Tiếp tục thực hiện chủ trương phân hóa sai phạm trong vụ Vạn Thịnh Phát, FLC

Chủ trương phân hóa sai phạm sẽ tiếp tục thực hiện trong hàng loạt vụ án, trong đó có Vạn Thịnh Phát, FLC,... Riêng các đối tượng liên quan vụ Vạn Thịnh Phát là hơn 1000 người.

Tại phiên họp thứ 25 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Chỉ đạo đã quyết định đưa 2 vụ án vào diện theo dõi, chỉ đạo trong năm 2024 gồm: Vụ án "Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Buôn lậu" xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Dương, Công ty Cổ phần đất hiếm Việt Nam và các đơn vị liên quan; Vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Bộ Công Thương và các địa phương.

Họp báo sau phiên họp thứ 25 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Họp báo sau phiên họp thứ 25 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Trong cuộc họp báo chiều ngày 1/2/ 2024, khi đề cập công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực thời gian qua, ông Nguyễn Văn Yên - Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết: Quan điểm của Tổng Bí thư nói riêng và của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực nói chung là xử lý nghiêm minh, nhân văn, nhân đạo, đúng người, đúng tội. Nghiêm minh không có nghĩa là quá nặng mà đảm bảo đúng bản chất của vi phạm; nghiêm minh là công khai, minh bạch, không có vùng cấm, không có án bỏ túi. Tất cả các khâu từ phát hiện, điều tra, xử lý vi phạm, truy tố, xét xử, thi hành án đều thực hiện theo đúng quy định của pháp luật để các đối tượng vi phạm thấy được sai phạm và lỗi lầm của mình.

"Tất cả các vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn khi đưa ra xét xử, khi nói lời sau cùng, các bị cáo, kể cả bị cáo từng có chức vụ cao, đều bày tỏ sự ăn năn, hối cải, nhận thức được vị phạm của mình và xin chịu tội. Đặc biệt, nhiều người gửi lời xin lỗi tới Đảng, Nhà nước và nhân dân, xin lỗi cả những bị can khác vì mình mà phải chịu tội. Từ đó cho thấy, chủ trương xử lý của chúng ta là đúng người, đúng tội" - ông Nguyễn Văn Yên nói.

Ông Nguyễn Văn Yên - Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại họp báo.

Ông Nguyễn Văn Yên - Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại họp báo.

Cũng theo Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, quan điểm "không có vùng cấm", "không có ngoại lệ" trong xử lý cán bộ sai phạm vừa qua thể hiện rất rõ. Quá trình xử lý không chịu sự chi phối của bất kỳ cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào. Đáng chú ý, thời gian qua, vai trò của Kiểm toán nhà nước thể hiện rỗ rệt, phát hiện rất nhiều vụ việc nghiêm trọng. Công tác phối hợp trong phát hiện rất nhuần nhuyễn, chặt chẽ, nhịp nhàng, từ kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử… như một "cỗ máy hoàn hảo", hoạt động ăn khớp, rất nhanh chóng, kịp thời.

Ông Nguyễn Văn Yên đặc biệt nhấn mạnh chủ trương phân hóa sai phạm trong vụ Việt Á. Những người vì nhiệm vụ chung, vì chống dịch, cứu người, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, không vụ lợi,... đã được xem xét miễn trách nhiệm hình sự. Đó là chính là tính nhân văn của Đảng. Hay như vụ án liên quan đăng kiểm, dù là vụ án tham nhũng vặt nhưng rất nhức nhối, gần 1000 con người liên quan. Tuy nhiên, Ban chỉ đạo đã đưa ra chủ trương nghiên cứu để hình thành tiêu chí phân loại. Hàng loạt vụ án khác, kể cả Vạn Thịnh Phát, FLC… cũng sẽ thực hiện chủ trương phân hóa sai phạm. Riêng các đối tượng liên quan vụ Vạn Thịnh Phát là hơn 1000 người. Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, những người chỉ thực thi nhiệm vụ theo chỉ đạo mà gây thất thoát thì trách nhiệm bồi hoàn thuộc về người chủ mưu, người cầm đầu và không xem xét những người lệ thuộc, giữ vai trò thứ yếu.

Khen thưởng các cơ quan, đơn vị báo chí có nhiều đóng góp trong công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2023

Khen thưởng các cơ quan, đơn vị báo chí có nhiều đóng góp trong công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2023

Cũng tại cuộc họp báo chiều 1/2, đại diện Ban Nội chính Trung ương và Ban Tuyên giáo Trung ương đã khen thưởng các cơ quan, đơn vị báo chí có nhiều đóng góp trong công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2023 gồm: Phòng Chính trị, Ban Thời sự, Đài Truyền hình Việt Nam; Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam; Báo Điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam; Báo Thanh tra; Tạp chí Nội chính.

PV/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/tiep-tuc-thuc-hien-chu-truong-phan-hoa-sai-pham-trong-vu-van-thinh-phat-flc-post1075133.vov