Tiếp tục nhân rộng mô hình phân loại rác thải tại nguồn
Những năm gần đây, nhiều mô hình phân loại rác tại nguồn, tái chế, tái sử dụng đạt hiệu quả cao, được nhân rộng trong cộng đồng dân cư.
Thay đổi hành vi, thói quen của người dân
Theo Sở TN&MT, đơn vị đã kết nối và đồng hành cùng Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam) triển khai Dự án quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam tại Phú Yên đến năm 2025, trong đó tập trung phấn đấu đưa TP Tuy Hòa đạt top 10 đô thị giảm nhựa trên cả nước.
Sở TN&MT còn phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh (GreenHub) triển khai các hoạt động phân loại rác, giảm đồ nhựa dùng một lần như các dự án hỗ trợ phụ nữ thu gom rác phi chính thức; thúc đẩy nỗ lực giảm thiểu rác nhựa đại dương; Phú Yên thực hành không rác; chương trình trường học không rác thải…
Qua các dự án trên, nhiều mô hình phân loại, giảm thiểu chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn đã dần thay đổi hành vi, thói quen của người dân, tiến tới phân loại rác thải tại nguồn đạt hiệu quả cao hơn.
Bà Tô Thị Mỹ Thúy, Chủ tịch Hội LHPN phường 7 (TP Tuy Hòa) cho biết: Phân loại rác tại phường 7 là mô hình thí điểm của thành phố được triển khai từ năm 2022. Mô hình này thực hiện phân loại rác, thu gom riêng rác hữu cơ tại chợ Phường 7 và 150 hộ dân ở khu phố Trường Chinh (phường 7) để đưa đến bãi rác Thọ Vức ủ thành phân bón hữu cơ.
Bình quân mỗi ngày lượng rác thải hữu cơ được thu gom tại phường 7 khoảng 200-220kg. Từ khi triển khai mô hình đến nay, ý thức bảo vệ môi trường của người dân ngày một nâng cao, môi trường ở các khu dân cư ngày càng xanh - sạch - đẹp.
Thông qua sự hỗ trợ của các tổ chức môi trường, đến nay, nhiều mô hình phân loại, giảm thiểu rác thải ở Phú Yên được triển khai và nhân rộng. Từ năm 2019, Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh là trường học đầu tiên trên địa bàn tỉnh triển khai thành công mô hình phân loại, giảm thiểu rác thải tại nguồn và hoạt động hiệu quả đến nay.
Trên cơ sở mô hình điểm này, Sở TN&MT phối hợp với Sở GD&ĐT cùng với sự hỗ trợ của WWF - Việt Nam và GreenHub, đến nay đã nhân rộng mô hình phân loại, giảm thiểu rác thải tại nguồn đến 12 trường học trên địa bàn tỉnh.
Ông Huỳnh Huy Việt, Trưởng phòng Tổng hợp - Đánh giá tác động môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT) cho biết: Mô hình thu gom, phân loại riêng vỏ trái cây (cam, bưởi, khóm…) để ủ thành nước tẩy rửa sinh học được nhân rộng ở các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Nhiều sản phẩm nước tẩy rửa sinh học đã xuất hiện trên thị trường trong và ngoài tỉnh như sản phẩm nước rửa chén, nước lau sàn, lau kính… của các xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa), Hòa Đồng (huyện Tây Hòa), Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân), HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din (huyện Phú Hòa), chùa Bảo Lâm (TP Tuy Hòa)…
Trong đó, sản phẩm nước rửa chén xã Bình Ngọc và 2 sản phẩm nước rửa chén, nước lau sàn sinh học của HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din được tỉnh chứng nhận sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Đến nay, 3 CLB tái chế chất thải hữu cơ thực vật thành nước tẩy rửa sinh học tại các xã Bình Ngọc, Hòa Đồng và Xuân Quang 2 do hội phụ nữ xã quản lý đã đi vào hoạt động.
Nâng cao ý thức phân loại rác
Hiện nay, lượng CTRSH phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 706 tấn/ngày, khối lượng được thu gom khoảng 550 tấn/ngày (đạt tỉ lệ 78%). Thời gian qua, công tác quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh chủ yếu tăng cường hoạt động thu gom và xử lý, chưa chú trọng đến phân loại, tái chế, tái sử dụng.
Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, việc triển khai thực hiện phân loại CTRSH tại các địa phương chậm nhất là ngày 31/12/2024. Tuy nhiên, hạ tầng thu gom CTRSH hiện nay ở Phú Yên chưa đáp ứng thực tế, rác được xử lý bằng phương pháp đốt và chôn lấp, chưa có nhà máy xử lý rác nên việc triển khai phân loại rác trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Quốc Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa cho biết: Hiện nay, thành phố đang xây dựng Dự án nhà máy xử lý rác do Công ty CP Tập đoàn công nghệ T-Tech Việt Nam đầu tư, với quy mô diện tích khoảng 10ha, công suất 240 tấn/ngày, công nghệ sử dụng lò đốt. Mục tiêu của dự án còn tận dụng các nguồn nguyên liệu sẵn có từ rác để tái chế và sản xuất các sản phẩm như phân bón hữu cơ, sản phẩm hạt nhựa tái chế, gạch không nung…
Dự kiến nhà máy này sẽ hoàn thành, đưa vào hoạt động vào cuối năm 2024. UBND TP Tuy Hòa đã chỉ đạo xây dựng phương án, tăng cường tuyên truyền để người dân phân loại rác thải tại nguồn.
Theo ông Nguyễn Thái Hòa, Phó Giám đốc phụ trách Sở TN&MT, tỉnh đang tập trung hoàn thiện và ban hành phương án phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn TP Tuy Hòa để làm cơ sở nhân rộng trên toàn tỉnh. Phú Yên cũng đang triển khai mô hình vận động ngư dân mang rác vào bờ, với quy mô khoảng 700 tàu thuyền đang hoạt động tại 4 cảng cá lớn trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, các địa phương còn tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, nhất là thói quen phân loại, giảm thiểu rác thải tại nguồn trên cơ sở biến rác thành sản phẩm hữu ích.
“Phú Yên tiếp tục kêu gọi, thu hút nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức môi trường nhằm triển khai hiệu quả hoạt động phân loại, giảm thiểu rác thải, giảm thiểu sử dụng đồ nhựa khó phân hủy dùng một lần”, ông Nguyễn Thái Hòa nói.
UBND tỉnh đang đôn đốc việc triển khai Dự án nhà máy xử lý rác tại TP Tuy Hòa sớm đi vào hoạt động. Dự án này sẽ góp phần giảm tỉ lệ rác thải chôn lấp, đẩy mạnh thực hiện phân loại rác theo Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Phó Giám đốc phụ trách Sở TN&MT Nguyễn Thái Hòa