Tiếp tục sử dụng giấy tờ của công dân theo đơn vị hành chính cũ
Tới đây khi thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, địa giới đơn vị hành chính nhiều xã sẽ thay đổi. Do đó, một số giấy tờ liên quan của công dân phải điều chỉnh cho phù hợp.
Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Hải Dương phỏng vấn Thượng tá Phạm Chiến, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh.
- Thưa đồng chí, khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, các loại giấy tờ liên quan nào của công dân phải chuyển đổi?
- Các giấy tờ về cư trú, chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ khẩu, giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự... ghi tên đơn vị hành chính cũ vẫn có giá trị pháp lý. Những giấy tờ này cũng không bắt buộc đổi, chỉ thay đổi khi công dân có nguyện vọng. Khi thực hiện chuyển đổi giấy tờ do thay đổi địa giới đơn vị hành chính, công dân không phải nộp lệ phí. Tất cả loại giấy tờ của người dân vẫn còn nguyên giá trị, chỉ khi họ cần giao dịch, cần phải thay đổi hoặc hết hạn thì mới phải đổi lại.
- Nếu người dân có nguyện vọng chuyển đổi giấy tờ thì việc chuyển đổi được thực hiện ở đâu và thực hiện như thế nào?
- Tại khoản 3, điều 29, Luật Cư trú quy định: “Trường hợp có thay đổi địa giới hành chính, đơn vị hành chính, đường phố, số nhà thì cơ quan quản lý cư trú có thẩm quyền căn cứ vào quyết định thay đổi địa giới hành chính, đơn vị hành chính, đường phố, số nhà của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đính chính trong sổ hộ khẩu”.
Như vậy, người dân có hộ khẩu thường trú ở những xã phải sáp nhập, đổi tên thì công an sẽ thực hiện điều chỉnh thông tin trong sổ hộ khẩu cho nhân dân.
Tại các thành phố, thị xã, đại diện chủ hộ mang sổ hộ khẩu đến bộ phận đăng ký hộ khẩu, Công an thành phố, thị xã để tiến hành các thủ tục điều chỉnh. Tại các huyện, đại diện chủ hộ mang sổ hộ khẩu đến Công an xã, thị trấn để làm thủ tục điều chỉnh. Việc điều chỉnh thông tin không mất phí. Trường hợp người dân muốn được cấp sổ hộ khẩu mới do sổ cũ, rách, hỏng hoặc điều chỉnh thông tin không thuộc nội dung thay đổi địa giới hành chính thì phải mất phí theo quy định của Nhà nước.
Tại điểm b, khoản 2,điều 12, Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 9.9.2014 của Bộ Công an cũng quy định: “Trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về thay đổi địa giới hành chính, đơn vị hành chính, đường phố, số nhà thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thông báo để công dân đến làm thủ tục điều chỉnh trong sổ hộ khẩu. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có thông báo của cơ quan đăng ký cư trú, công dân có trách nhiệm đến để làm thủ tục điều chỉnh trong sổ hộ khẩu”.
- Để tạo thuận lợi cho công dân chuyển đổi giấy tờ sau khi sáp nhập, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã có những tham mưu chỉ đạo, triển khai thực hiện như thế nào?
- Phòng đã tham mưu với Ban Giám đốc Công an tỉnh ban hành hướng dẫn về chuyển đổi giấy tờ thực hiện Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 14.5.2019 của Chính phủ về ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021.
Công an cấp huyện nơi có thay đổi, sắp xếp địa giới đơn vị hành chính xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, tập trung lực lượng, phương tiện, biểu mẫu để tổ chức cấp đổi hoặc điều chỉnh những thay đổi về địa giới đơn vị hành chính trong các loại giấy tờ cấp cho cá nhân, tổ chức theo đúng quy định. Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc lực lượng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, nhất là lực lượng công an cơ sở thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý cư trú, chứng minh nhân dân, căn cước công dân, quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự… Công an cấp huyện củng cố điều kiện, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, tăng cường cán bộ để thực hiện việc cấp đổi các loại giấy tờ bảo đảm yêu cầu về cải cách hành chính và đáp ứng yêu cầu về thời gian theo quy định...
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
PV (thực hiện)