Tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên với nhà giáo
Từ 1/7/2020, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức (sửa đổi, bổ sung)' đã có hiệu lực, với nhiều điểm mới tác động trực tiếp đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có đội ngũ giáo viên. Tại các cuộc giao lưu trực tuyến do báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động các quận, huyện tổ chức, nhiều giáo viên bày tỏ băn khoăn về vị trí việc làm, hợp đồng làm việc, cách tính lương mới…
Vị trí việc làm, tiền lương sẽ thay đổi ra sao?
Chị Phan Thị Đông - Chủ tịch Công đoàn Trường Trung học cơ sở Liên Hiệp (huyện Phúc Thọ) hỏi: Theo Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về ban hành chính sách cải cách chính sách tiền lương thì từ năm 2021 sẽ trả lương theo vị trí việc làm. Vậy đối với những giáo viên đã làm lâu năm trong ngành Giáo dục, khi bị cắt thâm niên, lương có bị thay đổi nhiều không? giáo viên có được hưởng phụ cấp nữa không?
Giải đáp những băn khoăn trên, bà Vũ Minh Huyền- Phó trưởng Phòng xây dựng Chính quyền, Sở Nội vụ thành phố Hà Nội cho biết: Theo lộ trình, năm 2020 sẽ thực hiện cải cách tiền lương, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tác động đến tình hình kinh tế xã hội nên tạm thời chúng ta chưa thực hiện. Vì vậy,hiện nay các thầy cô giáo vẫn hưởng lương theo hạng chức danh nghề nghiệp và phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp đứng lớp… khi nào có chỉ đạo của Trung ương thì sẽ thực hiện sau.
Bà Huyền cũng cho biết, hiện nay chưa có khái niệm “cắt thâm niên”, các cô giáo vẫn được hưởng mọi phụ cấp bình thường trong khi chờ chỉ đạo của Trung ương. Về vị trí việc làm, trong trường học thì được chia thành hai loại vị trí. Đối với giáo viên đứng lớp thì có vị trí như giáo viên dạy văn hóa, giáo viên dạy bộ môn (như âm nhạc, thể dục, tin học, tiếng Anh)… đều được gọi là “vị trí làm giáo viên”.Riêng Ban Giám hiệu có hai vị trí là Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng. Hiện, chế độ cải cách tiền lương của các vị trí này đang trong quá trình soạn thảo, chưa thực hiện theoluật hiện hành.
Bày tỏ băn khoăn về chế độ tiền lương khi Luật sửa đổi, chị Khuất Thị Bích Hồng - Phó Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở thị trấn Liên Quan (huyện Thạch Thất) hỏi: Khi bỏ chế độ biên chế, giáo viên cũng tôi cũng trở thành những người lao động hợp đồng. Vậy, chúng tôi sẽ hưởng lương thế nào, hưởng lương theo lương của doanh nghiệp hay hình thức khác?
Trao đổi về vấn đề này, bà Vũ Minh Huyền cho biết: Theo quy định của pháp luật thì vị trí của giáo viên khi được tuyển dụng vào viên chức khác với vị trí của người lao động làm việc tại doanh nghiệp. Vì vậy, đối với việc hưởng lương của các anh chị giáo viên là viên chức theo quy định của pháp luật trước đây hay khi có sửa đổi thì vẫn thực hiện theo thang bảng lương của Chính phủ chứ không thực hiện lương theo doanh nghiệp.
Theo lộ trình thì từ năm 2020-2021, sẽ có thang bảng lương mới nhưng hiện nay có một số lý do nên việc thực hiện thang bảng lương mới vẫn chưa được áp dụng. Do đó, lương của các anh chị giáo viên vẫn thực hiện theo thực hiện Nghị đinh 204, ngoài ra, các giáo viên sẽ hưởng phụ cấp nghề, phụ cấp đứng lớp tùy theo bậc học.
Không còn hợp đồng không xác định thời hạn?
Cũng liên quan đến những thay đổi của Luật Viên chức sửa đổi, chị Hà Thị Thu Hương - Chủ tịch Công đoàn trường Mầm non Long Xuyên (huyện Phúc Thọ)hỏi: Viên chức, nếu ký hợp đồng lao động từ 1/7/2020 có được hưởng chế độ viên chức suốt đời không? Khi bỏ biên chế suốt đời thì người lao động có cần phải tham gia vào các kỳ thi công chức, viên chức để được làm việc tại cơ quan nhà nước hay không?
Tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên với nhà giáo
Tại cuộc gặp mới đây của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với 183 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu toàn quốc nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết: Xác định chất lượng đội ngũ giáo viên là một trong những yếu tố quyết định thành công của đổi mới giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật và các đề án để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục. Theo đó, các chế độ, chính sách đối với nhà giáo sẽ được đảm bảo ngày càng tốt hơn.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng thông tin, mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội phương án tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên với nhà giáo cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương mới. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý và giao cho Chính phủ triển khai thực hiện.
Giải đáp những băn khoăn này, bà Vũ Minh Huyền cho biết: Theo quy định của Luật Viên chức sửa đổi năm 2020, từ 1/7/2020 sẽ không còn Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn. Trường hợp, người lao động được tuyển dụng vào viên chức sau ngày1/7/2020 mà không làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, thì chỉ được ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn.Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn chỉ còn áp dụng với 3 đối tượng:
Hiện tại người đã thực hiện xong hợp đồng làm việc xác định thời hạn; Cán bộ, công chức chuyển thành viên chức. Từ1/7/2020, hợp đồng làm việc áp dụng đối với: Viên chức được tuyển dụng trước ngày 1/7/2020; cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức; người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Có nghĩa, theo Luật mới, viên chức được tuyển dụng từ ngày 1/7/2020 trở đi, không thuộc 2 trường hợp đặc biệt nêu trên, hết hợp đồng xác định thời hạn sẽ không được ký hợp đồng không xác định thời hạn mà ký tiếp hợp đồng xác định thời hạn nếu đáp ứng được các yêu cầu đối với viên chức theo quy định của pháp luật.
Với câu hỏi “Khi bỏ biên chế suốt đời thì người lao động có cần phải tham gia vào các kỳ thi công chức, viên chức để được làm việc tại cơ quan nhà nước hay không? Việc thay đổi chế độ như vậy có ảnh hưởng gì đến việc tuyển dụng của các cơ quan nhà nước không”, bà Huyền cho biết: Theo quy đinh của Luật Viên chức, không có khái niệm sát hạch, nếu vẫn làm vị trí cũ thì sẽ có đánh giá của đơn vị, thủ trưởng đơn vị, sau đó sẽ tiếp tục ký hợp đồng xác định thời hạn 5 năm.
Nếu chuyển sang vị trí việc làm khác, không giống vị trí việc làm tuyển ban đầu, ví dụ như một cô giáo làm vị trí văn thư có nhu cầu chuyển sang làm nhân viên kế toán, nếu có văn bằng phù hợp, cộng với việc đã từng có thời gian công tác ở vị trí kế toán trước đó, thì sẽ phải thông qua sát hạch.Nếu viên chức có nguyện vọng muốn tham gia vị trí của công chức thì phải thực hiện sát hạch để được tiếp nhận.
Cũng liên quan đến vấn đề hợp đồng, chị Nguyễn Thị Bích Nhuần - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Liên Quan (huyện Thạch Thất) băn khoăn: Theo quy định mới của pháp luật, Hợp đồng xác định thời hạn đối với công chức, viên chức xác định tối đa bao năm, với những người đã ký hợp đồng không xác định thời hạn trong thời gian trước đây, thì sau ngày 1/7/2020, sẽ được thực hiện thế nào?
Giải đáp nội dung này, Phó trưởng Phòng xây dựng Chính quyền, Sở Nội vụ thành phố Hà Nội cho biết: Hợp đồng làm việc xác định thời hạn theo quy định Luật cán bộ, công chức, và Luật Viên chức (sửa đổi bổ sung) có thời hạn tối đa là 60 tháng, áp dụng với những trường hợp viên chức được tuyển dụng sau 1/72020.Còn với những trường hợp viên chức được tuyển dụng trước 1/7/2020 mà được ký hợp đồng không thời hạn thì kể cả sau ngày 1/7/2020 vẫn thực hiện hợp đồng làm việc không xác định thời hạn như cũ, không có gì thay đổi./.