Tiếp tục phát huy bản chất, truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn
Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đang còn hoạt động ở nước ngoài, mang tên Nguyễn Ái Quốc đã sớm gia nhập tổ chức Công đoàn Kim khí Quận 17 Paris - Pháp năm 1919; là người đã đặt nền móng, xây dựng cơ sở lí luận và tổ chức cho sự ra đời của tổ chức Công hội cách mạng ở Việt Nam ngay từ những năm đầu của thế kỉ XX. Trong tác phẩm 'Đường kách mệnh' viết năm 1927, nhấn mạnh về tính chất và nhiệm vụ của Công hội Đỏ, Người viết: 'Tổ chức Công hội trước là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình, hai là để nghiên cứu với nhau, ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ, bốn là giữ gìn quyền lợi cho công nhân, năm là để giúp cho quốc gia, giúp cho thế giới'.
NGUYỄN ĐĂNG QUANG
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị
Như một tất yếu của lịch sử, các tổ chức Công hội sơ khai ở trong nước ra đời, đặc biệt là tổ chức Công hội Đỏ do người công nhân ưu tú Tôn Đức Thắng sáng lập năm 1921 đã đáp ứng yêu cầu cấp thiết phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam, tạo một bước ngoặt to lớn trong lịch sử phong trào đấu tranh của công nhân, đó là chuyển sự đấu tranh từ tự phát sang đấu tranh tự giác. Bằng con đường “vô sản hóa”, nhiều tổ chức Công hội Đỏ được thành lập ở các xí nghiệp và phát triển, dần dần được thống nhất thành Tổng Công Hội Đỏ cấp tỉnh, thành phố.
Để đáp ứng yêu cầu cấp thiết của công tác vận động công nhân và tăng cường sức mạnh cho tổ chức Công hội đỏ, ngày 28/7/1929, Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng quyết định triệu tập đại hội thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ - tiền thân của Công đoàn Việt Nam. Sự kiện thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ là một mốc son chói lọi trong lịch sử phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam, đánh dấu bước ngoặt quan trọng đối với quá trình đấu tranh, phát triển của phong trào công nhân Việt Nam, là hạt nhân vận động, tập hợp giai cấp công nhân đi dưới ngọn cờ cách mạng vinh quang của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trải qua 90 năm hình thành và phát triển, được Đảng và Bác Hồ lãnh đạo, rèn luyện, Công đoàn Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành và có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Phát huy truyền thống 90 năm qua của Công đoàn Việt Nam, từ ngày thành lập đến nay, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và sự chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong từng thời kì lịch sử, tổ chức Công đoàn Quảng Trị đã hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình, không ngừng phát triển và trưởng thành, giữ vững, phát huy truyền thống của quê hương Quảng Trị anh hùng, luôn xứng đáng là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Đặc biệt trong công cuộc tái thiết quê hương, tổ chức Công đoàn và công nhân, viên chức, lao động (CN, VC, LĐ) Quảng Trị đã thể hiện rõ vai trò tiên phong trong công cuộc khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, giữ vững an ninh trật tự, ra sức xây dựng quê hương giàu mạnh. Trong bộn bề khó khăn của những ngày đầu lập lại tỉnh, đội ngũ CN, VC, LĐ Quảng Trị đã đồng cam cộng khổ, đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động, đồng lòng, đồng sức, xây dựng Quảng Trị ngày một phát triển.
Diễn văn lễ kỉ niệm 30 năm lập lại tỉnh Quảng Trị đã khẳng định: “Chúng ta từng bước xây dựng và hình thành một Quảng Trị đang đổi mới và phát triển; định vị ngày càng rõ hơn hình hài, cốt cách và tầm vóc của mảnh đất và con người Quảng Trị trên bản đồ đất Việt... Ấn tượng về những thành tựu đó không chỉ thuần túy nhìn vào những con số, chỉ số mà còn là những giá trị không thể lượng hóa về quyết tâm chính trị, về khát vọng vươn lên, về sự đoàn kết chung sức, chung lòng, thống nhất ý chí và hành động của cấp ủy, chính quyền các cấp, về sự cần cù, sáng tạo của người dân trong lao động sản xuất, vượt qua đói nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và xã hội”. Trong thành tựu chung đó phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của tổ chức Công đoàn các cấp trong tỉnh.
Với vai trò chủ thể, đại diện cho CN,VC, LĐ trong tỉnh, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, trong những năm qua, các cấp Công đoàn trong tỉnh luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh và nghị quyết công đoàn các cấp, tập trung đổi mới nội dung hoạt động theo phương châm hướng về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu; lấy đoàn viên và người lao động làm đối tượng vận động; lấy việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội làm mục tiêu hoạt động. Với nhiều hoạt động thiết thực, các cấp Công đoàn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, kịp thời tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đông đảo CN, VC, LĐ, góp phần xây dựng đội ngũ CN, VC, LĐ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng. Các phong trào thi đua yêu nước trong CN, VC, LĐ như: “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi”... đã khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng trí tuệ, tinh thần sáng tạo trong lao động, sản xuất của CN, VC, LĐ. Công tác chăm lo đời sống, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động được tổ chức Công đoàn quan tâm thực hiện với nhiều nội dung, cách làm cụ thể, thiết thực như: Hỗ trợ CN, VC, LĐ có hoàn cảnh khó khăn xây nhà “Mái ấm Công đoàn”, chương trình “Tết sum vầy”, “Tháng Công nhân”, chương trình phúc lợi đoàn viên... Từ thực tiễn các phong trào thi đua yêu nước, CN, VC, LĐ đã được rèn luyện, trưởng thành; xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, tạo động lực mới, khơi dậy tiềm năng, trí tuệ của cán bộ, CN, VC, LĐ, góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Các cấp Công đoàn chủ động tham gia các hoạt động giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, BHXH, an toàn vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, giám sát đã hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đúng theo quy định pháp luật; yêu cầu các doanh nghiệp khắc phục vi phạm trong thực hiện chính sách liên quan đến người lao động.
Công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS), xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh được cụ thể hóa theo từng giai đoạn, số lượng và chất lượng ngày càng được nâng lên. Từ những ngày đầu chỉ có 2.000 đoàn viên sinh hoạt trong 18 công đoàn cơ sở và 38 hội trực thuộc (tháng 8/1946), đến nay đã có 9 LĐLĐ huyện, thị xã, thành phố, 5 công đoàn ngành, 1.052 CĐCS, trong đó có 790 CĐCS khu vực hành chính sự nghiệp, 262 CĐCS khu vực doanh nghiệp, tập hợp trên 39.700 đoàn viên trong tổng số gần 60.000 lao động trong các thành phần kinh tế.
Những kết quả đạt được của các cấp Công đoàn trong tỉnh góp phần làm cho công nhân, viên chức, lao động, đoàn viên công đoàn ngày càng tin tưởng, gắn bó hơn và coi tổ chức công đoàn là chỗ dựa vững chắc, là mái ấm của đoàn viên và người lao động, từ đó nỗ lực thi đua lao động, sản xuất, sáng tạo, góp phần quan trọng cùng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội đề ra.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình hình thành và phát triển, hoạt động của các cấp Công đoàn và phong trào công nhân, viên chức, lao động trong toàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, cần phải tập trung khắc phục. Sự phát triển của lực lượng CN, VC, LĐ chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Trình độ, học vấn, kĩ năng nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề của một bộ phận CN, VC, LĐ còn thấp. Đội ngũ chuyên gia kĩ thuật, cán bộ quản lí giỏi, công nhân có trình độ tay nghề cao còn thiếu. Nhận thức chính trị, ý thức tổ chức kỉ luật, tác phong công nghiệp và hiểu biết về pháp luật của một bộ phận CN, VC, LĐ còn hạn chế. Việc làm và đời sống vật chất, tinh thần của CN, VC, LĐ còn gặp không ít khó khăn. Tỉ lệ đoàn viên so với tổng số lao động, tỉ lệ công đoàn cơ sở so với số doanh nghiệp đủ điều kiện thành lập công đoàn cơ sở còn thấp. Vai trò tham gia quản lí cũng như đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động ở một số CĐCS còn mờ nhạt...
Thời gian tới, trong bối cảnh đất nước ta đang hội nhập quốc tế sâu rộng, việc thực hiện các cam kết về lao động, công đoàn khi Việt Nam kí kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các hiệp định thương mại khác; sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động mạnh mẽ đến tình hình kinh tế, chính trị, an ninh thế giới, tạo ra nhiều thuận lợi, thời cơ nhưng cũng đan xen không ít khó khăn, thách thức; ở trong nước, các thế lực thù địch có thể lợi dụng, lôi kéo, kích động người lao động đình công, gây mất trật tự, an toàn xã hội... Đối với tỉnh Quảng Trị, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn khó khăn; các doanh nghiệp chủ yếu vừa và nhỏ, sử dụng ít lao động, hiệu quả kinh doanh hạn chế, khả năng cạnh tranh thấp; đặc biệt, Khu kinh tế Đông Nam của tỉnh hình thành cũng như các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư, số lượng doanh nghiệp và CN, VC, LĐ sẽ tăng nhanh, gắn với xu thế người lao động trong các doanh nghiệp được quyền chọn người đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng. Tình hình đó đặt ra cho giai cấp công nhân, người lao động nói chung, tổ chức Công đoàn trong tỉnh nói riêng những yêu cầu mới cao hơn.
Do đó, để thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình trong bối cảnh mới, để tiếp tục phát huy bản chất, truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn, trong thời gian tới, các cấp Công đoàn trong tỉnh cần tăng cường tuyên truyền, tổ chức học tập, quán triệt các các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; trong đó, tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 20-NQ/ TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X và Nghị quyết số 11-NQ/TU của Tỉnh ủy về: “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân, đội ngũ công chức, viên chức và tổ chức Công đoàn Quảng Trị thời kì đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước” nhằm xây dựng đội ngũ công nhân và tổ chức công đoàn ngày càng lớn mạnh. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 52 - CT/TW, ngày 9/1/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất”.
Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để phát huy một cách có hiệu quả vai trò của Công đoàn trong quan hệ lao động; đổi mới cơ chế hoạt động xã hội của Công đoàn theo hướng góp phần đảm bảo quyền an sinh xã hội. Công đoàn phải thực sự đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn, người lao động và xác định đây là điểm then chốt để đông đảo người lao động tự nguyện tham gia công đoàn, để đoàn viên và người lao động luôn ủng hộ, gắn bó và tin tưởng vào tổ chức Công đoàn. Công đoàn phải thực sự là trung tâm đoàn kết, giáo dục công nhân, viên chức, lao động; nắm bắt tình hình và các nguyện vọng chính đáng của CNLĐ để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền những chính sách, biện pháp cụ thể, kịp thời. Tham gia đối thoại, hợp tác với người sử dụng lao động xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị. Đổi mới căn bản hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động theo hướng phát triển các chương trình xuyên suốt toàn hệ thống như một chính sách an sinh xã hội của công đoàn, phục vụ trực tiếp và đúng đối tượng, thực hiện đồng bộ giữa trách nhiệm và thụ hưởng, gắn kết chặt chẽ hơn giữa đoàn viên và tổ chức công đoàn, lấy lợi ích là một trong những điểm quan trọng tập hợp, thu hút người lao động đến với tổ chức công đoàn.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua gắn với thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cần có giải pháp hỗ trợ, cổ vũ và chủ động đề xuất với cấp ủy, chính quyền có cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho mọi hoạt động sáng tạo, sáng kiến của công nhân, lao động. Làm tốt công tác thi đua, khen thưởng, biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân điển hình trong các phong trào thi đua yêu nước.
Công đoàn cần tiếp tục đổi mới mô hình tổ chức theo tinh thần Nghị quyết số 18- NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, theo hướng rõ nhiệm vụ, rõ quyền hạn, bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Chú trọng công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS gắn liền với việc nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức công đoàn.
Để xây dựng đội ngũ CN, VC, LĐ tỉnh Quảng Trị vững mạnh trong giai đoạn cách mạng mới, các cấp công đoàn chú trọng bồi dưỡng đội ngũ công nhân, nhất là công nhân trẻ có học vấn, kĩ năng nghề nghiệp cao, có lập trường giai cấp, bản lĩnh chính trị vững vàng, tác phong công nghiệp, kỉ luật lao động, có ý chí vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh, xứng đáng là giai cấp tiên phong thực hiện đường lối đổi mới. Tăng cường tuyên truyền, vận động đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động tích cực tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; thể hiện được vai trò là cầu nối giữa Đảng, chính quyền và công nhân, viên chức, lao động. Tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội; xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, góp phần nâng cao năng lực quản lí, điều hành của các cấp chính quyền, đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, phiền hà, sách nhiễu nhân dân. Coi trọng công tác bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp, chú trọng phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp, nhất là ở những doanh nghiệp ngoài nhà nước chưa có đảng viên, tổ chức đảng.
Kỉ niệm 90 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam là dịp để mỗi chúng ta ôn lại chặng đường đã qua, tri ân sự đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ, đoàn viên, người lao động đã hi sinh, cống hiến, đóng góp vì quê hương, đất nước và tổ chức Công đoàn; đồng thời, khích lệ động viên cán bộ, đoàn viên, người lao động phấn đấu, tiếp bước xứng đáng với các thế hệ đi trước. Tin tưởng rằng, kế thừa thành quả đã đạt được trong chặng đường qua và phát huy truyền thống giai cấp công nhân Việt Nam trên quê hương Quảng Trị anh hùng, trong chặng đường mới, với khí thế mới, CN, VC, LĐ và tổ chức Công đoàn Quảng Trị sẽ tiếp tục nêu cao ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, đoàn kết, tiếp tục phát huy tính tiên phong, gương mẫu của giai cấp công nhân, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, xứng đáng với truyền thống vẻ vang 90 năm của Công đoàn Việt Nam, góp phần cùng với Đảng bộ, chính quyền thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, đưa Quảng Trị ngày càng đi lên.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=141070