Tiếp tục tái cấu trúc, nâng hạng thị trường chứng khoán
Năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng tỏ khả năng tăng trưởng mạnh mẽ nhờ những điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, kênh huy động vốn này vẫn còn rất nhiều lĩnh vực cần cải thiện trong năm 2024.
Năm chứng khoán vượt khó
Theo các đánh giá, năm 2023 là năm “vượt khó” thành công của thị trường chứng khoán (TTCK) khi chỉ số VN-Index đều hồi phục tốt sau 2 nhịp điều chỉnh mạnh và ghi nhận tăng trưởng khoảng 11%.
Tính đến ngày 29/12/2023, vốn hóa toàn thị trường đạt gần 6 triệu tỷ đồng, tăng 13,5% so với cuối năm 2022. Tỷ trọng vốn hóa/GDP theo đó cũng tăng lên 58,4% từ mức 55,4%.
So với các thị trường khác trong khu vực, tăng trưởng 12,2% trong năm qua của VN-Index vẫn khả quan hơn nhờ chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa nghiêng về hướng hỗ trợ nền kinh tế hồi phục. TTCK Việt Nam tăng 12,2% về điểm số trong năm 2023, trải qua 4 giai đoạn biến động chính trong năm nhưng nhìn chung vẫn là xu hướng phục hồi chính của nhiều nhóm cổ phiếu chu kỳ sau năm 2022 điều chỉnh mạnh.
Năm 2023 là một năm của nhóm vốn hóa trung bình và nhỏ với mức độ tăng vượt trội so với thị trường chung ở mức khoảng 30%.
Bà Hoàng Việt Phương - Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư - Công ty Chứng khoán SSI đánh giá, kênh chứng khoán vẫn là kênh ngày càng thu hút nhà đầu tư với lượng tài khoản mở mới khoảng 355 nghìn tài khoản.
Năm qua, khối cá nhân trong nước tiếp tục dẫn dắt thị trường hồi phục trước áp lực bán ròng từ khối ngoại. Tính kỷ luật của TTCK và các hoạt động lành mạnh hóa thị trường được đẩy mạnh và xử lý triệt để. Một loạt chính sách được Chính phủ đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu DN, trong đó bước đệm đến từ Nghị định 08 về trái phiếu. Môi trường lãi suất hạ nhiệt nhanh chóng cũng là một các điểm nhấn chính của thị trường trong năm 2023.
Bà Hoàng Việt Phương cho rằng, thị trường trải qua năm 2023 khó khăn đến từ các biến động vĩ mô từ phía bên ngoài như tỷ giá và dòng vốn ngoại đảo chiều do chênh lệch lãi suất thực của Mỹ và Việt Nam hay từ nội tại nền kinh tế khi thị trường bất động sản gặp khó khăn.
Một trong những điểm trừ của thị trường năm 2023 là khối ngoại đẩy mạnh bán ròng trên diện rộng. Trong tháng 12, cao nhất ở nhóm ngân hàng và dịch vụ tài chính với cùng giá trị 2,6 nghìn tỷ đồng và duy trì bán ròng ở những nhóm trụ cột khác như bất động sản 1,6 nghìn tỷ đồng, thực phẩm đồ uống 1,6 nghìn tỷ đồng.
Năm 2023, Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện các đề án lớn về chiến lược phát triển, cơ cấu lại TTCK, thành lập sàn giao dịch vốn cho DN khởi nghiệp sáng tạo...
Bộ cũng đã đưa vào vận hành hệ thống giao dịch trái phiếu DN (TPDN) riêng lẻ tại HNX vào ngày 19/7/2023. Giá trị giao dịch qua hệ thống ngày càng tăng và đạt gần 1.300 tỷ đồng/phiên. Việc tổ chức giao dịch TPDN riêng lẻ qua hệ thống do nhà nước quản lý đã góp phần cải thiện tính minh bạch, tính thanh khoản và lòng tin của công chúng đầu tư.
Đồng thời, Bộ Tài chính đã tích cực làm việc với các tổ chức xếp hạng thị trường như FTSE Russell và MSCI nhằm tiếp tục đẩy nhanh quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Bộ Tài chính cam kết duy trì TTCK để thị trường vận hành một cách liên tục và an toàn. Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung giữ thị trường minh bạch, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của tất cả các chủ thể tham gia vào TTCK.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi
Bên cạnh đó là các giải pháp nhằm đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu về giao dịch, chuyển nhượng, cơ sở dữ liệu về nhà đầu tư, kết nối cơ sở dữ liệu nhà đầu tư với cơ sở dữ liệu công dân, tiếp tục tăng cường công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra các công ty đại chúng và tổ chức kinh doanh chứng khoán, phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm, thao túng giá,... nhằm bảo đảm sự phát triển lành mạnh của thị trường.
Đẩy mạnh thực hiện các lĩnh vực cần cải thiện
Tại Hội thảo “Khai mở tiềm năng thị trường vốn Việt Nam”, ông Ketut Ariadi Kamusa, chuyên gia tài chính cao cấp, Điều phối viên khu vực tài chính của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho biết, thị trường vốn Việt Nam tăng trưởng khá mạnh mẽ. Để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam, cần có những biện pháp cải thiện các trở ngại hiện nay về ký quỹ và phong tỏa trước chứng khoán trước giao dịch; giới hạn sở hữu nước ngoài và room nước ngoài còn lại; tiếp cận bình đẳng đến thông tin.
Còn bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam thì cho rằng, để phát triển thị trường vốn đòi hỏi sự phối hợp giữa các cơ quan khác nhau. Mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi cần sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan quản lý thị trường vốn với cơ quan quản lý ngành ngân hàng do vai trò của các ngân hàng thương mại trong quá trình thanh toán.
“Các giải pháp khai mở tiềm năng thị trường vốn Việt Nam sẽ thúc đẩy những giải pháp để khai thác tiềm năng của thị trường vốn, mở cửa cho các nhà đầu tư quốc tế đầu tư vào Việt Nam cũng như phát triển các thị trường vốn hiện đại để hỗ trợ mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao của Việt Nam vào năm 2045” - đại diện Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh.
Năm 2024, tiếp nối những gì đã đạt được trong năm 2023, Bộ Tài chính cũng đang lấy ý kiến các bộ, ngành về sửa Nghị định số 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán; Nghị định 156/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán cũng như Nghị định 128/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 156/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán nhằm hướng dẫn Luật chứng khoán có công cụ, khung khổ pháp lý để thực hiện.
Bộ Tài chính cũng ban hành Thông tư 69/2023/TT-BTC ngày 15/11/2023 của Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư 57/2021/TT-BTC quy định lộ trình sắp xếp lại thị trường giao dịch cổ phiếu, thị trường giao dịch trái phiếu, thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh và thị trường giao dịch các loại chứng khoán khác nhằm quy định lại lộ trình, sắp xếp thị trường cổ phiếu, trái phiếu, thị trường giao dịch chứng khoán tái sinh.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính tiếp tục công tác tái cấu trúc thị trường, thanh lọc các công ty chứng khoán, quản lý các công ty yếu kém, không hiệu quả.
Về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, Bộ Tài chính đã triển khai đồng bộ cơ sở dữ liệu về giao dịch, chuyển nhượng nhà đầu tư, kết nối dữ liệu nhà đầu tư với cơ sở dữ liệu trên cơ sở áp dụng công nghệ hiện đại vào công tác quản lý cũng như giám sát đối với thị trường chứng khoán.
Năm 2024, Bộ Tài chính cam kết duy trì để thị trường vận hành một cách liên tục và an toàn, đó là tập trung và tiếp tục tập trung giữ thị trường minh bạch, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của tất cả các chủ thể tham gia vào thị trường chứng khoán.
Năm 2024 sẽ là năm phục hồi và củng cố nền tảng cho DN và TTCK quay lại quỹ đạo tăng trưởng. Mặt khác, các giải pháp tiếp tục phát triển minh bạch và tăng kỷ luật, kỷ cương thị trường. Bên cạnh đó, quá trình đẩy nhanh việc vận hành hệ thống KRX, mô hình thanh toán bù trừ trung tâm (CCP), và hỗ trợ hoạt động IPO nhằm mở rộng chiều sâu của thị trường là các giải pháp giúp chúng tôi kỳ vọng sẽ thu hút dòng tiền từ trong và ngoài nước vào TTCK”.
Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư - Công ty Chứng khoán SSI Hoàng Việt Phương
Riêng về nâng hạng thị trường chứng khoán, ngay trong năm nay, Bộ Tài chính cùng với các Bộ, ngành liên quan sẽ chủ động triển khai một cách quyết liệt nhiều giải pháp khác nhau để sớm đạt được tiêu chuẩn về nâng hạng thị trường chứng khoán trong thời gian sớm nhất. Từ đó sẽ đề xuất các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và xếp hạng thị trường chứng khoán có quyết định nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tiep-tuc-tai-cau-truc-nang-hang-thi-truong-chung-khoan.html