Tiếp tục thảo luận nhiều vấn đề cử tri quan tâm
Sáng 9-7, kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XI (nhiệm kỳ 2016-2021) tiếp tục diễn ra phiên thảo luận tổ. Với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu đã thẳng thắn nhìn nhận, mổ xẻ những mặt đạt được cũng như chưa được trong phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2020 cùng nhiều vấn đề về an sinh xã hội mà cử tri quan tâm.
Bàn giải pháp phát triển kinh tế-xã hội
Tại buổi thảo luận, các đại biểu tập trung bàn giải pháp về phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng còn lại của năm 2020. Trong 6 tháng đầu năm, nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế giảm so với cùng kỳ năm 2019 và không đạt kế hoạch như: thu ngân sách ước đạt 2.090 tỷ đồng (giảm 7,2%), kim ngạch xuất khẩu đạt 250 triệu USD (giảm 1,96%), kim ngạch nhập khẩu đạt 50 triệu USD (giảm 12,8%)… Lý giải về nguyên nhân các chỉ tiêu sụt giảm trong 6 tháng đầu năm, đại biểu Nguyễn Đức Hoàng-Phó Chủ tịch UBND tỉnh-cho rằng, đó là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Dịch bệnh kéo dài đã tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Gia Lai hiện là địa phương đứng thứ 25/63 tỉnh, thành phố trên cả nước về chỉ số tăng trưởng kinh tế. Mặc dù còn nhiều khó khăn song UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, địa phương, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc tính toán xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế phù hợp, khai thác tốt mọi tiềm năng, thế mạnh của địa phương để từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế trong những tháng còn lại của năm. Nếu kinh tế đạt được kết quả tốt sẽ làm tiền đề phát triển cho những năm tiếp theo. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hoàng đề nghị: “Các ngành, địa phương tập trung rà soát, cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển; tập trung phát triển ngành công nghiệp chế biến; khai thác tiềm năng nuôi trồng thủy sản, phấn đấu đến cuối năm đạt mức tăng trưởng 7,7% so với kế hoạch".
Nhiều đại biểu cũng nhận định, tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán kéo dài đã tác động đến hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, kéo theo dịch bệnh xảy ra, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, khiến đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Đại biểu Nguyễn Duy Anh-Bí thư Huyện ủy Krông Pa-nêu rõ: "Các cấp, ngành cần đề ra những giải pháp tích cực để tái sản xuất ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao năng suất trên cùng một diện tích. Tỉnh và các ngành chuyên môn cần quan tâm, nghiên cứu những giải pháp giúp địa phương chuyển đổi cây trồng thích ứng với điều kiện khí hậu, đặc biệt đối với những huyện phía Đông Nam tỉnh....”
Trước tình hình bệnh bạch hầu đang diễn biến phức tạp ở Gia Lai và một số tỉnh khu vực Tây Nguyên, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, của tỉnh, ngành Y tế đang nỗ lực cùng với chính quyền địa phương triển khai các giải pháp nhằm khống chế, dập dịch hiệu quả. Đại biểu Nguyễn Duy Anh đề xuất: “Chúng ta cần đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng-chống bệnh bạch hầu để người dân hiểu và thực hiện các biện pháp phòng ngừa hiệu quả....”. Còn đại biểu Trương Thế Vinh-Trưởng phòng Y tế huyện Ia Grai thì đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo ban hành kế hoạch tiêm chủng trong nhân dân. Mặt khác, quan tâm đào tạo đội ngũ y tế thôn, làng để họ có chuyên môn hướng dẫn, tuyên truyền người dân phòng-chống dịch bệnh.
Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm thảo luận đó là việc hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho người dân vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Đại biểu Siu Hương-Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh-nêu vấn đề: Trong 3 năm (2017-2019), nhờ được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và một số mặt hàng chính sách khác từ chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số của Chính phủ, nhiều hộ dân trong tỉnh đã từng bước thoát nghèo. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc cần được nhanh chóng tháo gỡ. Đặc biệt, tình trạng cấp cây giống cho người dân vùng đặc biệt khó khăn còn rất chậm khiến bà con bị lỡ thời vụ. Nhiều hộ dân phải tự đi mua giống về gieo trồng cho kịp thời vụ. Như vậy, người dân được hưởng chính sách này sẽ bị thiệt thòi. Mong thời gian tới, các cấp, ngành có hướng giải quyết nhanh và kịp thời để đảm bảo quyền lợi cho người dân”.
Ngoài ra, đại biểu Siu Hương cũng trăn trở về tình trạng học sinh bỏ học ở vùng sâu, vùng xa. “Thời gian gần đây, tình trạng học sinh bỏ học ở vùng sâu, vùng xa đã giảm dần nhưng vẫn còn xảy ra. Vấn đề này nằm ở ý thức của học sinh và các bậc phụ huynh. Nhiều gia đình đã cho con nghỉ học để phụ giúp việc nhà mỗi khi tới mùa vụ. Tôi thiết nghĩ, các thầy-cô giáo dạy ở vùng sâu, vùng xa cần biết tiếng dân tộc thiểu số để thuận lợi hơn trong công tác giảng dạy và vận động học sinh đến lớp, đến trường cũng như gần gũi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các em. Song song với đó thì các ngành, các cấp chính quyền cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tích cực ngăn chặn tình trạng này”-đại biểu Siu Hương nói.
Băn khoăn về các gói hỗ trợ sau dịch Covid-19
Nhiều đại biểu cho rằng, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2020/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 có nhiều vướng mắc, bất cập. Cụ thể, các giáo viên ngoài công lập, giáo viên ở các trường mầm non dân lập, tư tục là đối tượng trực tiếp chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19. Họ phải tạm nghỉ việc trong thời gian dài để phòng-chống dịch, không có thu nhập, một bộ phận không được đóng bảo hiểm xã hội liên tục nhưng lại không thuộc đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/2020/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg.
Đại biểu Trần Lệ Nhung-Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh-cho biết: Trong đợt dịch Covid-19, chỉ tính riêng ở 65 doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng bởi dịch thì có đến 186 lao động phải nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động; 2.399 lao động bị ngừng việc không hưởng lương; 4.791 lao động thực hiện biện pháp làm việc luân phiên. Tuy nhiên, số lao động này không được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/2020/NQ-CP do doanh nghiệp vướng vào Khoản 3, Điều 1 Quyết định 15/2020/QĐ-TTg về điều kiện hỗ trợ (doanh nghiệp vẫn có doanh thu và còn nguồn để chi trả thì người lao động ở doanh nghiệp đó không được hỗ trợ).
Đại biểu Trần Lệ Nhung đề nghị UBND tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền kiến nghị với Chính phủ xem xét, sửa đổi Nghị quyết số 42/2020/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg theo hướng mở rộng đối tượng hỗ trợ, bao gồm cả người lao động phải nghỉ việc luân phiên, không chỉ tại các doanh nghiệp mà cả các đơn vị sự nghiệp và các cơ sở kinh doanh khác; đồng thời, không gắn điều kiện của người lao động với điều kiện của doanh nghiệp để người lao động thực sự khó khăn có thể tiếp cận được gói hỗ trợ này.
Tình trạng doanh nghiệp nợ tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động cũng được đại biểu Trần Lệ Nhung nêu tại buổi thảo luận. Theo đó, tính đến ngày 31-5, toàn tỉnh có 355 doanh nghiệp nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN từ 3 tháng trở lên của hơn 5.000 lao động với tổng số tiền hơn 40 tỷ đồng. Ngoài ra, người lao động còn phản ánh có doanh nghiệp nợ tiền lương lên đến 9 tháng.
“Với tinh thần đồng hành vì sự phát triển của doanh nghiệp cũng như đảm bảo việc làm, đời sống và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, tôi mong muốn UBND tỉnh, ngành chức năng có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Mặt khác, cần có biện pháp xử lý tình trạng nợ lương, nợ tiền đóng các khoản BHXH, BHYT, BHTN của người lao động”-đại biểu Trần Lệ Nhung đề nghị.
Bên cạnh đó, những khó khăn, vướng mắc trong vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đại biểu Ksor Khiếu-Phó Chủ tịch HĐND huyện Ia Grai quan tâm đề cập. Theo đại biểu này, việc cấp giấy CNQSDĐ ở cho đồng bào dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú ở vùng không có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn thì phải nộp 50% tiền sử dụng đất ở, điều này rất khó thực hiện. Đặc biệt, trong điều kiện đời sống kinh tế của bà con gặp nhiều khó khăn hiện nay thì việc người dân phải trả chi phí đo đạc cấp giấy CNQSDĐ lần đầu khá cao (trên 3 triệu đồng/ha). Do đó, đề nghị UBND tỉnh và các cơ quan liên quan quan tâm hỗ trợ người dân, nhất là người dân tộc thiểu số trong việc đo đạc, cấp giấy CNQSDĐ để người dân có điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay, phát triển kinh tế.
Song song với đó, đại biểu Ksor Khiếu cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giao thông-Vận tải làm việc với các cơ quan, đơn vị có liên quan sớm giải quyết hỗ trợ cho các hộ dân của 4 xã Ia Sao, Ia Hrung, Ia Dêr, Ia Pếch (huyện Ia Grai) có diện tích đất canh tác lúa, cà phê, hoa màu bị bồi lấp, ngập úng do việc thi công đường Hồ Chí Minh (đoạn tuyến tránh đô thị Pleiku). Nhiều cử tri thắc mắc rằng, cùng tuyến đường này nhưng các hộ dân của TP. Pleiku đã được giải quyết hỗ trợ, còn các hộ dân của huyện Ia Grai chưa được hỗ trợ, gây mất an ninh trật tự.
Chiều nay (9-7), kỳ họp sẽ tiếp tục với phần thảo luận chung tại hội trường.
Báo Gia Lai điện tử sẽ liên tục thông tin nội dung kỳ họp đến bạn đọc trong thời gian sớm nhất.