Tiếp tục phát triển kinh tế, chi viện cho chiến trường
Sau ngày Hiệp định Pari được ký kết và có hiệu lực (27/1/1973), quân và dân Thái Nguyên tập trung khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.
Tại Khu Gang thép Thái Nguyên, tuy toàn bộ các công trình đều bị cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân lần thứ 2 của đế quốc Mỹ tàn phá nặng nề, máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật liệu thiếu nghiêm trọng, nhưng sau 8 tháng lao động miệt mài, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật, Lò cao số 1 đã được khôi phục xong, đưa vào sản xuất và ngày 8/9/1973, mẻ gang đầu tiên (kể từ ngày ký kết Hiệp định Pari) được ra lò.
Ngày 11/11/1973, Lò cao số 2 cũng được khôi phục và đưa vào sản xuất. Năm 1974, các công trình Lò cốc, Xưởng vật liệu chịu lửa, Mỏ sắt Trại Cau… cũng được sửa chữa, khôi phục và trở lại sản xuất.
Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng (công suất thiết kế 5 vạn tấn thép/năm) tiếp tục được xây dựng với tiến độ nhanh và ngày 1/5/1975 cho ra lò mẻ thép đầu tiên.
Các nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ, điện Thái Nguyên cũng được khôi phục và đưa vào sản xuất. Hai năm (1973, 1974), các ngành công nghiệp và thủ công nghiệp Thái Nguyên tích cực ổn định tổ chức, quản lý, đẩy mạnh sản xuất, giá trị tổng sản lượng đều đạt và vượt chỉ tiêu, kế hoạch được giao (Công ty Gang thép Thái Nguyên vượt 7,8%, công nghiệp khai thác than vượt 4,76%) .
Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, năm 1973, các hợp tác xã đã mạnh dạn đưa giống lúa mới, có năng suất cao vào sản xuất trên 67% diện tích gieo cấy, lượng phân bón tăng 46% so với năm 1972, công tác thủy lợi được coi trọng, nên năng suất trung bình đạt 3.709kg thóc/ha.
Cuối năm 1973, đầu năm 1974, Thái Nguyên tập trung củng cố, khôi phục được 22 hợp tác xã, thành lập thêm 5 hợp tác xã mới. Địa bàn Thái Nguyên có 798 hợp tác xã, thu hút 78,3% số hộ nông dân tham gia.
Phong trào hợp tác xã được khôi phục, củng cố và phát triển đã có tác động tích cực đến sản xuất nông nghiệp. Năng suất lúa bình quân của Thái Nguyên tăng từ 3.709kg/ha (năm 1973) lên 4.496kg/ha (năm 1974).
Năm 1974, hai huyện Định Hóa, Đại Từ và hàng chục hợp tác xã nông nghiệp ở các địa phương khác trên địa bàn Thái Nguyên đạt năng suất mỗi héc - ta ruộng cấy lúa 2 vụ từ 5 tấn thóc trở lên.
Ngoài cấy lúa, Thái Nguyên còn đẩy mạnh sản xuất các loại cây lương thực (ngô, khoai, sắn), cây thực phẩm (đỗ, lạc) và cây công nghiệp (mía, chè).
Năm 1974, Thái Nguyên đạt sản lượng 5.750 tấn ngô, 81.130 tấn sắn, 53 tấn đỗ tương, 2.439 tấn lạc vỏ, 31.463 tấn mía cây, 542 tấn chè búp khô; đàn lợn tăng 14% so với năm 1973; đàn trâu, bò đạt khoảng 47.000 con (tăng 16,3% so với năm 1973)…