Tiếp tục rà soát các hộ có tiêu chết để hỗ trợ

Huyện Bù Đốp được biết đến là một trong 4 địa bàn trồng tiêu lớn của tỉnh nhiều năm qua. Tuy nhiên, đến năm 2017 sau ảnh hưởng dịch bệnh, hồ tiêu chết hàng loạt trên diện rộng. Tình trạng này khiến kinh tế của các hộ trồng tiêu bị ảnh hưởng nặng nề. Trong đó, địa bàn xã Hưng Phước có nhiều hộ nông dân nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có nhiều năm gắn bó với cây tiêu cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến đời sống kinh tế vốn đã khó lại càng khó hơn.

Vướng mắc ở khâu thống kê

Thời gian qua, UBND tỉnh đã có chính sách hỗ trợ các hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS có diện tích tiêu chết nhằm khắc phục khó khăn, phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, đến nay việc hỗ trợ các hộ có tiêu chết vẫn chưa hoàn tất do khâu thống kê số lượng diện tích tiêu bị chết cũng như số hộ có tiêu chết còn nhiều vướng mắc.

Ông Nguyễn Văn Phong (bên trái), Phó chủ tịch UBND xã Hưng Phước tiếp tục đi khảo sát nguyên nhân tiêu chết của các hộ dân đồng bào DTTS ấp Phước Tiến

Ông Nguyễn Văn Phong (bên trái), Phó chủ tịch UBND xã Hưng Phước tiếp tục đi khảo sát nguyên nhân tiêu chết của các hộ dân đồng bào DTTS ấp Phước Tiến

Thấy đất đai của gia đình hợp với cây tiêu nên năm 2015, hộ ông Điểu Thắng ở ấp Phước Tiến, xã Hưng Phước đã vay vốn ngân hàng để trồng 2 ha tiêu. Đến năm 2017, vườn tiêu đang cho thu bói của gia đình ông cũng không vượt qua được dịch bệnh. Ông Điểu Thắng cho biết: “Năm 2017, vườn tiêu vừa cho thu bói thì một số nọc có dấu hiệu bị bệnh và chết, 2 năm sau thì chết nhiều hơn. Gia đình có tìm hiểu và mua thuốc về điều trị phục hồi vườn tiêu nhưng không được, thậm chí tiêu còn chết hết. Vừa không có thu nhập từ vườn tiêu lại mất chi phí đầu tư chăm sóc, tất cả khoản đầu tư vào vườn tiêu từ mua trụ, dây giống, phân bón đều từ nguồn vay mượn của ngân hàng. Đến nay, khoản nợ đã quá khả năng chi trả của gia đình nhưng gói hỗ trợ tiêu chết giai đoạn 2017-2020 gia đình tôi vẫn chưa nhận được. Mong chính quyền giúp đỡ, tạo điều kiện cho tôi nhận được hỗ trợ để giảm bớt khó khăn, vì gia đình tôi đang nợ ngân hàng hơn 800 triệu đồng.

Theo Quyết định số 1165/QĐ-UBND ngày 9-8-2021 của UBND huyện Bù Đốp về việc thống kê số hộ là các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào DTTS có tiêu chết trong giai đoạn 2017-2020 để hỗ trợ, đến nay toàn huyện đã thống kê được 1.260 hộ với tổng diện tích 435,858 ha. Trong đó có 93 hộ nghèo với 20,79 ha; 140 hộ cận nghèo với 42,17 ha; 1.027 hộ DTTS với 372,898 ha.

Tiêu chết, không có vốn xoay xở, gia đình ông Điểu Thắng quyết định vay vốn thêm lần nữa để chuyển đổi mô hình kinh tế, bằng cách trồng cây sầu riêng vào diện tích tiêu đã chết, kết hợp với nuôi dê, bò để tăng thu nhập. Tuy nhiên, do số nợ quá lớn, mỗi năm tiền lãi phải trả ngân hàng lên đến gần 100 triệu đồng, vượt quá thu nhập của gia đình.

Có 6 sào trồng tiêu nhưng bị chết hết, gia đình anh Điểu Thái ở ấp Phước Tiến, xã Hưng Phước đã nhận được số tiền hỗ trợ từ Nhà nước. Anh Điểu Thái cho biết: Sau khi khai báo với ấp, gia đình tôi nhận được số tiền hỗ trợ hơn 700 ngàn đồng. Đến nay, tiêu cũng đã chết hết, gia đình tôi không biết chuyển hướng trồng cây gì để có thu nhập ổn định. Trước đây, gia đình tôi vay 300 triệu đồng để đầu tư vào vườn tiêu, giờ mong muốn Nhà nước, xã giải quyết được phần nào gia đình đỡ phần đó.

Mong sớm nhận được hỗ trợ

Tình trạng tiêu chết đã diễn ra nhiều năm nay. Việc hồ tiêu chết có nhiều nguyên nhân khiến quá trình thống kê số diện tích tiêu chết do dịch bệnh giai đoạn 2017-2020, để chi hỗ trợ các hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS trên địa bàn xã Hưng Phước thực hiện chậm.

Cũng giống gia đình ông Thắng, hộ anh Điểu Iêng vay vốn để trồng tiêu vào năm 2015. Khi tiêu bị bệnh rồi chết thì các hộ này cũng phải chuyển đổi cây trồng. Một số hộ đã nhận được tiền hỗ trợ nhưng so với số tiền họ đang nợ ngân hàng do trước đó vay để đầu tư trồng tiêu thì như “hạt muối bỏ biển”. Anh Điểu Iêng cho biết: Gia đình tôi có hơn 2.000 nọc tiêu trồng năm 2015. Đến năm 2017, tiêu bị bệnh và chết một số nọc, sau đó lan rộng ra cả vườn và đến năm 2018 thì chết trắng vườn. Để đầu tư trồng tiêu, ngoài số vốn tích cóp được, gia đình tôi vay thêm 150 triệu đồng từ ngân hàng để có chi phí chăm sóc. Đến nay, tiêu chết hết, nợ thì chưa xóa nhưng vẫn chưa được thống kê để hỗ trợ. Rất mong các đơn vị liên quan quan tâm hỗ trợ gia đình tôi để sớm tiếp cận được nguồn hỗ trợ từ Nhà nước.

Khó xác định nguyên nhân tiêu chết để chi hỗ trợ

Thứ nhất, không xác định được năm tiêu chết năm 2017, 2018, 2019, 2020. Thứ hai, tiêu chết do nguyên nhân dịch bệnh, hay do giá cả thấp người dân bỏ cây tiêu không chăm sóc nên dẫn đến tiêu chết. Thứ ba, công tác phối hợp giữa nông dân với ấp, người dân có khai báo ấp mới thống kê, xã mới đi kiểm tra. Trong quá trình thống kê có thiếu sót một số trường hợp nên người dân có phản ánh, trên tinh thần đó, xã cũng chỉ đạo kiểm tra thống kê lại và có báo cáo cấp trên để hỗ trợ người dân nhằm khắc phục tình trạng tiêu chết giai đoạn 2017-2020.

Ông Nguyễn Văn Phong, Phó chủ tịch UBND xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp

Ông Nguyễn Văn Phong, Phó chủ tịch UBND xã Hưng Phước cho biết: Đến nay, toàn xã đã thống kê được 462 hộ có diện tích tiêu chết do dịch bệnh từ giai đoạn 2017-2020 đủ điều kiện hỗ trợ với gần 300 ha. Tuy nhiên chỉ mới hỗ trợ cho các hộ nghèo, khó khăn và hộ đồng bào DTTS là 165 hộ, với hơn 68 ha. Trên địa bàn xã vẫn còn nhiều hộ có diện tích tiêu chết, tuy nhiên xã cần rà soát cẩn thận để đúng đối tượng, đúng nguyên nhân.

Có thể thấy, một số hộ chưa kịp thời nhận được tiền hỗ trợ tiêu chết vì dịch bệnh do nhiều nguyên nhân. Đến nay, chính quyền xã Hưng Phước đã có phương án triển khai thực hiện hỗ trợ kịp thời đối với một số hộ còn lại một cách sớm nhất giúp họ có thêm động lực để vượt qua khó khăn.

Ngọc Bích

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/134100/tiep-tuc-ra-soat-cac-ho-co-tieu-chet-de-ho-tro