Tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững ở vùng miền núi Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh

Ngày 22-12, tại huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội và Ủy ban Dân tộc đã tổ chức Hội thảo 'Triển khai thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh'. Đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội chủ trì hội thảo. Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương tham dự hội thảo.

Đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội chủ trì Hội thảo. Ảnh: Đông Thanh

Đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội chủ trì Hội thảo. Ảnh: Đông Thanh

Tại Hội thảo, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã chỉ ra những nguyên nhân dẫn tới đói nghèo tại các vùng miền núi, đồng thời thảo luận, gợi mở những phương án giúp vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh thoát nghèo.

Đồng chí Tòng Thị Phóng khẳng định, hội thảo là hành động cụ thể, thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với đồng bào dân tộc, sự phát triển của miền núi, dân tộc thiểu số, biên giới.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng chỉ đạo 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh chủ động phối hợp với các cơ quan ở Trung ương, các ban, bộ, ngành trong thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia, thiết thực chăm lo cho đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Đối với 3 tỉnh này, khi triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội khu vực dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới cần chú ý đến các dân tộc còn rất ít người để chăm lo đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo nguồn cán bộ tại chỗ là người dân tộc thiểu số.

Các đại biểu dự hội thảo nhận định, so với mặt bằng chung, vùng dân tộc thiểu số và miền núi hiện vẫn còn tồn tại 5 nhất, đó là “điều kiện tự nhiên khó khăn nhất, kinh tế-xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất”. Sự khó khăn về địa lý đi kèm với chính sách không đồng bộ, không công bằng giữa các đối tượng.

Việc Quốc hội vừa thông qua nghị quyết số 88/2019/QH14 về Đề án tổng thể phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 là kỳ vọng đổi mới cả về lượng và chất đối với công cuộc phát triển chung. Trong đó, chương trình hành động chú trọng việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập so với bình quân chung của cả nước.

Hội nghị xây dựng 10 dự án thành phần của Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, ban hành tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số theo trình độ phát triển nhằm xác định đối tượng cần ưu tiên đầu tư.

Bên cạnh đó, ưu tiên cho huy động nguồn lực đầu tư, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc, bổ sung nhiệm vụ của Ủy ban Dân tộc, đề xuất tham gia hoạch định chính sách đầu tư, phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, mở rộng chính sách tín dụng theo hướng tăng định mức, mở rộng đối tượng được vay đến các dự án sản xuất để tạo sinh kế cho đồng bào.

Các đại biểu đồng thuận quan điểm về giải pháp giảm nghèo cần tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, quy hoạch về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, việc làm, ràng buộc bằng các cam kết thoát nghèo giữa nhiều ngành, nhiều cấp.

TTH

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tiep-tuc-thuc-hien-cac-giai-phap-giam-ngheo-ben-vung-o-vung-mien-nui-thanh-hoa-nghe-an-ha-tinh-post436022.html