Tiếp tục siết chặt các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19

Thủ tướng khẳng định: Mỗi địa phương, nhà máy là pháo đài chống dịch; mỗi người dân, công nhân là chiến sỹ xung kích trên mặt trận chống dịch, Việt Nam sẽ chiến thắng đại dịch.

Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm đối với những người có liên quan đến ca nghi nhiễm COVID-19 tại số 307 phố Trần Đại Nghĩa, Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm đối với những người có liên quan đến ca nghi nhiễm COVID-19 tại số 307 phố Trần Đại Nghĩa, Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong ngày 8/8, cả nước ghi nhận 9.690 ca mắc COVID-19, trong đó 6 ca nhập cảnh; 9.684 ca trong nước.

Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là địa phương có số ca cao nhất (3.898 ca); tiếp đó là Bình Dương (3.210 ca), Long An (724 ca), Đồng Nai (614 ca), Khánh Hòa (201 ca), Đà Nẵng (130 ca), Hà Nội (114 ca). Trong số này có 2.155 ca trong cộng đồng.

Tính đến chiều 8/8, Việt Nam có 210.405 ca nhiễm; đã có 71.497 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Tổng cộng đã có 8.896.615 liều vaccine được tiêm, trong đó có 888.459 liều tiêm mũi 2.

Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh

Ngày 8/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại, với tinh thần "chống dịch như chống giặc," chuyển từ phòng ngự sang tấn công, chúng ta đặt mục tiêu cao nhất là không để xảy ra khủng hoảng y tế, bảo đảm sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết; không để xảy ra khủng hoảng kinh tế-xã hội; phấn đấu cao nhất đưa đất nước ta trở lại bình thường trong thời gian ngắn nhất, chậm nhất là cuối năm 2021 đầu năm 2022.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ luôn thể hiện tinh thần đổi mới, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp; nói đi đôi với làm, chú trọng hiệu quả, không phô trương hình thức; xem doanh nghiệp, người dân là chủ thể để phục vụ...

Đây là thử thách rất lớn nhưng Thủ tướng tin tưởng cộng đồng doanh nghiệp sẽ vượt qua thử thách này với 4 yếu tố "tâm, tài, trí, tín."

Kinh tế có thể khó khăn nhưng niềm tin trong xã hội sẽ được củng cố. Mỗi địa phương, nhà máy là pháo đài chống dịch; mỗi người dân, công nhân là chiến sỹ xung kích trên mặt trận chống dịch, đất nước ta sẽ chiến thắng đại dịch, vượt qua khó khăn và phát triển bền vững.

Chiều 8/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự lễ công bố kết nối nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) tới 100% cơ sở y tế tuyến huyện trong cả nước và ra mắt Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ công bố Kết nối Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa tới 100% tuyến huyện. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ công bố Kết nối Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa tới 100% tuyến huyện. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng cho rằng vấn đề áp dụng công nghệ để chữa bệnh ở đây không chỉ là khoa học, còn là niềm tin, tâm lý, nhân văn.

Do đó, đề nghị Bộ Y tế có hướng dẫn thống nhất trong phân lớp, phân tầng bệnh nhân để điều trị phù hợp; các Bộ: Khoa học và Công nghiệp, Thông tin và Truyền thông... hoàn chỉnh công nghệ, nhất là cần phát hiện những hạn chế khi áp dụng công nghệ này để việc hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa được thông suốt, trơn tru, hiệu quả.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao ý nghĩa của việc kết nối nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa và hoạt động của Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia, vì điều này cũng góp phần vào chuyển đổi số trong ngành y tế nói riêng.

Qua đó, kịp thời cứu chữa cho người bệnh, giúp lực lượng y tế cơ sở có thêm kiến thức, tự tin, giảm quá tải cho tuyến trên.

Tăng cường tầm soát dịch trong cộng đồng

Kiên Giang phải tăng cường tầm soát dịch COVID-19 trong cộng đồng, tại những nơi có nguy cơ cao như chợ dân sinh, bến xe, sân bay…; kết hợp linh hoạt giữa các phương án xét nghiệm mẫu gộp để truy vết, dập dịch dứt điểm trên toàn tỉnh.

Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang về công tác phòng, chống dịch, sáng 8/8, tại Kiên Giang.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu thời gian tới, Kiên Giang phát huy vai trò hoạt động của các Tổ COVID-19 trong cộng đồng, hoạt động theo phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" để nắm tất cả những người từ nơi khác về, xử lý nghiêm người không khai báo y tế hoặc khai báo không trung thực; phát động phong trào người dân bảo vệ "vùng xanh." Đây là những giải pháp chống dịch căn cơ nhất.

Trước đó, cùng ngày, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã kiểm tra công tác điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi tỉnh Kiên Giang, công tác tiêm chủng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang, cơ sở cách ly y tế tập trung tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang (cơ sở cũ).

Hướng dẫn thực hiện chế độ chi cho cán bộ y tế, tình nguyện viên chống dịch

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố; Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Y tế các Bộ, ngành; các đơn vị hành chính, sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế; Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam hướng dẫn thực hiện chế độ chi cho cán bộ y tế, tình nguyện viên đi hỗ trợ các tỉnh chống dịch COVID-19.

Theo đó, Bộ Y tế hướng dẫn với đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên y tế tại các cơ sở y tế công lập, cơ quan thuộc, trực thuộc Bộ Y tế, bộ, ngành và địa phương quản lý được cử đi, huy động tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 tại các tỉnh, thành phố theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền được hưởng chế độ theo quy định tại Điều 2 Nghị quyết 16/NQ-CP ngày 8/02/2021 của Chính phủ về chi phí cánh ly y tế, khám chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19.

Với đối tượng là học viên, sinh viên và học sinh các cơ sở đào tạo trường đại học, cao đẳng và trung cấp khối ngành sức khỏe và đối tượng là người có chuyên môn y tế không hưởng lương từ ngân sách nhà nước tình nguyện tham gia được cử đi hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 tại các tỉnh, thành phố theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, được hưởng 300.000 đồng/người/ngày khi thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08/02/2021; được hưởng 200.000 đồng/người/ngày khi thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 16/NQ-CP; được hưởng 120.000 đồng/người/ngày, gồm tiền ăn là 80.000 đồng và 40.000 đồng chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt.

Đoàn cán bộ, y bác sỹ Bệnh viện Việt Đức lên đường chi viện cho Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch COVID-19. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Đoàn cán bộ, y bác sỹ Bệnh viện Việt Đức lên đường chi viện cho Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch COVID-19. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Hướng dẫn của Bộ Y tế cũng nêu rõ tất cả các đối tượng trên được thực hiện xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 làm điều kiện huy động đi chống dịch, ngân sách nhà nước sẽ đảm bảo theo phân cấp.

Hà Nội siết chặt việc cấp và sử dụng giấy đi đường

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành văn bản số 2562/UBND-KT về việc siết chặt việc cấp và sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội theo Công điện số 18/CĐ-UBND ngày 6/8/2021 của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.

Theo đó, giữ nguyên mẫu giấy đi đường do Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành ngày 29/7/2021, người đi đường phải xuất trình kèm theo căn cước công dân/chứng minh thư nhân dân, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Việc triển khai cấp hoặc xác nhận liên quan đến giấy đi đường trong thời gian giãn cách, Ủy ban Nhân dân các xã, phường thị trấn có trách nhiệm hướng dẫn, thông báo các tổ chức, cá nhân thực hiện thuận lợi, nhanh chóng, đảm bảo giãn cách, không tập trung đông người và thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch COVID-19.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội giao Sở Nội vụ có hình thức kiểm tra công vụ phù hợp trong thời gian giãn cách đối với của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố trong việc thực hiện nghiêm Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7/2021; Công điện số 18/CĐ-UBND ngày 6/8/2021 và chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố...

Đề xuất Bộ Y tế phân bổ vaccine kịp thời cho Thành phố Hồ Chí Minh

Dự kiến đến hết ngày 9/8, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành việc tiêm chủng toàn bộ vaccine phòng COVID-19 đã được Bộ Y tế cung ứng. Nếu Bộ Y tế không kịp thời phân bổ thêm thì thành phố sẽ đối diện với việc hết vaccine để tiêm.

Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, trong ngày 7/8, ngành y tế đã tiêm vaccine cho 262.471 người, trong đó có 398 người phản ứng sau tiêm 30 phút, tất cả đều an toàn.

Như vậy, từ ngày 22/7 đến hết 7/8, thành phố đã tiêm được cho 2.108.186 người. Trong khi đó, số vaccine mà Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận từ Bộ Y tế là 2.595.490 liều.

Thời gian qua, thành phố đã lập được 1.200 đội tiêm, trong đó có khoảng 1.100 đội tiêm hoạt động tích cực thường xuyên.

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, với tốc độ tiêm khá cao hiện nay, nếu Bộ Y tế không kịp thời phân bổ vaccine thì dự kiến hết ngày mai (9/8) thành phố sẽ đối diện với việc thiếu vaccine tiêm diện rộng như vừa qua./.

P. V (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/tiep-tuc-siet-chat-cac-bien-phap-cap-bach-phong-chong-dich-covid19/732411.vnp