Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội
Sáng 2/7, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức Hội thảo khoa học 'Định hướng, nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trong bối cảnh mới'.
Hội thảo nhằm phục vụ xây dựng Đề án tổng kết Chỉ thị số 40 ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Hội thảo đã tập trung trao đổi, thảo luận về thực trạng hoạt động của tín dụng chính sách xã hội sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 và Kết luận số 06 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40; phân tích các kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân của những thành tựu và hạn chế, phân tích những vấn đề đặt ra đối với tín dụng chính sách xã hội trong thời gian tới.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn khẳng định, mục tiêu thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội là chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng. Tín dụng chính sách xã hội là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu đề ra, trong đó lấy con người làm trung tâm, không để ai bị bỏ lại phía sau.
"Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội ra đời đã đáp ứng đúng nguyện vọng của nhân dân, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, thu hẹp khoảng cách phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa", ông Nguyễn Hồng Sơn cho biết.
Chia sẻ về quá trình triển khai, ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, đến ngày 30/4 vừa qua tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt trên 367.300 tỷ đồng, tăng 232.632 tỷ đồng, với hơn 6,8 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ.
Trong tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội, dư nợ cho vay các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 123.590 tỷ đồng, chiếm 35,6%/tổng dư nợ, với hơn 2,2 triệu khách hàng còn dư nợ. Tín dụng chính sách xã hội đã được triển khai trên toàn quốc giúp cho người dân được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi dễ dàng, đã giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu.
Đối với tín dụng chính sách xã hội cho phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, ông Triệu Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội cho rằng, bên cạnh những thành tựu đạt được, vẫn còn tồn tại hạn chế cần khắc phục trong bối cảnh hiện nay. Cụ thể, do chính sách áp dụng chung trên toàn quốc nên chưa thực sự phù hợp với tất cả các vùng, miền, địa phương, nhóm đối tượng cụ thể, nhất là về điều kiện vay vốn, mức vay, đối tượng vay, dẫn đến dàn trải, giảm hiệu quả chính sách…
Vì thế, ông Triệu Văn Bình đưa ra đề xuất rà soát, xác định lại các đối tượng, địa bàn rõ ràng, thống nhất để làm cơ sở xây dựng, điều chỉnh các chính sách tín dụng, bảo đảm tính phù hợp của nội dung chính sách, phù hợp đặc điểm vùng, miền. Đồng thời bổ sung đối tượng vay vốn là hộ có mức sống trung bình, tăng mức cho vay phù hợp với nhu cầu vay vốn, sử dụng vốn của các đối tượng thụ hưởng chính sách; tăng cường chính sách hỗ trợ tín dụng đối với các hoạt động sản xuất theo chuỗi, liên kết hợp tác nhằm thay đổi phương thức sản xuất. Trong đó chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế hợp tác, làm nòng cốt. Phân bổ nguồn vốn kịp thời và đồng bộ tạo thuận lợi cho người dân thực hiện.