Tiếp tục sản xuất theo tín hiệu của thị trường

Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã khuyến khích nông dân sản xuất theo tín hiệu của thị trường, nhờ đó sản phẩm làm ra được tiêu thụ thuận lợi. Từ lúa, cá tra đến rau màu, trái cây, các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh đã mua để xuất khẩu, mang về cho tỉnh nhà mỗi năm gần 1 tỷ USD.

Lợi ích

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm khẳng định, sản xuất theo tín hiệu của thị trường có rất nhiều lợi ích, nông dân cần thực hiện. Trước hết, nâng cao được giá trị sản phẩm, giảm thiểu rủi ro, tăng hiệu quả sản xuất. Nông dân biết được giá bán, điều kiện mua hàng, chất lượng sản phẩm, từ đó bà con đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất để chất lượng sản phẩm làm ra được tốt hơn, thúc đẩy tiêu thụ, cải thiện thu nhập.

Dẫn chứng về lợi ích của việc này, ông Lâm cho biết, những năm qua, nhờ đẩy mạnh liên kết giữa nông dân và DN, người trồng xoài trong tỉnh đã xuất được trái xoài của mình sang các nước phát triển, như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc. Trong đó, Chợ Mới là địa phương có diện tích trồng xoài lớn nhất tỉnh, diện tích 6.400ha, chiếm hơn 50% diện tích xoài toàn tỉnh. Xoài của nông dân trong huyện trồng tập trung ở 3 xã Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân. “Diện tích trồng nhiều, nếu không có các DN như Công ty TNHH TMDV Xuất nhập khẩu Vina T&T, Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit; Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu; Công ty Cổ phần Công nghệ Sen Đỏ thì việc tiêu thụ sẽ rất khó khăn” - ông Nguyễn Sĩ Lâm khẳng định.

Sản xuất có hợp đồng bao tiêu, ngư dân mạnh sạn áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm

Sản xuất có hợp đồng bao tiêu, ngư dân mạnh sạn áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm

Ngoài trái cây (xoài, sầu riêng), bắp thu trái non, đậu nành rau, lúa gạo, cá tra của nông dân trong tỉnh cũng đã đẩy mạnh liên kết với các DN để tiêu thụ. ThS Trần Anh Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: “Diện tích nuôi cá tra toàn vùng ĐBSCL là 7.500ha, trong đó, An Giang 1.224ha. Mỗi năm, An Giang nuôi cá tra đạt sản lượng 575.000 tấn. Nhờ đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, nên hầu hết sản lượng cá của nông dân nuôi đều được tiêu thụ hết”. “Liên kết trong sản xuất, nông dân nâng cao thu nhập, giảm rủi ro, tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, sản xuất ngày càng phát triển. DN có được vùng nguyên liệu, phục vụ chế biến xuất khẩu ổn định” - ông Doãn Tới, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt, khẳng định.

Hướng tới

Khi nông dân sản xuất những sản phẩm mà thị trường cần, bà con có cơ hội bán sản phẩm với giá cao để tăng thu nhập, tránh tình trạng “thừa hàng, dội chợ”. Thông qua đẩy mạnh liên kết, nông dân có thể tối ưu hóa các nguồn lực về đất đai, cây, con giống, phân bón, vật tư đầu vào cùng nguồn tín dụng… góp phần gia tăng thu nhập. “Ngay khi ký hợp đồng bao tiêu, ngư dân đã biết được mình lời bao nhiêu tiền cho 1kg cá. Chính điều này thúc đẩy chúng tôi nhanh chóng đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất vật nuôi” - ông Trần Văn Lắm, xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân, chia sẻ.

Theo bà con nông dân, trước đây để có 1kg cá thương phẩm, ngư dân cho ăn gần 2kg thức ăn. Nay, hệ số chuyển hóa thức ăn từ 2. (hai chấm) xuống còn 1.45 (một chấm bốn mươi lăm). Hệ số thức ăn giảm, đồng nghĩa với lợi nhuận tăng đáng kể. Thách thức khi nông dân sản xuất theo tín hiệu thị trường, đó là tình trạng thiếu thông tin, bởi không phải lúc nào nông dân cũng có đủ thông tin về thị trường, dẫn đến quyết định sản xuất không chính xác. Ngoài ra, đồng vốn đầu tư không phải lúc nào ngân hàng cũng đáp ứng đủ để nông dân đẩy mạnh chuyển đổi mô hình sản xuất, bởi điều kiện giải ngân, nông dân phải có tài sản đảm bảo, thế chấp món vay của mình.

Để khắc phục những khó khăn trên, cần có sự phối hợp của nhiều bên, trong đó Nhà nước tiếp tục cung cấp thông tin thị trường cho nông dân, xây dựng các chính sách hỗ trợ về vốn, kỹ thuật... DN tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với nông dân để xây dựng chuỗi cung ứng, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Đối với nông dân cần tiếp tục đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của DN. Có như vậy sản xuất mới nâng cao hiệu quả. Hơn hết, mỗi “nhà” trong chuỗi liên kết nỗ lực làm tròn trách nhiệm, vai trò để giúp nền nông nghiệp tiếp tục gặt hái thành công trong quá trình hội nhập sắp tới.

Sản xuất theo tín hiệu thị trường là hướng đi tất yếu để nông nghiệp tỉnh nhà phát triển bền vững, hướng đến thực hiện thành công 3 yếu tố chủ đạo của nền nông nghiệp Việt Nam là nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh.

MINH HIỂN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tiep-tuc-san-xuat-theo-tin-hieu-cua-thi-truong-a408541.html