Tiếp tục ra soát, giảm tải chương trình cho năm học mới

Tại họp báo thường kỳ quý II năm 2020 mà Bộ GD&ĐT vừa tổ chức, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết: Năm học 2020-2021, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục rà soát để tinh giản nội dung dạy học, giảm tải chương trình, vì vậy, thời gian thực học cho cấp THCS, THPT sẽ được điều chỉnh còn 35 tuần (so với 37 tuần hiện nay) như với cấp tiểu học.

Cả nước khai giảng năm học mới vào ngày 5-9

Chánh văn phòng Bộ GD&ĐT Trần Quang Nam cho biết: Hiện, Bộ GD&ĐT đang xây dựng Dự thảo Quyết định ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2020-2021 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, thay thế cho Quyết định số 2071/QĐ-BGD&ĐT đã áp dụng từ năm học 2017-2018.

Theo đó, tiếp tục quy định thống nhất trong cả nước thời gian khai giảng năm học 2020-2021 là ngày 5-9-2020; quy định không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng, thời gian tập trung học sinh để chuẩn bị cho khai giảng năm học mới sớm nhất là ngày 1-9-2020.

Đối với trường tư thục, ông Trần Quang Nam cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét, sửa đổi Thông tư số 13/2011/TT-BGD&ĐT cho phù hợp hơn.

Riêng năm học 2020-2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kết thúc năm học muộn nên các trường tư thục có thể báo cáo với Sở GD&ĐT về thời gian tập trung học sinh đến trường; tuy nhiên, cần lưu ý dành thời gian cho học sinh được nghỉ hè trong bối cảnh kết thúc năm học muộn.

Năm học 2020-2021, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục rà soát để tinh giản nội dung dạy học, giảm tải chương trình, vì vậy, thời gian thực học cho cấp THCS, THPT sẽ được điều chỉnh còn 35 tuần (so với 37 tuần hiện nay) như với cấp tiểu học. Qua đó, tăng thời gian tổ chức các hoạt động trải nghiệm và tăng thời gian nghỉ hè cho giáo viên và học sinh.

Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục rà soát để tinh giản nội dung dạy học, giảm tải chương trình cho cấp THCS, THPT sẽ được điều chỉnh còn 35 tuần như với cấp tiểu học. Ảnh: P.T

Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục rà soát để tinh giản nội dung dạy học, giảm tải chương trình cho cấp THCS, THPT sẽ được điều chỉnh còn 35 tuần như với cấp tiểu học. Ảnh: P.T

Sách giáo khoa đáp ứng đầy đủ cho năm học mới

Về chuẩn bị sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông cho chương trình mới bắt đầu từ năm học 2020-2021 này, Bộ GD&ĐT cho biết: Triển khai lựa chọn sách giáo khoa theo yêu cầu tại Nghị quyết 88 của Quốc hội, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-BGD&ĐT hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong cơ sở GDPT để các địa phương chọn SGK lớp 1 phục vụ kịp thời năm học 2020-2021.

Đến ngày 30-5-2020, Bộ GD&ĐT đã nhận được công văn của 63 Sở GD&ĐT báo cáo kết quả lựa chọn SGK của các trường tiểu học. Kết quả cho thấy, tất cả các đầu SGK được phê duyệt cho phép sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông đều được lựa chọn; 62 địa phương chọn SGK ít nhất từ 3 bộ trở lên, trong đó 36 tỉnh chọn SGK của cả 5 bộ.

Ngày 10-6-2020, Bộ GD&ĐT có công văn hướng dẫn việc cung ứng SGK lớp 1 năm học 2020-2021 gửi các Sở GD&ĐT và các nhà xuất bản có SGK lớp 1 được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt sử dụng trong các cơ sở GDPT. Theo đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu, thời gian bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục về sử dụng SGK lớp 1 phải được hoàn thành trước 30-7-2020.

Bộ GD&ĐT cũng lưu ý, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chậm, thiếu SGK năm học 2020-2021 trên địa bàn. Việc cung ứng sách giáo khoa phải đảm bảo sách đến tay phụ huynh, học sinh, giáo viên trước ngày 15-8-2020.

Theo kế hoạch, năm 2020 tiếp tục triển khai bồi dưỡng những modul tiếp theo cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán và bồi dưỡng đại trà cho tất cả giáo viên phổ thông. Hiện nay, các nhà xuất bản có SGK được lựa chọn đang phối hợp với các địa phương triển khai bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục về sử dụng SGK lớp 1.

Xây dựng quy chế công nhận kết quả dạy học trực tuyến bậc phổ thông

Theo Bộ GD&ĐT, ở bậc ĐH có trên 50% trường ĐH tổ chức dạy học từ xa. Ở bậc phổ thông tổng hợp qua hơn 4 tháng triển khai dạy học từ xa phòng chống dịch Covid-19 cho thấy, các cơ sở giáo dục đã tổ chức tốt việc dạy học qua internet, trên truyền hình cho tất cả đối tượng học sinh.

Các TP trực thuộc Trung ương dẫn đầu về tỷ lệ học sinh học qua internet (86,5%) và trên truyền hình (87,5%). Tiếp đó là các địa phương khu vực đồng bằng sông Hồng, Tây Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Tỷ lệ học sinh học qua internet và trên truyền hình dưới 50% chủ yếu do khó khăn về hạ tầng, cơ sở vật chất là khu vực miền núi và trung du phía Bắc, Bắc Trung Bộ.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang dự thảo quy chế quản lý dạy học trực tuyến ở bậc phổ thông. Quy chế này sẽ tạo hành lang để hình thức dạy học trực tuyến được công nhận như một phương thức bổ trợ cho dạy học trực tiếp và được công nhận kết quả.

Sau khi có quy chế, Bộ sẽ xây dựng thông tư quy định dạy học trực tuyến, quy định trách nhiệm của Sở, phòng GD&ĐT, các nhà trường, cũng như các thầy cô.

Phan Thủy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tiep-tuc-ra-soat-giam-tai-chuong-trinh-cho-nam-hoc-moi-199726.html