Tiếp tục theo dõi cung - cầu, bình ổn thị trường hàng hóa sau Tết
Để tiếp tục bình ổn thị trường tháng sau Tết, quý I/2023 và cả năm 2023, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường, giá cả các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; chủ động, linh hoạt điều hành giá, đảm bảo kiểm soát lạm phát.
Tình hình cung cầu
Theo Bộ Tài chính, Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 diễn ra vào thời điểm cuối tháng 1 dương lịch (20-26/1/2023) và là tháng cao điểm cho chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết, tình hình cung cầu thị trường diễn ra sôi động theo quy luật các dịp Tết. Các hoạt động sản xuất, dự trữ nguồn hàng phục vụ Tết đã diễn ra nhộn nhịp trước Tết; lượng hàng hóa dồi dào, chủng loại đa dạng, hình thức mẫu mã đẹp, hàng hóa được tổ chức lưu thông thông suốt trên địa bàn cả nước, nhất là các mặt hàng nông sản do tình hình sản xuất, thời tiết khá thuận lợi, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết của người dân.
Nhiều siêu thị đã triển khai kế hoạch mở cửa sớm và đóng cửa muộn trong tuần lễ mua sắm Tết cao điểm, một số chuỗi cửa hàng tiện ích, siêu thị mở cửa xuyên Tết khiến nguồn hàng cung cấp ra thị trường không bị gián đoạn; không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá, đầu cơ tích trữ găm hàng trong dịp Tết.
Theo quy luật hàng năm, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng bắt đầu tăng nhẹ từ sau Tết Dương lịch và đã tăng cao hơn vào ngày 23 tháng Chạp (Tết ông Công ông Táo) và sức mua tiếp tục tăng mạnh trong những ngày cận Tết do năm nay chỉ có 2 ngày nghỉ chuẩn bị trước Tết. Tuy nhiên, sau thời gian dịch bệnh từ năm 2020 – 2022, nhiều người dân đã lựa chọn du lịch hoặc kết hợp nhiều hoạt động du xuân trong dịp Tết nên việc mua sắm, chuẩn bị Tết không bị dồn vào một số thời điểm sát tết.
Sang những ngày đầu năm mới, hầu hết các chợ, siêu thị đều đóng cửa vào ngày mùng 1 và mùng 2 Tết; bắt đầu từ ngày mùng 3 Tết, một số siêu thị, chợ truyển thống đã mở cửa đón khách trở lại, các cửa hàng nhỏ cũng dần mở cửa để bán ‘lấy ngày” đầu năm; vào mùng 4 và mùng 5 Tết, hoạt động mua bán hầu như trở về bình thường, nhu cầu tiêu dùng đầu năm không cao do phần lớn các gia đình đã chuẩn bị đủ, chủ yếu tập trung vào một số mặt hàng thiết yếu như nhóm thực phẩm tươi sống thủy hải sản, rau củ quả tươi, hàng ăn và dịch vụ ăn uống, dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí, dịch vụ trông giữ xe, dịch vụ vận tải hành khách...
Diễn biến giá cả
Tình hình cung cầu giá cả thị trường cơ bản bình ổn nằm trong kiểm soát và diễn biến theo đúng với kịch bản công tác điều hành giá trong dịp trước Tết do Ban Chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo các Bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước về giá đề ra.
Tại các chợ truyền thống, giá các mặt hàng thiết yếu như rau củ quả, thịt tươi, đồ phục vụ cúng lễ chỉ tăng theo quy luật vào các ngày cận Tết, một vài ngày đầu năm mới và dự báo sẽ dần trở lại bình thường vào các ngày tới khi nguồn cung từ các chuỗi siêu thị, trung tâm thương mại ổn định cũng như nhu cầu người dân trở lại bình thường. Tại các siêu thị, trung tâm thương mại, mức giá cơ bản được giữ ổn định theo chính sách bán hàng và đảm bảo nguồn cung cho nhân dân.
Với nhóm hàng Lương thực, hầu hết các địa phương trong cả nước đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa chuẩn bị Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, trong đó mặt hàng gạo luôn được chú trọng và được các hộ kinh doanh, doanh nghiệp tích cực chuẩn bị, bảo đảm lượng dự trữ và cung ứng cho thị trường. Trước Tết, từ đầu tháng 1/2023 đến ngày ông Công ông Táo giá gạo chất lượng cao, gạo nếp tăng nhẹ từ 3 - 5% so với ngày thường, giá gạo tẻ thường ổn định. Tại miền Bắc, giá gạo tẻ thường ở mức 12.000-14.000 đồng/kg; gạo tám thơm Điện Biên từ 18.000-22.000; gạo nếp từ 20.000-30.000 đồng/kg. Tại miền Nam, giá bán lẻ trên thị trường gạo trắng thường 25% tấm ở mức 14.000-16.000đ/kg, gạo thơm chợ Đào 18.000-22.000đ/kg.
So với hàng năm, giá thực phẩm tươi sống ổn định trước Tết do nguồn cung dồi dào và mức giá tương đối ổn định trong dịp Tết, chỉ tăng nhẹ so với ngày thường do nhu cầu không có đột biến. So với ngày thường, giá thịt bò tăng khoảng 10.000 – 20.000 đ/kg tùy từng thị trường địa phương do nhu cầu tăng; giá gà sống tăng khoảng 10.000 – 30.000 đ/kg; giá lợn hơi ổn định so giai đoạn trước Tết kéo theo giá thịt lợn thành phẩm cũng không có biến động lớn. Giá thực phẩm tại các điểm bán hàng bình ổn vẫn ổn định và thấp hơn so với giá thị trường.
Giá bán các mặt hàng rau củ, trái cây hầu hết tại các địa phương cơ bản ổn định do thời tiết thuận lợi cho việc trồng rau quả nên nguồn cung khá dồi dào và ổn định, giá chỉ tăng cục bộ trong các ngày nghỉ lễ Tết (mùng 1 đến mùng 5 Tết) tại một số chợ dân sinh thành phố lớn do người bán không nhiều và nhu cầu tiêu thụ rau, củ của người dân tăng. tuy nhiên nhìn chung giá rau củ quả vẫn ổn định hoặc sẽ nhanh chóng trở lại bình thường sau những ngày đầu Tết do thời tiết thuận lợi cho canh tác trồng rau xanh. Giá các loại hoa quả tăng nhẹ từ 5 – 10% tùy từng loại so với ngày thường do nhu cầu cúng Tết cũng như phục vụ quà tặng, chúc Tết.
Hàng thực phẩm chế biến nhìn chung có giá ổn định dịp trước Tết do các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị đủ nguồn hàng cho thị trường và các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn Tết đều có các chính sách ổn định giá cả cho các tháng trong và sau Tết. Giá nhiều mặt hàng như đường, dầu ăn, nước mắm ổn định do nguồn cung lớn; giá các loại bia, rượu và nước ngọt năm nay biến động không đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái do lượng hàng trong các siêu thị, cửa hàng rất dồi dào.
Với nhóm hàng hoa tươi, cây cảnh, giá hoa tươi tăng nhẹ vào các ngày 22, 23 Tết và tăng từ 15 – 25% trong các ngày 27, 28 Tết do nhu cầu tăng cao đối với các loại hoa tươi phục vụ cúng lễ, Tết. Giá các loại cây cảnh chơi Tết như đào, quất, mai tương đương so với cùng kỳ năm trước, nguồn cung dồi dào. Tuy nhiên, đến những ngày cận Tết (từ chiều ngày 29 âm) giá hoa, cây cảnh có xu hướng giảm so với các ngày trước do nguồn cung phong phú, dồi dào, hoa đẹp, không bị khan hiếm trong khi lượng mua kém hơn so với mọi năm. Nhìn chung, nhu cầu mua sắm năm nay giảm hơn so với các năm trước do nhiều gia đình phải cân nhắc chi tiêu ngày Tết.
Giá dịch vụ vận tải cơ bản được kiểm soát tốt tại các địa phương; các đơn vị kinh doanh vận tải cơ bản chấp hành tốt việc kê khai giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Theo báo cáo của các địa phương, về cơ bản giá cước vận tải các tuyến cố định trong thời gian qua không tăng hoặc tăng ít; bên cạnh đó, nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách tăng cao vào dịp trước và sau Tết nguyên đán, một số đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện kê khai tăng giá phụ thu chiều rỗng một chiều.
Dịch vụ trông giữ xe máy, ô tô: Giá dịch vụ giữ xe về cơ bản ổn định, ở tại các siêu thị, trung tâm thương mại giá dịch vụ giữ xe thực hiện tốt theo đúng quy định, một số chợ truyền thống, các điểm trông xe tự phát quanh các địa điểm tâm linh có biến động tăng, nhất là trong các ngày đầu năm và tại một số thành phố có nhiều điểm du lịch, đền chùa...
Công tác quản lý, điều hành, bình ổn thị trường trong dịp Tết
Để tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường trong dịp Tết Nguyên đán, Ban Bí thư đã có Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 18/11/2022 về việc tổ chức Tết Quý Mão năm 2023; Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23/12/2022 về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có Chỉ thị số 03/CT-BTC ngày 12/12/2022 về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023; trong đó, tập trung nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác theo dõi sát biến động giá cả các mặt hàng thiết yếu để kịp thời có các biện pháp quản lý, điều hành phù hợp, đi đôi với đó là đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong dịp Tết.
Với vai trò là thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, Bộ Tài chính đã có báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ – Trưởng Ban Chỉ đạo về tổng kết công tác quản lý, điều hành giá năm 2022, phương hướng điều hành năm 2023 cũng như báo cáo, xây dựng kịch bản điều hành giá cho cả năm 2023. Bên cạnh đó, kiến nghị các biện pháp điều hành, bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 và cả năm 2023 nói chung. Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái – Trưởng Ban chỉ đạo đã có chỉ đạo cụ thể về công tác điều hành giá năm 2023 tại Thông báo số 04/VPCP-KTTH ngày 05/1/2023.
Đồng thời, Bộ Tài chính đã tổ chức 3 đoàn công tác kiểm tra và nắm tình hình triển khai thực hiện công tác quản lý và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 trên địa bàn một số tỉnh, thành phố. Qua làm việc trực tiếp cho thấy các địa phương thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ; đều có các kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, cung ứng hàng hóa, dịch vụ đảm bảo nhu cầu mua sắm, tiêu dùng trước, trong và sau tết; nhất là công tác kiểm tra chấp hành pháp luật về giá và các pháp luật khác đều được chú trọng tăng cường trong dịp Tết để đảm bảo bình ổn thị trường.
Trong công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết, UBND các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành theo dõi sát diễn biến cung, cầu hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng trước, trong và sau Tết, trong đó chủ động theo dõi diễn biến cung cầu đối với mặt hàng thịt lợn để kịp thời tham mưu, đề xuất cho Chính phủ các biện pháp quản lý bình ổn giá theo quy định của pháp luật; chủ động chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, giá cả hợp lý đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho nhân dân, không để xảy ra mất cân đối cung cầu, găm hàng, tăng giá làm mất ổn định thị trường giá cả hàng hóa và dịch vụ.
Các địa phương đã linh hoạt, chủ động trong tổ chức triển khai các giải pháp bình ổn giá cả thị trường. Tùy điều kiện thực tế tại địa phương về cung cầu hàng hóa, đẩy mạnh xã hội hóa chương trình bình ổn thị trường, khuyến khích các doanh nghiệp tự nguyện tham gia. Các doanh nghiệp lớn, hệ thống siêu thị, doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn đã chủ động nhập hàng dự trữ phục vụ Tết Nguyên đán và có kế hoạch tổ chức các hoạt động phục vụ Tết như bán hàng lưu động, các chương trình khuyến mại, giảm giá, tổ chức bán hàng đến cận Tết và bán sớm sau Tết để đảm bảo tình trạng khan hiếm hàng hóa không xảy ra, ổn định giá cả thị trường.
Đơn cử, tại thành phố Hồ Chí Minh, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường năm 2022 - 2023 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, có tổng số 69 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, với nhiều đơn vị quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao. Điểm mới của chương trình năm nay là chia rõ nhóm đối tượng tham gia với hình thức, gồm cung ứng hàng hóa, phân phối hàng hóa và hỗ trợ tín dụng... “Gía hàng hóa trong Chương trình bình ổn thị trường của TP.HCM luôn bảo đảm thấp hơn giá các sản phẩm cùng loại, chất lượng, quy cách trên thị trường từ 5% - 15%”.
Các doanh nghiệp đã dành nguồn vốn 22 nghìn tỷ đồng để chuẩn bị hàng hóa trong 2 tháng Tết. Trong đó, tập trung vào các loại hàng hóa như trứng, lương thực thực phẩm, thực phẩm chế biến. Dự báo nguồn hàng tăng khoảng 2-3 lần so với các tháng bình thường. Riêng doanh nghiệp bình ổn thị trường cam kết trước và sau tết không điều chỉnh tăng giá bán với hàng hóa thiết yếu.
Tại Hà Nội, triển khai kế hoạch số 193/KH-UBND của UBND Thành phố Hà Nội về việc thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023. Dự trữ hàng hóa ước tăng khoảng 10-12% so với cùng kỳ năm trước, tập trung chủ yếu đối với một số mặt hàng thiết yếu như gạo, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường...
Do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nên giá các mặt hàng thiết yếu năm nay cũng tăng nhẹ so với năm trước. Nhóm hàng hóa huy động tăng cường trong dịp Tết chiếm khoảng 35% nhu cầu thị trường trong dịp Tết như: Bánh mứt kẹo phục vụ Tết 525 tấn; Rượu, bia, nước giải khát 70 triệu lít... ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn Thành phố đạt khoảng 39.500 tỷ đồng, tăng 15% với Kế hoạch phục vụ Tết năm trước.
Các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã xây dựng kế hoạch khai thác tăng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng trung bình từ 15% - 30% so với Kế hoạch Tết 2023. Hà Nội đưa vào vận hành thêm 05 điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), nâng tổng số điểm bán sản phẩm OCOP lên 85 điểm bán sản phẩm OCOP trên toàn Thành phố…
Tại Đà Nẵng, tổng giá trị dự trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm phục vụ Tết ước tăng lên khoảng 1.850 tỷ đồng. Trong đó 351,9 tấn gạo, nếp các loại; hơn 4.000 tấn thịt các loại (trong đó thịt heo khoảng 2.000 tấn), 645,7 tấn thực phẩm chế biến, đóng hộp, 287,6 tấn thực phẩm khô, 798,3 tấn bánh kẹo mứt hạt dưa các loại, 900 tấn rau củ quả các loại…
Tại Cần Thơ, chương trình được chia làm 2 giai đoạn thực hiện: Giai đoạn 1 từ tháng 10/2022 đến ngày 31/12/2022, thực hiện các hoạt động bình ổn hàng hóa đảm bảo công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu mua sắm của Nhân dân trong các ngày Lễ cuối năm 2022 và Tết Dương lịch năm 2023; dự trữ hàng hóa phòng chống thiên tai. Giai đoạn 2 từ ngày 01/01/2023 đến hết ngày 31/3/2023, thực hiện các hoạt động bình ổn hàng hóa đảm bảo công tác phòng chống dịch, đáp ứng nhu cầu mua sắm của Nhân dân cho dịp Tết Nguyên đán năm 2023 và các ngày Lễ đầu năm.
Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành Chỉ thị số 38-CT/TU ngày 05/12/2022 về việc tổ chức Tết Quý Mão năm 2023, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có Công văn số 16256/UBND-VP ngày 19/12/2022 về việc triển khai Chỉ thị số 03/CT-BTC của Bộ Tài chính, Sở Tài chính tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành Kế hoạch số 6505/KH-STC ngày 22/12/2022 về việc triển khai thực hiện công tác quản lý, điều hành, bình ổn thị trường phục vụ trước trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu.
Trong công tác kiểm tra, thanh tra chấp hành pháp luật về giá, các địa phương đều đã triển khai rất quyết liệt công tác về quản lý thị trường, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về giá. Trong đó kiểm tra các mặt hàng thiết yếu có tác động lớn đến tâm lý người tiêu dùng như: giá cước vận tải, giá sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi, giá giữ xe, giá dịch vụ lưu trú du lịch và các dịch vụ khác trong các dịp lễ, Tết...
Đối với nội dung kiểm tra, thanh tra giá, mỗi địa phương đều tiến hành thành lập các đoàn kiểm tra và chia thành nhiều đợt, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, bán hàng hóa, dịch vụ theo đúng giá của cơ quan có thẩm quyền quy định; kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, việc kê khai giá, phát hiện và xử lý kịp thời.
Các biện pháp bình ổn thị trường giá cả sau Tết
Sau Tết bắt đầu là thời điểm của Lễ hội diễn ra trên cả nước, nhu cầu đi lại, tiêu dùng thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình, đồ mua sắm phục vụ lễ hội đầu năm có khả năng sẽ có xu hướng tăng. Để tiếp tục bình ổn thị trường tháng sau Tết, quý I/2023 và cả năm 2023, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 22/CT-TTg, ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái – Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá tại Thông báo số 04/TB-VPCP ngày 05/1/2023; trong đó tập trung một số giải pháp.
Đối với tháng 2 và quý I/2023, tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường, giá cả các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, thực hiện kiểm soát chặt chẽ và bình ổn giá cả đối với mặt hàng dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống, đi lại phục vụ dịp lễ, tết. Tăng cường quản lý, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá gắn với kiểm tra chấp hành pháp luật về thuế, phí (nhất là dịch vụ tham quan, du lịch, dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, ôtô).
Quản lý chặt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết các mặt hàng có nhu cầu tăng cao sau Tết; tăng cường kiểm tra, giám sát việc kê khai giá, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết đối với các đơn vị kinh doanh vận tải trong dịp sau Tết, xử lý nghiêm các tình trạng lợi dụng tăng giá bất hợp lý.
Đối với mặt hàng xăng dầu, trong giai đoạn sau Tết là thời điểm nhu cầu đi lại tăng cao của nhân dân, đề nghị Bộ Công Thương chủ động bám sát tình hình thực tế để chủ động các giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống.
Đối với cả năm 2023, công tác quản lý, điều hành giá cần tiếp tục thực hiện một cách chủ động, linh hoạt đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu 4,5% do Quốc hội và Chính phủ đề ra. Theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam để kiến nghị các biện pháp điều hành về tiền tệ, tài khóa phù hợp.
Đối với các mặt hàng nhà nước định giá, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai việc tính toán, đánh giá tác động, chuẩn bị phương án để bảo đảm ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Đối với các hàng hóa, dịch vụ khác, trên cơ sở việc tiếp tục triển khai bình ổn giá cả dịp trước, trong và sau Tết, các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý; chủ động dự báo và có các phương án bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, vật liệu xây dựng, lương thực, vật tư nông nghiệp…
Tiếp tục chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền về điều hành giá nhất là các mặt hàng nhạy cảm, có tác động lớn đến người dân; công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng gây bất ổn thị trường.