Tiếp tục phát huy hiệu quả tín dụng chính sách theo Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư

Ngày 16/8 tới, Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia 'Tín dụng chính sách xã hội với vấn đề thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội'.

Nguồn vốn ưu đãi do NHCSXH triển khai trong những năm qua đã hỗ trợ gần 6,3 triệu hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo

Nguồn vốn ưu đãi do NHCSXH triển khai trong những năm qua đã hỗ trợ gần 6,3 triệu hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo

Hội thảo nhằm đúc rút, khái quát những luận điểm cốt lõi, cần thiết, phục vụ việc tổng kết, đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40.

Chủ trương đúng đắn, xuyên suốt về giảm nghèo bền vững

Thực hiện chủ trương của Đảng về bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, thời gian qua, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp, đồng thời huy động được toàn xã hội tham gia, góp phần giảm đáng kể số hộ nghèo, tăng số hộ khá, cải thiện từng bước đời sống cho người nghèo nói riêng, nhân dân cả nước nói chung.

Một trong những giải pháp quan trọng là việc Chính phủ thiết lập kênh tín dụng dành riêng cho người nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương, cụ thể hóa quy định của Luật các Tổ chức tín dụng về phát triển các ngân hàng chính sách hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Ngày 4/10/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg về việc thành lập NHCSXH trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng Phục vụ người nghèo.

Tiếp đó, ngày 22/11/2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) nhằm khẳng định quan điểm nhất quán trong định hướng, nhận thức về vai trò của TDCSXH trong giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40, ngày 10/6/2021 Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Kết luận số 06-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40. Đây là những dấu mốc quan trọng trong thực hiện TDCSXH 20 năm qua, đồng thời tạo chuyển biến mới trong hoạt động này với sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Về phía NHCSXH, hiện nay, NHCSXH đã thiết lập được mô hình quản trị, điều hành, tác nghiệp gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Đồng thời, xây dựng tổ chức thực hiện thành công phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách thông qua hoạt động ủy thác với Hội LHPN, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

NHCSXH cũng đã phối hợp với chính quyền cấp xã, tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng, quản lý 168.464 Tổ TKVV đến từng thôn, ấp, bản, làng, tổ dân phố, là "cánh tay nối dài", cầu nối giữa ngân hàng với người vay vốn.

Đây là sản phẩm sáng tạo, có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện thành công chính sách tín dụng đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác. Hoạt động giao dịch tại 10.438 điểm giao dịch xã trên địa bàn cả nước được tổ chức nền nếp, hiệu quả với phương thức "giao dịch tại nhà; thu nợ, giải ngân tại xã" là hoạt động đặc trưng, riêng có của NHCSXH.

Với việc triển khai đến 100% thôn, xóm, bản, làng, tổ dân phố trên toàn quốc, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần không nhỏ trong ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, tạo sức mạnh đẩy lùi nạn tín dụng đen, tạo được lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Mô hình tổ chức, phương thức quản lý của NHCSXH là phù hợp với cấu trúc hệ thống chính trị và thực tiễn Việt Nam; là chính sách xây dựng được mối liên kết tốt giữa Nhà nước, thông qua NHCSXH, với các tổ chức đoàn thể và người nghèo, phát huy được tính chủ động, nâng cao trách nhiệm của người nghèo với chính quyền cơ sở thông qua việc giữ mối liên hệ, hướng dẫn cách làm ăn, đôn đốc giải ngân, thu nợ của ngân hàng.

Đến 31/7/2023, tổng nguồn vốn TDCSXH đạt gần 325.000 tỷ đồng, tăng hơn 190.000 tỷ đồng (gấp 2,4 lần) so với khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10,4%.

Bên cạnh đó, kể từ khi có Chỉ thị 40-CT/TW, 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã cân đối, ủy thác vốn ngân sách địa phương sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay và số vốn này đến nay đạt gần 35.000 tỷ đồng.

Hàng triệu hộ thoát nghèo bền vững

Đến 31/7/2023, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt hơn 305.000 tỷ đồng, với hơn 6,6 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ.

Trong tổng dư nợ, dư nợ cho vay các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gần 109.000 tỷ đồng, chiếm 35,7%/tổng dư nợ, với hơn 2,2 triệu khách hàng còn dư nợ. Dư nợ cho vay tại huyện nghèo gần 30.000 tỷ đồng, với gần 540.000 khách hàng còn dư nợ; dư nợ khách hàng là đồng bào dân tộc thiểu số hơn 75.000 tỷ đồng, với trên 1,4 triệu khách hàng còn dư nợ.

Nguồn vốn ưu đãi do NHCSXH triển khai trong những năm qua đã hỗ trợ gần 6,3 triệu hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho hơn 5,9 triệu lao động (trong đó hơn 141.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); hỗ trợ hơn 3,8 triệu học sinh sinh viên được vay vốn đi học, giúp mua hơn 84.000 máy tính, thiết bị học trực tuyến cho HSSV; xây dựng hơn 16,8 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng gần 729.000 căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác; hỗ trợ vốn mua/thuê mua hơn 29.700 căn nhà ở xã hội; hỗ trợ gần 2.000 doanh nghiệp, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 vay vốn phục hồi sản xuất và trả lương cho hơn 1,2 triệu lượt người lao động…

TDCSXH đã góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo trên cả nước. Cụ thể, giai đoạn 2001 - 2005, số hộ nghèo từ 17% giảm xuống còn 7%; giai đoạn 2005 - 2010 từ 22% xuống 9,45%; giai đoạn 2011 - 2015 từ 14,2% xuống 4,25%; giai đoạn 2016 -2021 từ 9,88% xuống 2,23%.

Tín dụng chính sách góp phần thực hiện 9/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (nhà ở dân cư; về thu nhập; tỉ lệ hộ nghèo; lao động có việc làm, tổ chức sản xuất; giáo dục và đào tạo; môi trường và an toàn thực phẩm; xây dựng hệ thống chính trị; quốc phòng và an ninh)...

Để tiếp tục phát huy hiệu quả TDCSXH, trong thời gian tới, NHCSXH tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương, MTTQ Việt Nam trong việc thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận 06-KL/TW.

Đồng thời, NHCSXH tiếp tục duy trì và thực hiện hiệu quả mô hình tổ chức, phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách đặc thù, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

theo NHCSXH

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/tiep-tuc-phat-huy-hieu-qua-tin-dung-chinh-sach-theo-chi-thi-so-40-cua-ban-bi-thu-102230814092201215.htm