Tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của MTTQ Việt Nam
Trải qua 90 năm với 9 lần đại hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, MTTQ Việt Nam ngày càng trưởng thành và lớn mạnh. Mặt trận các cấp không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực sự là tổ chức liên minh chính trị, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, là một bộ phận của hệ thống chính trị nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh vận động xây dựng nhà ở cho người nghèo. Ảnh: M.LINH
Đồng chí Dương Sà Kha - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh khẳng định: Đại đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta, được hun đúc trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước; là một trong những bài học lớn của cách mạng nước ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để tăng cường và phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vì mục tiêu của sự nghiệp cách mạng, Đảng và Bác Hồ đã sáng lập và lãnh đạo tổ chức Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam.
Cách đây 90 năm, ngay sau khi Đảng ra đời chưa tròn một năm, ngày 18-11-1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ban hành chỉ thị về việc thành lập Hội Phản đế Đồng Minh - hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, đánh dấu sự phát triển về chất của phong trào yêu nước, của khối đại đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Trải qua các thời kỳ cách mạng, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam đã có những hình thức tổ chức, tên gọi khác nhau và dưới tên gọi gì thì MTTQ luôn làm tròn sứ mệnh vẻ vang của mình, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng, của dân tộc. Lịch sử 90 năm xây dựng và trưởng thành đã khẳng định vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam trong hệ thống chính trị và trong lòng của nhân dân cả nước. Nhất là sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và sau khi Hiến pháp năm 1992 ban hành và sửa đổi, bổ sung năm 2013, Đảng và Nhà nước tiếp tục đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát huy hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân. Vai trò giám sát và phản biện của Mặt trận, của nhân dân đối với hoạt động của các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ngày càng được khẳng định.
Cùng với sự phát triển của phong trào, sự lớn mạnh không ngừng của hệ thống MTTQ cả nước, sau hơn 28 năm tái lập tỉnh Sóc Trăng, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã tăng cường củng cố, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đa dạng hóa các hình thức đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân, phát huy sức mạnh 3 dân tộc anh em Kinh - Khmer - Hoa, phát triển thêm nhiều tổ chức thành viên và cá nhân tiêu biểu trong Mặt trận. MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đã thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, chính quyền và nhân dân; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, động viên nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền các cấp vững mạnh; tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, phát huy mọi nguồn lực, góp phần cùng với tỉnh Sóc Trăng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Trong giai đoạn 2014 đến năm 2020, MTTQ và các tổ chức thành viên đã vận động nhân dân hiến 517.925m2 đất, đóng góp trên 337 tỉ đồng và trên 294.509 ngày công lao động phục vụ cho xây dựng nông thôn mới; vận động “Quỹ vì người nghèo” các cấp được gần 124 tỉ đồng; xây dựng mới và sửa chữa 2.352 căn nhà đại đoàn kết, hỗ trợ khám, chữa bệnh, tặng quà cho hộ nghèo, học bổng cho học sinh nghèo, trợ giúp sản xuất, thăm hỏi tặng quà cho người nghèo với tổng trị giá trên 118 tỉ đồng; phối hợp với các tổ chức thành viên thực hiện các chương trình an sinh xã hội trên 850 tỉ đồng; hàng năm có trên 85% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa (đến năm 2019 là 93,24%) và có trên 80% khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa (đến năm 2019 là 88,25%). Đến nay, có 50/80 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 62,5% tổng số xã, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 1 thị xã hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Với thành tích đạt được, các hoạt động, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận phát động đã khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, động viên nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh ở địa phương. Phát huy những thành tích đạt được, thời gian tới, MTTQ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động trên cơ sở bám sát các quy định về quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam; đa dạng các hình thức tuyên truyền, vận động, tập hợp để xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; phát huy dân chủ, đẩy mạnh giám sát và phản biện xã hội, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; tăng cường đồng thuận, thúc đẩy sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, góp phần xây dựng tỉnh Sóc Trăng phát triển bền vững.