Tiếp tục thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga đi vào thực chất
Theo đặc phái viên TTXVN, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Liên bang Nga và đồng chủ trì Phiên họp thứ 3 Ủy ban Hợp tác liên Nghị viện giữa Quốc hội Việt Nam và Duma Quốc gia Quốc hội Liên bang Nga từ ngày 8 - 10/9.
Nhân dịp này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà đã trả lời báo chí về ý nghĩa, kết quả nổi bật của chuyến thăm.
Xin ông cho biết ý nghĩa, kết quả nổi bật của chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn diễn ra trong bối cảnh năm 2024, hai nước kỷ niệm 30 năm ngày ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam-Liên bang Nga (16/6/1994 - 16/6/2024), hơn 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga, tiến tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (30/1/1950 - 30/1/2025).
Chuyến thăm diễn ra ngay sau chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Việt Nam vào tháng 6/2024. Sau khi Chủ tịch nước Tô Lâm được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng thống Putin là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên có cuộc điện đàm với Tổng Bí thư Tô Lâm, thể hiện sự coi trọng đặc biệt của Liên bang Nga đối với quan hệ Việt Nam. Đây cũng là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, thể hiện sự coi trọng của Đảng, Nhà nước Việt Nam với quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga nói chung và quan hệ Nghị viện hai nước nói riêng.
Nội dung chuyến thăm được hai bên chuẩn bị hết sức chu đáo. Gần như tất cả các lãnh đạo cấp cao nhất của Liên bang Nga đều có những cuộc hội đàm, hội kiến, tiếp xúc với Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, từ Tổng thống Vladimir Putin, Chủ tịch Duma Quốc gia V.V. Volodin, Chủ tịch Hội đồng Liên bang V.I. Matvienko đến lãnh đạo các đảng chính trị chính trên chính trường Liên bang Nga. Nội dung các cuộc hội đàm, hội kiến cũng rất sâu sắc, trao đổi toàn diện về tổng thể quan hệ hai nước trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư, dầu khí, năng lượng, khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo, lao động, quốc phòng và an ninh.
Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Putin (tháng 6/2024), hai nhà lãnh đạo cao nhất của hai nước đã trao đổi và thể hiện quyết tâm; đó là bên cạnh việc thúc đẩy, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga thì cần phải giải quyết và tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quan hệ hai nước, đặc biệt là trong bối cảnh nước Nga đang chịu lệnh trừng phạt, cấm vận của Mỹ và phương Tây.
Trong thời gian từ chuyến thăm của Tổng thống Putin tới Việt Nam đến nay, hai bên cũng phối hợp với nhau và giải quyết rất nhiều công việc; tiếp tục thúc đẩy quan hệ hai nước đi vào thực chất.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Duma Quốc gia Quốc hội Liên bang Nga V.V. Volodin đồng chủ trì Phiên họp thứ 3 Ủy ban Hợp tác liên nghị viện giữa Quốc hội Việt Nam và Duma Quốc gia Quốc hội Liên bang Nga. Ông có thể cho biết những nội dung được trao đổi tại phiên họp?
Trong phiên họp lần thứ 3 này, các nội dung hợp tác đã được hai bên trao đổi một cách toàn diện và sâu sắc dưới góc độ của các cơ quan lập pháp nhằm trao đổi kinh nghiệm lập pháp, tăng cường giám sát, chia sẻ những vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm. Điểm đặc biệt của chuyến thăm lần này là sau Phiên họp lần thứ 3 của Ủy ban Hợp tác liên Nghị viện, phiên họp Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Liên bang Nga về hợp tác trong lĩnh vực kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật cũng được tiến hành từ ngày 11 - 12/9/2024.
Phiên họp này cũng được phía Việt Nam và phía Nga chuẩn bị chu đáo; hai Phó Thủ tướng Chính phủ đồng chủ trì phiên họp. Tiếp nối kết quả của phiên họp Ủy ban Hợp tác liên Nghị viện, phiên họp Ủy ban liên Chính phủ trao đổi những biện pháp cụ thể để tháo gỡ vướng mắc, tiếp tục thúc đẩy quan hệ hai nước nâng lên mức độ cao hơn, làm sao đạt mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, kim ngạch thương mại giữa hai nước sẽ đạt được 15 tỷ USD.
Được biết, sau Phiên họp, hai bên đã ra Thông cáo chung. Xin ông cho biết những nội dung cơ bản trong Thông cáo chung?
Tại Phiên họp thứ 3, hai bên đã cùng trao đổi và thống nhất nhiều vấn đề trên cơ sở bám sát các chức năng, nhiệm vụ của cơ quan lập pháp hai nước.
Theo đó, hai bên tăng cường trao đổi kinh nghiệm trong công tác xây dựng thể chế, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội cũng như đảm bảo quốc phòng, an ninh của mỗi quốc gia. Cùng với đó, xây dựng khuôn khổ pháp lý cho sự hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga.
Thứ hai là tăng cường phối hợp trong công tác giám sát, thúc đẩy hoạt động phối hợp giám sát những thỏa thuận giữa Chính phủ hai bên đi vào thực chất và được thực hiện một cách nghiêm túc nhất.
Thứ ba là tăng cường phối hợp với nhau ở các diễn đàn liên nghị viện quốc tế và khu vực, đảm bảo duy trì môi trường hòa bình, ổn định và phát triển ở mỗi khu vực cũng như trên toàn thế giới.
Bên cạnh đó, hai bên cũng thống nhất tăng cường trao đổi đoàn cấp ủy ban, cấp cao, các nhóm nghị sĩ hữu nghị, nhóm nghị sĩ trẻ và nữ nghị sĩ.
Tóm lại, kết quả nổi bật của phiên họp Ủy ban Hợp tác liên nghị viện lần này là làm sao cùng với Chính phủ thúc đẩy thực chất những hợp tác giữa hai bên mặc dù có rất nhiều tiềm năng nhưng thời gian qua chưa được phát huy một cách đầy đủ nhất.
Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trên cương vị là Chủ tịch Quốc hội; là chuyến thăm quan trọng nhất của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta tới Liên bang Nga sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Putin (tháng 6/2024) nhằm tiếp tục thúc đẩy việc tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga.
Phía Nga thể hiện sự coi trọng đặc biệt tới chuyến thăm và bố trí, thu xếp các cuộc hội đàm, hội kiến và tiếp xúc cấp cao nhất với Tổng thống, Chủ tịch Duma Quốc gia Quốc hội Liên bang Nga, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Quốc hội Liên bang Nga. Các cuộc tiếp xúc và trao đổi rất thực chất, bàn về những nội dung rất cụ thể trong tổng thể quan hệ hai nước và đều có định hướng cho phát triển hai nước trong thời gian tới.
Xin trân trọng cảm ơn ông!