Tiếp tục phát triển cây chè, cây bưởi theo hướng nâng cao chất lượng, đạt hiệu quả kinh tế cao

PTĐT - Chiều 20-9, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị nghe báo cáo kế hoạch thực hiện Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐND ngày 16/7/2019 về chính sách hỗ trợ...

PTĐT - Chiều 20-9, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị nghe báo cáo kế hoạch thực hiện Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐND ngày 16/7/2019 về chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn của HĐND tỉnh; kết quả triển khai, phát triển cây chè, cây bưởi trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Nguyễn Thanh Hải - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, đến hết tháng 8/2019, tổng diện tích bưởi của toàn tỉnh đạt 4.207ha, trong đó có 1.430ha bưởi đặc sản Đoan Hùng, 2.741 ha bưởi Diễn, còn lại là các loại bưởi khác. Tổng sản lượng bưởi ước đạt 31.740 tấn. Hiện nay đã hình thành 151 vùng sản xuất bưởi tập trung, trong đó có 23 vùng trồng bưởi đặc sản tập trung ở huyện Đoan Hùng và 128 vùng khác tại các huyện, thành, thị. Xây dựng được 33 trang trại; 5 HTX, 1 tổ hợp tác trồng cây ăn quả có múi.

Đối với cây chè, tổng diện tích chè toàn tỉnh hiện có 16 nghìn ha, trong đó có gần 15,7 nghìn ha đã cho thu hoạch. Năng suất chè năm 2018 đạt gần 11,7 tấn/ha; tổng sản lượng chè búp tươi đạt 183 nghìn tấn. Tổng diện tích chè sản xuất theo quy trình an toàn là gần 3.382 ha, diện tích áp dụng IPM là 5.600ha.Trong những năm qua, diện tích trồng mới bưởi, chè giống mới tăng nhanh; hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn theo hướng hàng hóa. Nhiều vùng sản xuất đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng, chăm sóc góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, thu nhập cho người dân. Đối với bưởi Đoan Hùng đã áp dụng truy xuất nguồn gốc bằng tem nhãn điện tử. Đối với cây chè, các cơ sở chế biến đã chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu, ký kết hợp đồng xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục duy trì diện tích chè hiện có; thay thế các giống chè cũ kém hiệu quả bằng các giống chè mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao; phấn đấu đến hết năm 2020 mở rộng diện tích bưởi các loại lên gần 5.200ha. Đối với 2 loại cây trồng chủ lực này sẽ tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, chú trọng đến quy trình an toàn thực phẩm, sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học để bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp hiện đại…

Ngoài ra, các chương trình nông nghiệp theo NQ 05 cũng đang được các sở, ngành, địa phương nghiên cứu để triển khai phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hải khẳng định: Cây chè, cây bưởi đã góp phần không nhỏ trong việc giảm nghèo cho các địa phương. Tuy nhiên, các huyện, thành, thị cần xác định, quy hoạch lại để trồng thành vùng sản xuất tập trung; có kế hoach xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực sơ chế, bảo quản, chế biến, hỗ trợ sản xuất; ngành nông nghiệp cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước về giống, phân bón, thuốc BVTV; nghiên cứu phương thức tổ chức sản xuất phù hợp để nâng cao hiệu quả; các huyện cần xác định các loại cây trồng chính, xây dựng quy hoạch hợp lý. Các sở, ngành, địa phương cần phối hợp để khuyến khích người dân sản xuất theo quy trình an toàn thực phẩm; nâng cao chất lượng sản phẩm; liên kết xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ giúp người trồng bưởi, trồng chè tăng thu nhập, yên tâm sản xuất…

QUÂN LÂM

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/201909/tiep-tuc-phat-trien-cay-che-cay-buoi-theo-huong-nang-cao-chat-luong-dat-hieu-qua-kinh-te-cao-166847