận chuyển rác thải nhựa tại nông hộ; thu gom rác thải và bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng; nói không với túi nilông; sử dụng chế phẩm sinh học xử lý phụ phẩm nông nghiệp…

Hàng năm, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức rà soát nhu cầu học nghề của người lao động, tổng hợp xây dựng kế hoạch dạy nghề cho nông dân. Qua 10 năm, đã đào tạo nghề cho trên 190.000 lượt người, trong đó, đào tạo nghề cho lao động nông thôn gần 58.900 lượt người; tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 160.000 lượt lao động; đưa 2.890 lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động tại các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia... Qua đó, làm thay đổi tư duy của nông dân đối với hoạt động sản xuất và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lại lao động nông thôn.

Hội nông dân hướng dẫn thực hiện thành công mô hình trồng dưa dưới chân ruộng, mang lại thu nhập ổn định cho nhiều nông dân. Ảnh: Phước Liêu

Hội nông dân hướng dẫn thực hiện thành công mô hình trồng dưa dưới chân ruộng, mang lại thu nhập ổn định cho nhiều nông dân. Ảnh: Phước Liêu

Hội Nông dân tỉnh còn phát động thực hiện phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Bình quân mỗi năm có trên 130.000 lượt hộ nông dân đăng ký và cuối năm có hơn 86.000 lượt hộ được công nhận, trong đó, đạt danh hiệu cấp tỉnh từ 1.800 đến 2.000 lượt hộ/năm. Nhiều hộ nông dân có thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng từ vài trăm triệu đồng lên đến vài tỉ đồng mỗi năm.

Củng cố, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy hội nông dân các cấp cũng là vấn đề được quan tâm. Tính đến thời điểm cuối năm 2019, toàn tỉnh có trên 141.200 hội viên, chiếm 65,1% hộ nông dân (trong đó, có gần 5.800 hội viên là đảng viên, chiếm 4,09%); có 108/109 xã, phường, thị trấn có tổ chức hội và 748 chi hội với 510 chi hội trưởng là đảng viên. Thường xuyên rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ bảo đảm tinh gọn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Các chế độ, chính sách đối với cán bộ chuyên trách và không chuyên trách được thực hiện đúng theo quy định.

Đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo đánh giá, qua 10 năm thực hiện Kết luận số 61 của Ban Bí thư, tuy vẫn còn những hạn chế nhất định, nhưng tín hiệu tích cực mang lại đã khẳng định vị thế của tổ chức hội nông dân và vai trò của nông dân, đặc biệt là đối với một tỉnh nông nghiệp như Sóc Trăng. Trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ban chỉ đạo sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp để cấp ủy, chính quyền coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thật sự tạo điều kiện tốt nhất để các cấp hội nông dân phát huy vai trò trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. Vận động hội viên và nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình phù hợp với điều kiện của từng địa phương và thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Phước Liêu

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/doan-the/tiep-tuc-nang-cao-vai-tro-cac-cap-hoi-nong-dan-trong-thoi-ky-moi-36659.html